Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc chuyển trường, chuyển lớp học sinh các cấp như thế nào?

Ly Hương
05:30 - 24/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện chuyển trường của học sinh mầm non và phổ thông công lập rất chặt chẽ.

Điều kiện chuyển trường đối với học sinh các cấp

Đối với trẻ mầm non, điều kiện chuyển trường không được quy định cụ thể tại các văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Theo đó, việc chuyển trường của trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh và nhà trường. Khi phụ huynh có yêu cầu chuyển trường thì nhà trường thường sẽ đồng ý.

Đối với học sinh tiểu học, tại điểm c khoản 2 Điều 36 Quy chế trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định: Khi có ý kiến đồng ý tiếp  nhận của nơi chuyển đến, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh gửi đơn xin chuyển trường cho nhà trường nơi chuyển đi. Trong thời gian không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đi có trách nhiệm trả hồ sơ cho học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, để chuyển trường cho học sinh tiểu học, phụ huynh phải có đơn xin chuyển trường gửi cho nhà trường nơi chuyển đến. Nếu nhà trường nơi chuyển đến đồng ý nhận học sinh thì nhà trường nơi chuyển đi sẽ trả hồ sơ cho phụ huynh để làm thủ tục chuyển trường.

Đối với học sinh trung học cơ sởhọc sinh trung học phổ thông, chuyển trường khi có lý do chính đáng là một trong những quyền của học sinh được ghi nhận tại Điều 35 - Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông khi chuyển trường sẽ phải đảm bảo một số điều kiện:

Đối với học sinh trung học cơ sở: Chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố: phải nộp hồ sơ cho hiệu trưởng nhà trường nơi đến xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác: Phải nộp hồ sơ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra.

Đối với học sinh trung học phổ thông: Chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố: phải nộp hồ sơ cho hiệu trưởng nhà trường nơi đến xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác: Phải nộp hồ sơ cho Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc chuyển trường, chuyển lớp học sinh các cấp như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh các cấp đều có nhu cầu chuyển trường, chuyển lớp vì nhiều lý do khác nhau. Minh hoạ: Cổng TTĐT Hà Nội

Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đến xem xét, quyết định. Căn cứ Điều 5 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT.

Nhà trường không đồng ý cho chuyển trường thì thế nào?

Yêu cầu chuyển trường là một trong những quyền của trẻ em, học sinh. Tuy nhiên, nếu không có lý do chính đáng hoặc tình hình hình thực tế không cho phép thì có thể nhà trường nơi chuyển đến sẽ không đồng ý nhận học sinh.

Chẳng hạn, nội dung một bài viết trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 23/4 cho biết: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục nghề nghiệp. Đối với giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), học sinh sẽ học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Chính vì chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn học lựa chọn theo tổ hợp nên học sinh ở cấp học trung học phổ thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu chuyển trường, chuyển lớp. 

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lựa chọn 4 môn học trong số các môn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Ngoài ra, các học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau".

Thực tế công tác dạy và học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, rất nhiều phụ huynh xin cho học sinh lớp 10 chuyển trường nhưng không được các hiệu trưởng đồng ý. Bởi vì, điều này sẽ phát sinh tình trạng các em thi tuyển sinh vào những trường có điểm chuẩn thấp, sau khi học xong một học kì thì xin chuyển đến các trường có điểm chuẩn cao hơn.

Vậy nên, khi không có sự đồng ý của nhà trường nơi chuyển đến thì nhà trường nơi đang theo học cũng không đồng ý cho học sinh chuyển trường. Học sinh không thể thực hiện thủ tục chuyển trường. 

Trường hợp nhà trường nơi chuyển đến đồng ý nhận học sinh thì nhà trường nơi học sinh đang theo học thường sẽ cho học sinh chuyển trường.

Có thể nhận thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện chuyển trường của học sinh mầm non và phổ thông công lập hiện rất chặt chẽ, phòng tránh các trường hợp chuyển trường không có lý do chính đáng.

Vì vậy, không nhất thiết phải thay đổi quy định về việc chuyển trường, chuyển lớp cho học sinh. Tuy nhiên, theo hoàn cảnh học sinh và tình hình dạy, học của từng trường, hiệu trưởng sẽ đưa ra quyết định sao cho hợp tình hợp lí nhất.