Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao

img

Thầy Vỹ không chỉ là người mang cái chữ tới cho các em nhỏ vùng cao mà còn là cầu nối giúp các em có thêm cơm no, áo ấm, được học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn.

Với những việc làm tử tế của mình, năm 2016, thầy Vỹ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, thầy được Trung ương Đoàn tặng bằng khen đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia. Thầy cũng là nhân vật truyền cảm hứng trong chương trình Cất cánh của Đài truyền hình Việt Nam tháng 11/2020.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ và chúc mừng thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ tại Lễ trao giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022. Ảnh: NVCC

Trong Lễ trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022 vừa qua, thầy Vỹ là nhân vật trong tác phẩm Chuyện "Vỹ khùng" do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam thực hiện được nhận giải "Nhân vật ấn tượng".

Ngay sau lễ trao giải, thầy Vỹ đã dành thời gian chia sẻ cùng Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học về cơ duyên đến với nghề giáo, đặc biệt là hành trình 22 năm cõng chữ lên non, gieo yêu thương trên những bản làng còn nhiều gian khó.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ và học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 3.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trước tiên xin gửi lời chúc mừng thầy đã nhận được giải "Nhân vật ấn tượng" tại Lễ trao giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022. Thầy có thể chia sẻ cảm xúc lúc này?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Tôi thật sự rất vui, bất ngờ xen lẫn xúc động. Vui vì tác phẩm Chuyện Vỹ "khùng" - câu chuyện về hành trình dạy học, xây trường, dựng lớp của tôi do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam thực hiện đã đoạt giải Nhì giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022. Tôi cũng bất ngờ khi tôi là một trong số hai nhân vật của tác phẩm đoạt giải được nhận giải "Nhân vật ấn tượng".

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi câu chuyện của mình được nhiều người biết đến, được lan tỏa rộng hơn. Tuy nhiên, giải thưởng này cũng là một áp lực lớn đối với tôi. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan truyền thông, báo chí, mọi người ghi nhận, tôi biết trách nhiệm của tôi sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 4.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nghề giáo là nghề vất vả nhưng tại sao thầy lại chọn gắn bó giữa vô số ngành nghề khác?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Tôi vốn không thích nghề giáo ngay từ đầu. Trong suốt 12 năm học phổ thông, tôi chưa từng có suy nghĩ sau này sẽ làm bạn với bảng đen, phấn trắng và trở thành thầy của những đứa trẻ.

Chắc mọi người cũng biết, thường ở quê, người con cả trong gia đình tốt nghiệp phổ thông mà không đi học chuyên nghiệp, ba mẹ sẽ rất áp lực với bà con làng xóm. Gia đình tôi có 7 anh em, tôi lại là con cả. Ngày xưa nhà nghèo lắm, tôi thi đỗ đại học nhưng không có tiền để nhập học. 

Hồi đó, Trường Trung cấp sư phạm Quảng Nam mới thành lập nên tổ chức thi trễ hơn rất nhiều so với các trường khác. Ngày đó, không suy nghĩ nhiều, tôi quyết định thi vào trường và trở thành sinh viên khóa đầu tiên. 

Ban đầu, tôi chọn ngành sư phạm chỉ là đi học cho có học, để ba mẹ khỏi áp lực với hàng xóm và quan trọng hơn là tôi không phải đóng học phí. Có lẽ cũng chính vì vậy, khi ra trường nhận công tác, tôi gần như gục ngã và muốn bỏ nghề.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Vì sao thầy lại có suy nghĩ đó?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Năm 2000, tôi được phân về dạy tại điểm trường Tu Nất ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Nhà tôi cách trường chính khoảng 100 cây số, phải đi 2 chuyến xe khách mới tới nơi. Để đến được điểm trường Tu Nất trên núi cao thì phải đi bộ thêm 6 tiếng nữa, nếu vừa đi vừa nghỉ có thể sẽ mất nguyên một ngày.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 5.

Ngày đầu tiên đi dạy, nhìn khung cảnh trước mắt, tôi thất vọng hoàn toàn. Tôi không nghĩ nơi tôi đến là trường học, mọi thứ đều tạm bợ, lụp xụp, lớp học được dựng lên từ tre, nứa và mấy tấm tôn đã cũ. Trường ở vùng cao khi đó chỉ là một ông thầy đứng trên còn mấy đứa nhỏ ê a phía dưới, thiếu thốn đủ thứ.

Vốn không đam mê với nghề ngay từ đầu, đường đi gian nan, lên đây lại đối diện với cuộc sống khó khăn, không biết bao lần tôi định bỏ nghề. Sau ngày nghỉ, trở lại trường, lớp học bỗng chốc biến thành chuồng gia súc vì dê, bò vào trong đó ở, thầy cô thường xuyên phải dọn phân bò sau kỳ nghỉ, sửa sang lại lớp. Những ngày đó, tôi chỉ muốn rời xa vùng đất nghèo nàn, xơ xác ấy.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thầy đã vượt qua những khó khăn ban đầu thế nào?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Thời gian đầu, tôi đi dạy chỉ để kiếm lương phụ giúp ba mẹ nuôi các em, nhưng sau này khi tiếp xúc và gắn bó với học trò nhiều hơn, hiểu những khó khăn mà các em phải đối mặt thì suy nghĩ trong tôi gần như đã thay đổi.

Học trò tôi cực lắm! Cuộc sống không đủ ăn áo không đủ mặc mà các em vẫn vui tươi, kiên cường vượt qua. Ba mẹ các em cũng đặt niềm tin ở tôi rất nhiều. Họ hy vọng tôi trao cho con họ cái chữ để cuộc sống của con họ tốt đẹp hơn. Họ mong thầy giáo sẽ là người "mở tương lai" cho những đứa trẻ vùng cao.

Vậy nên, nhiều lúc tôi cũng tự vấn bản thân: Tại sao các em vất vả mà vẫn vô tư đến thế? Tại sao mình lại chán nản khi có việc làm và được trả lương? Đáng ra thầy phải là người thay đổi cuộc sống của học trò nhưng câu chuyện của tôi thì ngược lại. Học trò đã thay đổi cuộc đời tôi. Và từ đó tôi xác định gắn bó với nghề giáo.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 6.

Học trò chính là người thay đổi cuộc đời của thầy Vỹ và tiếp thêm động lực để thầy gắn bó với nghề giáo. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 7.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Được biết, hơn 20 năm làm nghề, thầy rong ruổi khắp núi rừng để cùng xây trường, dựng lớp, sẻ chia khó khăn với học sinh, người dân vùng cao, duyên cớ nào khiến thầy làm được những việc đó?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Tôi cũng từng sống trong cái nghèo, cái khổ nên tôi hiểu được sự khó khăn của học trò và người dân ở vùng cao. Thực lòng, tôi luôn muốn tìm cách để kết nối giúp đỡ họ. 

Năm 2011, sau 11 năm đi dạy, tôi được biệt phái về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My. Mốc thời gian này hết sức quan trọng đối với tôi. Tôi được đến nhiều điểm trường trong địa bàn huyện. Có đi mới biết đa số các điểm trường ở Nam Trà My đều rất tạm bợ, trời nắng thấy mặt trời, trời mưa ướt cả phòng, trời lạnh thì gió lùa vào lớp, học trò run vì rét. Lúc đó, tôi nghĩ mình phải làm thôi, làm điều gì đó giúp thầy cô cũng như học sinh ở những điểm trường này. Thế là tôi bắt đầu hành trình vừa dạy học, vừa làm thiện nguyện.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Hành trình đó diễn ra như thế nào, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Ban đầu tôi làm nhỏ, đi xin những cái mà học sinh thiếu, ai có khả năng cho cái gì thì tôi xin cái đó. Đến năm 2014, tôi cùng một số thầy cô, cán bộ trong huyện thành lập Câu lạc bộ Kết nối yêu thương để thực hiện mục tiêu lớn hơn là kêu gọi xây dựng, sửa chữa các điểm trường, trường học lụp xụp.

Thời gian đầu câu lạc bộ hoạt động, chưa kêu gọi được kinh phí nên mỗi tháng các thành viên sẽ trích 100 nghìn đồng tiền lương đóng góp. Chúng tôi bắt đầu bằng việc đi láng nền xi măng, lát gạch men cho một vài điểm trường. Lúc đó nhiều trường học ở huyện Nam Trà My vẫn còn nền đất. Công trình nhỏ đầu tiên được một số thầy cô trong câu lạc bộ chia sẻ lên Facebook, cũng nhờ mạng xã hội mà dần dần chúng tôi được mọi người biết đến nhiều hơn.

Khoảng thời gian này cũng có nhiều nhà tài trợ, các câu lạc bộ đến huyện Nam Trà My làm thiện nguyện. Tôi nhớ có những nhóm mang hơn 500 triệu đồng để mua quà tặng học sinh và thầy cô. Số tiền lớn rất quý nhưng mua quà thì chỉ trong một tuần, một tháng là hết, nếu dùng để xây trường thì giá trị sử dụng sẽ bền vững hơn. Thầy cô giáo vừa có một nơi ở ổn định để tập trung giảng dạy, học sinh tới trường có lớp học sạch đẹp hơn, trường cũng là nơi giúp người dân tránh bão, có quá nhiều lợi ích. Cũng chính từ suy nghĩ này, chúng tôi đã kết nối với các nhà tài trợ, xin họ chỉ dùng một nửa số tiền để trao quà, nửa còn lại hỗ trợ chúng tôi làm trường.

Ban đầu xin kinh phí, thuyết phục các đơn vị rất khó vì người ta không tin tưởng mình. Các thành viên trong câu lạc bộ phải chia thành từng nhóm đi bộ đến điểm trường khảo sát. Những điểm trường này nằm trên núi cao, hẻo lánh, để đến được đây mất nửa ngày đường. Đổi lại là những hình ảnh chân thực học sinh ngồi học dưới nhà tranh tre, nứa lá, nền đất được chia sẻ lên Facebook kèm theo lời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. 

Sau những bài đăng, chúng tôi được Quỹ Thiện nguyện "Vì yêu thương" - Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí để xây lại điểm trường đầu tiên - điểm trường Răng Dí ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My. Khi đó, cả nhóm đều vỡ òa trong hạnh phúc. 

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 8.

Ngôi trường đầu tiên được xây lên, kết quả ngoài mong đợi, câu lạc bộ kê khai thu chi rõ ràng nên các nhà hảo tâm liên hệ đến rất nhiều. Có người còn cam kết hỗ trợ nhóm 1-2 tỷ đồng để nhóm xóa sổ tất cả các điểm trường tạm, xây dựng lại khang trang, sạch đẹp hơn. Thời gian cao điểm của làm trường, chúng tôi xây 13 điểm trường trong vòng 27 tháng.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Vừa dạy học vừa xây 13 điểm trường trong vòng 27 tháng, chẳng nói thì cũng biết thầy rất vất vả?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Đúng vậy! Bắt tay vào làm mới thấy cực, thấy khó đủ thứ. Đường không có, chúng tôi không thể đến các điểm trường bằng ô tô hay xe máy, tất cả đều phải đi bộ, di chuyển vật liệu cũng phải cõng bộ. Người đi một mình đã khó, đằng này phải gùi trên vai vài chục kg vật liệu xây dựng, để làm được điều đó các thầy cô giáo và thành viên trong câu lạc bộ phải đến từng bản làng, trình bày, nhờ bà con vận chuyển vật liệu giúp. Để hoàn thành một ngôi trường ở vùng cao thì khối lượng công việc là rất nhiều, tốn thời gian, công sức của nhiều người.

Tôi vẫn nhớ lúc làm điểm trường Răng Dí ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, do ban đầu chưa có kinh nghiệm tính toán và chưa lường hết những chuyện phát sinh, trường làm xong ngốn thêm hơn chục triệu đồng so với kinh phí mạnh thường quân hỗ trợ nên tôi phải bỏ tiền túi để bù lại. 

Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học: Làm thiện nguyện đôi khi cũng sẽ gặp phải những câu chuyện không mong muốn, thầy đã từng trải qua những chuyện như vậy chưa?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Khi bắt đầu câu chuyện làm thiện nguyện, tôi chịu áp lực từ rất nhiều phía, áp lực về thời gian, áp lực từ công việc chính là đi dạy học và áp lực từ dư luận xã hội… Nhiều người không hiểu việc tôi làm nên cũng hay đồn thổi, lời ra tiếng vào. Người bảo tôi khùng, người bảo tôi làm để tư lợi cho bản thân. Năm đầu tiên, sau khi thành lập câu lạc bộ tôi đã định bỏ vì quá áp lực.

Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc sống của các em, nhìn lại những người tôi đã giúp, những người đang và sẽ cố giúp thì tôi suy nghĩ rằng "không có điều gì là không thể vượt qua được". Tôi bỏ ra chút công sức mà học trò bớt khổ thì nên lấy đó làm động lực để vượt qua khó khăn.

Thực sự, làm thiện nguyện không dễ chút nào. Khi làm gì đó nhận được sự ủng hộ tất nhiên cũng sẽ có sự phản kháng, tôi phải tập chấp nhận chuyện đó. Gặp sự việc như vậy, tôi cảm thấy mình may mắn vì có quá nhiều người yêu thương.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 9.

Thầy Vỹ và cộng sự trong chuyến đi thiện nguyện ở vùng cao Nam Trà My. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 10.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Sau nhiều năm làm công việc mà nhiều người cho là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", thầy thấy mình được những gì?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Thực sự, lâu nay mọi người hay gọi tôi là Vỹ "khùng" cũng vì tôi làm điều mà người khác cho là vu vơ. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy, công việc này cho tôi rất nhiều thứ. Tôi được sống là chính mình, được "khùng" trong niềm vui sướng và cái được nhất là tình cảm từ học trò và người dân vùng cao.

Người dân ở đây còn nghèo, còn khổ nhưng chẳng tiếc thầy cô thứ gì. Cách đây 5, 6 năm, bà con luôn bốc gạo mang đến trường để cho giáo viên, để nuôi thầy cô giáo. Họ dành cho chúng tôi những gì tốt nhất mà họ có. 

Có lần, anh tổ trưởng sản xuất thôn - người thường góp gạo cho thầy cô, mời chúng tôi về nhà chơi. Anh có làm một con gà nhỏ để đãi thầy cô về. Tôi bảo anh cho ít gạo vào nước luộc gà để có nồi cháo. Thế nhưng, lúc sau không thấy cháo đâu, chỉ thấy có gà và một nồi sắn. Tôi có hỏi tại sao như thế thì anh nói "nhà hết gạo rồi". 

Anh bảo rằng, bà con chỉ ăn sắn, nhưng thầy cô ăn sắn không quen đâu. Hóa ra họ góp gạo cho thầy cô còn để gia đình mình ăn sắn. Người dân vùng cao là vậy đó! Từ sâu trong thâm tâm, tôi luôn biết ơn và trân quý tình cảm bà con dành cho mình. 

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Gia đình ủng hộ thầy như thế nào trong công việc thiện nguyện?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Đầu tiên, ba mẹ tôi phản đối, tôi phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, nói chuyện để ba mẹ hiểu và tin tưởng mình.

Còn vợ tôi vì cùng làm trong ngành nên cô ấy hiểu và có phần đồng cảm với những việc tôi đang làm. Nhà tôi ở thành phố Tam Kỳ, vợ, hai cậu con trai đều công tác, học tập thành phố, nhưng hầu hết thời gian của tôi lại gắn với núi rừng Nam Trà My. Do vậy, mọi việc lớn nhỏ trong nhà cô ấy đều cáng đáng hết.

Có đợt con tôi ốm phải đi viện, vợ tôi gửi thư từ nhà lên trường để thông báo, hồi đó chưa có điện thoại. Thế nhưng, do đường xa, người đưa thư phải đi bộ 4 chặng mới tới nơi, lúc nhận tin và về tới nhà thì con tôi đã khỏi bệnh, xuất viện được mấy ngày. Cũng có khi công việc bận rộn, cả tháng tôi mới về thăm nhà, con trai thấy ba nhưng toàn kêu bằng mẹ vì ở nhà việc gì chúng cũng gọi mẹ…

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 11.

Trong Lễ trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022 vừa qua, thầy Vỹ là nhân vật trong tác phẩm
Chuyện Vỹ "khùng"
do
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam thực hiện được nhận giải "Nhân vật ấn tượng". Ảnh: Ngọc Ánh

Tôi biết vợ và hai con thiệt thòi nhiều lắm. Những ngày hiếm hoi ở nhà, tôi phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn để bù đắp phần nào thiệt thòi ấy. Với tôi, gia đình là chỗ dựa tinh thần lớn nhất, là động lực giúp tôi hoàn thành tốt mọi công việc.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhìn lại hành trình mình đã đi, thầy có tiếc nuối điều gì không?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Có chứ! Tôi tiếc vì mình xuất phát khá muộn bởi sau gần 10 năm đi dạy, tôi mới thực sự bắt đầu công việc thiện nguyện này. Tôi cũng tiếc vì không hợp tác với các cộng sự sớm hơn và lan tỏa những điều tốt đẹp đến nhiều người hơn. Bây giờ thì tôi hiểu, muốn đi nhanh, tôi không thể đi một mình. 

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tính đến hiện tại, thầy đã xây được bao nhiêu điểm trường mới?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Đến nay, tôi và câu lạc bộ đã kết nối, kêu gọi kinh phí xây dựng hơn 40 điểm trường với 100 phòng học, 52 phòng công vụ cho giáo viên và nhà bếp, nhà vệ sinh với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 42 điểm trường, xây 4 khu nội trú cho hơn 1.000 học sinh trị giá 3,6 tỷ đồng. 

Ngoài ra, chúng tôi còn lắp đặt 23 hệ thống lọc nước RO cho các trường học tổng giá trị 1 tỷ đồng, tặng 60 tivi cho các trường, 13.000 quyển vở, 18.000 bút viết, 8.000 bộ đồng phục, mũ, dép… cho học sinh tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng. 

Lắp đặt 14 hệ thống bếp cơm cho các đơn vị trường học tổng giá trị 540 triệu đồng. Lắp đặt 21 khu vui chơi cho học sinh tổng giá trị 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện chương trình Bữa ăn có thịt, Bầu sữa yêu thương, Nuôi em tăng cường dinh dưỡng cho học sinh tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Người 22 năm gieo chữ và xây hơn 40 điểm trường vùng cao - Ảnh 12.

Tính đến hiện tại, thầy Vỹ và Câu lạc bộ Kết nổi yêu thương đã kết nối, kêu gọi kinh phí xây dựng
hơn 40 điểm trường. Ảnh: NVCC

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tháng 11 có một ngày rất đặc biệt, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy có thể chia sẻ kỷ niệm của mình về ngày lễ đáng nhớ này?

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ: Tôi còn nhớ vào năm 2008, lần đầu tiên trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong suốt 8 năm đi dạy, đây cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là ngày 20/11.

Hôm đó, tôi từ điểm trường đang dạy đi bộ 5 tiếng để về trường trung tâm. Gần đến trường thì có người phụ nữ tiến tới hỏi thầy nào là thầy Vỹ, họ kêu tôi đứng lại và nói "Trò Sỹ muốn đưa cái này cho thầy" rồi dúi vào tay tôi một cuốn sổ nhỏ. Cầm trên tay món quà của học trò tặng, tôi vừa đi vừa khóc, nước mắt cứ rơi mãi, phần vì hạnh phúc, phần nghĩ nghề giáo sao mà cực quá! 

Trước kia, không có sóng, không có internet, không có mạng xã hội, ngày 20/11 vẫn qua như những ngày bình thường khác. Nhưng từ khi trên núi "mò" được sóng điện thoại, lên mạng thấy thầy cô ở miền xuôi có hoa, quà, được tổ chức tiệc liên hoan… giáo viên vùng cao chúng tôi cũng có chút chạnh lòng.

Tuy vậy, trong hành trình cõng chữ lên non, chúng tôi cũng nhận được nhiều niềm vui mà chắc chắn ở thành phố không có. Là khi hết buổi, thầy về nhà trò hái rau, ra suối bắt cá. Hay mỗi khi nhà trò mổ lợn, buổi sáng đến trường ngoài mang cặp, sách, chúng sẽ mang cả thịt tới để tặng thầy. Những món quà bình dị không mang giá trị vật chất, nhưng lại mang ý nghĩa lớn về tinh thần nên tôi rất trân trọng.

Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện thú vị này!