Những giáo viên Thủ đô tâm huyết, sáng tạo với nghề
Sự tâm huyết, sáng tạo trong quá trình giảng dạy của các cô giáo ở Thủ đô đã giúp học sinh chủ động, say mê khám phá tri thức...
Lôi cuốn học sinh từ cách dạy học môn Địa lí
Tâm huyết, sáng tạo cần được phát huy trong mọi hoạt động giáo dục ở trường học như công tác chuyên môn, công tác giáo dục học sinh… là những điều cô giáo Lê Thị Đào, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.
Cô giáo Lê Thị Đào, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm là một trong những nhà giáo vừa đạt giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" tiêu biểu của Thủ đô lần thứ VI.
Trao đổi với phóng viên, cô Lê Thị Đào chia sẻ, 24 năm trong nghề dạy học, cô đã coi sự tâm huyết, sáng tạo với nghề là mục đích, là động lực thôi thúc để tôi cống hiến, phát triển và hoàn thiện bản thân.
Tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Tổ Xã hội có 3 bộ môn là Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Để quản lí, điều hành công tác chuyên môn của tổ đòi hỏi Tổ trưởng chuyên môn luôn luôn học hỏi về chuyên môn của các nhóm chuyên môn khác, nắm bắt được những thế mạnh, hạn chế của mỗi nhóm, mỗi giáo viên, đồng thời cũng phải nhanh nhạy nắm bắt được các chủ trương chỉ đạo của Thành phố, của Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường để xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời đến các thành viên trong tổ.
Tổ Xã hội do cô Lê Thị Đào là Tổ trưởng luôn đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, tình yêu quê hương đất nước, ý thức chấp hành pháp luật và các kĩ năng sống.
Trong các năm học gần đây, tổ xã hội đã xây dựng được các chuyên đề giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Từ mùa xuân ta có Đảng, Non sông thống nhất, Giải phóng Thủ đô, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Thanh niên với môi trường, tìm hiều văn các nước ASEAN, An toàn giao thông, Tình yêu tuổi học trò... Các chuyên đề này đã thu hút được đông đảo học sinh, các em rất hoà hứng, tích cực tham gia gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp này, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất và kĩ năng sống cho các em.
Hoạt động mũi nhọn của tổ là bồi dưỡng học sinh giỏi cho các kì thi học sinh giỏi cấp cụm, cấp thành phố, cấp Quốc gia. Trong năm học 2021- 2022, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của bộ môn địa lí và lịch sử đạt nhiều thành tích cao khi có học sinh đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia môn địa lí; 2 giải Nhì cấp thành phố môn địa lí; 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích cấp thành phố môn lịch sử, ngoài ra còn có nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cấp cụm môn lịch sử và địa lí.
Trong năm học 2020 -2021, kết quả thi tốt nghiệp các môn trong tổ hợp xã hội đều đạt kết quả cao: Môn Giáo dục công dân xếp thứ 12, môn Địa lí xếp thứ 20, môn Lịch sử xếp thứ 30 trên tổng số 200 trường toàn thành phố. Với những nỗ lực và kết quả trên, năm học 2021 -2022 tổ Xã hội đã được đề nghị khen thưởng danh hiệu "Tổ lao động tiên tiến xuất sắc" cấp Thành phố.
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy Địa lí, một bộ môn thường được coi là môn phụ vì rất ít các trường Đại học tuyển sinh theo tổ hợp có môn địa lí, cô Lê Thị Đào luôn trăn trở làm thế nào để học sinh yêu thích môn Địa lí.
Để làm được điều đó, cô Lê Thị Đào nhận thức thấy mình cần có chuyên môn vững vàng, có phương pháp dạy học hấp dẫn và cách thức thức tổ chức dạy học khoa học lôi cuốn được học sinh qua ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, từ việc soạn giáo án trên Powerpoint, đến việc chia nhóm học tập… Trong suốt hơn 10 năm liên tục với trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi khối 12 môn Địa lí, trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai đã có nhiều học sinh đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Địa lí.
"Tâm huyết, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu đối với nghề dạy học, sự tâm huyết sáng tạo của người giáo viên mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, cho chính bản thân giáo viên và môi trường giáo dục", cô Lê Thị Đào chia sẻ.
Giúp học sinh thích học Tiếng Việt
Sau sưa tìm tòi nâng cao trình độ công nghệ thông tin bản thân, trăn trở làm như thế nào để truyền được cảm hứng học tập, giúp học sinh tự nguyện chủ động khám phá tri thức, đặc biệt là các em nhỏ lứa tuổi Tiểu học là những điều cô giáo Trần Thị Mai Trang, Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng tâm huyết, giành tình yêu thương cho học trò trong quá trình giảng dạy.
Cô Trần Thị Mai Trang, Trường Tiểu học Bà Triệu là một trong những nhà giáo vừa đạt giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" tiêu biểu của Thủ đô lần thứ VI.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, cô Trần Thị Mai Trang chia sẻ, chúng ta nghe rất nhiều về dạy học "Dự án" nhưng ở Tiểu học thì gặp không ít khó khăn lí do độ tuổi các con còn nhỏ, thời lượng học các môn trong chương trình tương đối nhiều. Nhưng ở lớp học do cô Trang chủ nhiệm, các dự án dạy học của cô và trò vẫn thường xuyên được diễn ra, lồng ghép đan xen trong dạy và học.
"Đơn giản chỉ bởi vì tôi muốn truyền lửa cho các con yêu thích khám phá tri thức truyền lửa", cô Trang chia sẻ.
Từ mong muốn truyền lửa ấy, cô Trang đã có nhiều dự án trong quá trình dạy học như: Dự án "Làm phim hoạt hình không khó"; dự án "Chúng em tái chế" nhằm giáo dục bảo vệ môi trường được tổ chức thành show thời trang; dự án "Đèn lồng trong mắt em" tìm hiểu và yêu văn hóa truyền thống; dự án "Khám phá Khoa học - Làm thí nghiệm không khó" giúp học sinh yêu thích khám phá khoa học; dự án "Học Tiếng Việt qua nghệ thuật" giúp học sinh để thêm yêu và thích học Tiếng Việt.
Trong tất cả các dự án đã thực hiện thì dự án "Làm phim hoạt hình không khó" là dự án cô Trang tâm đắc nhất khi tích hợp liên môn: Tiếng Việt, Mĩ Thuật, Âm nhạc, Tin học - Công nghệ.
Theo cô Trang, ban đầu với các con học sinh lớp 2 còn bỡ ngỡ với phân môn luyện từ và câu, phân môn tập làm văn, thậm trí có học sinh còn có tâm lí ngại học Tiếng Việt. Nhưng qua dự án này học sinh đã vô cùng hào hứng và chủ động và tích cực học môn Tiếng Việt hơn. Các con chuyển dần từ ngại học Tiếng Việt sang yêu thích. Dự án "Làm phim hoạt hình không khó" đã được sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh.
Cô Trang cũng cho biết, mặc dù là một dự án dài hơi phải trải qua nhiều bước của dự án và mất nhiều thời gian, nhưng các con vô cùng thích thú vì được thỏa sức sáng tạo và tự tin thể hiện bản thân mình. Đây cũng chính là nguồn động lực to lớn đối với bản thân tôi để tiếp tục tìm tòi khám phá nhiều dự án mới mẻ hơn nữa.
Từ sự tâm huyết của cô Trang qua các dự án, học sinh trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng tự tin, năng động sáng tạo hơn, kết quả học tập các môn học trong tích hợp liên môn ngày càng tốt lên.
Sổ tay đến trường - kết nối giáo viên và phụ huynh
Với nhu cầu mong muốn kết nối thông tin, thường xuyên của phụ huynh với nhà trường - giáo viên về quá trình học tập của con em mình, cô giáo Trương Thị Hiền, trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai đã xây dựng Ứng dụng điện tử Sổ tay đến trường - một công cụ hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong quá trình dạy và học.
Ứng dụng điện tử Sổ tay đến trường là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí chạy trên nền tảng website của trường Tiểu học Tân Định. Ứng dụng hỗ trợ rất nhiều cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa nhất là với các em học sinh đặc biệt. Đồng thời giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc của phụ huynh khi đồng hành cùng con học tập.
Ứng dụng gồm có 3 tính năng chính: Hoạt động hằng ngày; Khoảnh khắc đáng nhớ; Chia sẻ kết nối. Tính năng quản lý học sinh là một điểm nhấn của ứng dụng. Ngoài quản lý thông tin học sinh, giáo viên có thể phân loại đối tượng học sinh là đại trà hay học sinh đặc biệt từ đó kế hoạch dạy học theo hướng cá thể hóa giúp các em học tập tốt hơn phát huy năng lực của mình.
Khi truy cập mục Hoạt động hằng ngày phụ huynh và học sinh sẽ dễ dàng thấy được các công việc, nhiệm vụ mà học sinh cần thực hiện với sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên. Ứng dụng còn giúp giáo viên cập nhập thông tin ghi lại các hoạt động hằng ngày, kết quả các phong trào cuộc thi mà học sinh đã tham gia thông qua hệ thống video và hình ảnh.
Đặc biệt, những tâm tư nguyện vọng của phụ huynh sẽ được giáo viên - nhà trường giải đáp qua mục Kết nối - chia sẻ một cách kịp thời lại đảm bảo sự bí mật và tính riêng tư.
Bằng việc sử dụng ứng dụng Sổ tay đến trường, cô Trương Thị Hiền đã động viên được phụ huynh, học sinh cùng tham gia đánh giá kết quả học tập, rèn luyện một cách thường xuyên.
Thông qua sự đánh giá này, giáo viên có thể điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục một cách kịp thời; giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tự học, tự điều chỉnh cách học; phụ huynh nắm bắt được quá trình học tập, rèn luyện của con mình.
Ứng dụng Sổ tay đến trường cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực mà cô Hiền đã sử dụng để giúp các em học sinh đặc biệt không cảm thấy mình bị phân biệt hay bị bỏ rơi so với các bạn cùng lớp khi tham gia học hòa nhập.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google