Nhớ mãi những ngày tháng Tư lịch sử

Quốc Hồng
08:03 - 30/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bốn mươi chín năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt và thời khắc giành chiến thắng huy hoàng trưa 30/4/1975 năm ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí những cựu chiến binh ở vùng đất biên giới Lào Cai trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Nhớ mãi những ngày tháng Tư lịch sử- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Phạm Minh Cộng, ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cùng đồng đội kể về chiến thắng 30/4/1975 cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quốc Hồng

1. Tháng Tư, cơn mưa đêm gột rửa vòm trời xanh biếc, nắng sớm đầu hè trải vàng mật ong, thị trấn huyện lỵ Bảo Thắng rực rỡ cờ đỏ sao vàng tung bay hướng về kỷ niệm 49 năm ngày chiến thắng, thống nhất non sông 30/4 năm ấy. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà trong ký ức những người lính ra đi từ vùng đất ven sông màu mỡ phù sa, ngát xanh cây trái này vẫn khắc sâu, tươi mới như ngày nào hành quân không mỏi, chiến đấu kiên cường, hy sinh vô bờ bến để cùng dân tộc làm nên chiến thắng 30/4, thống nhất non sông về một mối.

Trong căn nhà xây khang trang, bề thế mặt tiền hướng ra đường lớn ở thôn Phú Xuân, ngay cạnh con suối Bo nước trong xanh mát, cựu chiến binh Phạm Minh Cộng bày cho tôi xem những kỷ vật gắn với người lính pháo binh quân giải phóng năm xưa ở chiến trường Quảng Trị, Huế. Mỗi kỷ vật đơn sơ như chiếc nẹp sắt rút quai dép cao su hay chiếc cà mèn nhôm tráng lớp sơn màu cỏ úa đều gợi dậy trong người lính già biết bao kỷ niệm chiến trường ác liệt năm nào, với những cái tên Ru Cuồi, Gio Linh, Cửa Việt… 

Tháng 12/1971, từ quê hương Phú Xuân, Gia Phú, ông Cộng lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chuyên sâu về bảo dưỡng, sửa chữa quân cụ, chàng tân binh trẻ được phiên chế vào đơn vị pháo binh, thuộc E16, Quân khu 4. 

Không chiến đấu giáp mặt với kẻ thù, nhưng chiến sĩ Phạm Minh Cộng đã trực tiếp đưa 4 khẩu pháo lớn D-54, chỉ xếp sau "vua chiến trường" là pháo 130 ly từ Hạ Hòa (Phú Thọ) vào điểm tập kết Ru Cuồi, để bàn giao cho các đơn vị chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt trong mùa hè đỏ lửa 1972. Đường sá bị bom cày xới tơi tả, máy bay địch gầm rít trên đầu suốt ngày đêm, cứ 1 xe kéo 1 pháo D-54, chiến sĩ Cộng cùng với người lính lái xe "đêm đi ngày nghỉ", liên tục hàng tháng trời ròng rã để đưa được 4 khẩu pháo lớn vào chiến trường an toàn, kịp thời gian cấp trên ấn định. Chính những khẩu trọng pháo ấy đã trút bão lửa lên đầu kẻ thù góp phần quan trọng giành chiến thắng Gio Linh, Thành Cổ, Cửa Việt năm 1972, tạo thế đứng để quân Giải phóng tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

"Gần nửa thế kỷ như 1 nửa đời người đã trôi qua, vậy mà nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy như vừa mới hôm qua, khắc sâu trong tâm trí chúng tôi tuổi trẻ thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời mình, được sống và chiến đấu cho Tổ quốc, vì nhân dân"- ông Cộng xúc động dâng trào.

Tháng Tư bầu trời như cao xanh hơn. Xuôi quốc lộ 4E, qua cây cầu bê tông sừng sững vắt ngang dòng sông Hồng mùa này êm ả đến vùng đất bãi An Thành, tôi tìm gặp cựu chiến binh Phạm Đăng Lịch năm nay tròn 70 tuổi, người lính quân giải phóng năm xưa thuộc C4, D3, E585, F386. Ngày ấy, ông cùng đồng đội hành quân thần tốc từ miền Bắc vào đến Mường Xén - Con Cuông - Nghệ An thì Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã toàn thắng. 

Nhớ lại, ông Lịch không quên khí thế hào hùng những đoàn xe Zin 3 cầu, Zil 157, Giải Phóng CA30 bật hết đèn pha chạy suốt ngày đêm chở quân ta vào chiến trường miền Nam. Không kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đơn vị quay trở ra Thanh Hóa làm nhiệm vụ huấn luyện và tham gia khôi phục sân bay Sao Vàng. 

"Dù không được trực tiếp tham gia Chiến dịch mùa Xuân 1975, nhưng với tôi đó là những năm tháng không thể nào quên, được góp sức cùng bao đồng đội đã nằm xuống hoặc hy sinh một phần thân thể cho độc lập tự do của Tổ quốc, thu giang sơn về một mối" - Người cựu binh già Phạm Đăng Lịch bộc bạch tấm lòng mình.

Ký ức về những ngày tháng gian khổ, chiến đấu ác liệt, hy sinh vô bờ bến để giành chiến thắng cuối cùng sau gần 30 năm trường kỳ kháng chiến của cả dân tộc hiện ra rờ rỡ trong câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hà, trong căn nhà mới xây còn chưa quét sơn nép dưới um tùm, xanh mát rừng quế thơm sắp đến kỳ thu hoạch ở thôn Tiến Lập, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng. 

Tháng 2/1969, anh lính trẻ Mạnh Hà cùng với 21 thanh niên Trì Quang nhập ngũ, đứng trong đội hình Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 2 vào Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, Hà cùng đồng đội hành quân bộ ròng rã 3-4 tháng trời, vượt Trường Sơn tập kết tại Q16 - Tây Ninh. Từ đây, những người lính trẻ quê Lào Cai được bổ sung cho chiến trường Bình Dương và Long An đang rất gay go, ác liệt sau chiến dịch Mậu Thân 1968, vì địch phản kích dữ dội. Do bị sốt rét nên Hà ở lại Q16, phiên vào đơn vị bộ đội địa phương trực tiếp chiến đấu tại địa bàn Tây Ninh. Mười năm chiến đấu trong phân đội hỏa lực cối 82 và B40, trung đội trưởng Nguyễn Mạnh Hà đã đánh hàng trăm trận, bị hơn 30 vết thương khắp cơ thể nhưng vẫn không rời cuộc chiến. 

Đến giờ, ông vẫn nhớ như in trận đánh lính dù ngụy ở vườn cao su có cái tên Vên Vên, cạnh quốc lộ 22 Sài Gòn - Tây Ninh. Trận ấy, với 6 quả đạn B40 trên lưng và 1 quả đã lắp vào đầu súng phóng, ông phụ trách tổ hỏa lực vừa bắn kiềm chế địch cho đại đội xông lên vừa trực tiếp bắn chính xác, tiêu diệt gọn bộ phận thông tin PCR-25 của địch, áp đảo hoàn toàn quân dù ngụy, giành chiến thắng giòn giã. 

Ông không thể nào quên, trận đánh vào chi khu Long Hoa - Tây Ninh trong đêm cuối cùng 30/4, ông cùng 1 chiến sĩ tên Hổ, người miền Nam và đồng đội vừa đặt khẩu 12,7 ly lên bờ đất, áp sát căn cứ Long Hoa thì bị địch phát hiện, chúng vãi đạn như mưa, người lính miền Nam tên Hổ hy sinh trên tay ông khi chưa kịp khai hỏa khẩu 12 ly 7. Trút căm thù lên đầu giặc, ông Hà bắn trọn 2 thùng đạn, tiếng nổ chát chúa như pháo khiến quân địch trong căn cứ tưởng là xe tăng quân giải phóng đang tiến vào nghiền nát, chúng vội tháo chạy tán loạn, bộ đội ta xông lên làm chủ hoàn toàn căn cứ Long Hoa vào sáng 30/4/1975.

"Đánh xong căn cứ Long Hoa chúng tôi được lệnh hành quân tập kết ra chợ dân sinh gần đó. Trời sáng rõ, đồng bào mang rất nhiều bánh trái, hoa quả, nước ngọt cho bộ đội quân giải phóng, ai cũng lộ rõ mừng vui, chào đón khiến tôi càng đau đớn, xót thương người chiến sĩ miền Nam tên Hổ và nhiều đồng đội khác đã hy sinh ngay trước giờ chiến thắng" - ông Hà lặng đi, ánh mắt xa xăm nhớ về những đồng đội đã nằm xuống năm nào. 

Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4, ngồi bệt trên nền bê tông chợ Long Hoa - Tây Ninh, ông Hà cùng đồng đội đón nhận tin xe tăng quân ta húc đổ cánh cổng sắt, tiến vào cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. 

"Thời khắc ấy đã đến, chúng tôi ôm nhau, mồ hôi, máu, nước mắt hoà vào nhau. Chiến thắng đã về tay, đất nước đã thống nhất như mong ước, với bao hy sinh xương máu của cả dân tộc"- ông Hà bộc bạch như nói với chính mình, đôi mắt ngấn lệ…

Nhớ mãi những ngày tháng Tư lịch sử- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Phạm Đăng Lịch, ở thị trấn Lu (Bảo Thắng - Lào Ca) cùng đồng đội trong trang trại vườn rừng của gia đình, mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ảnh: Quốc Hồng

2. Rời quân ngũ, những người lính trở về quê nhà, đối mặt với cuộc sống thường nhật cơm áo gạo tiền cho vợ con, gia đình. Cũng chẳng khác thời chiến tranh, bao nhiều khó khăn chồng chất, chỉ có "chất lính" khiến họ không cam chịu mà kiên trì vượt khó, tự khối óc và đôi tay tìm cách thắng đói nghèo, dựng xây quê hương. "Chẳng có chiến thắng nào dễ dàng cả, chiến đấu với đói nghèo cũng cần dũng cảm, kiên trì vượt khó, đầu óc tính toán làm ăn hiệu quả nhất"- cựu chiến binh Phạm Minh Cộng bày tỏ. 

Câu chuyện phát triển kinh tế tổng hợp của ông là một minh chứng sống động. Vùng đất bãi An Thành, thị trấn Lu nơi ông lập nghiệp vốn màu mỡ nhưng vẫn nghèo lắm vì chỉ cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi lợn gà nhỏ lẻ, đủ ăn đã là thỏa nguyện rồi. Vùng đất này nằm ngay bờ sông Hồng, thường hay xảy ra lốc xoáy mưa lớn, chỉ một trận lốc quét qua là trắng tay. Ông Lịch nghĩ cách trồng mía kéo mật, làm đường phên bán ra thị trường từ những năm 80-85 của thế kỷ trước thu khá tiền, tạo vốn làm ăn. 

Rồi ông lặn lội khắp vùng, xuống cả vùng Trái Hút, Văn Yên tỉnh Yên Bái mua gom trâu bò gầy yếu về làm chuồng trại chăm sóc, lên rừng lấy cỏ vỗ béo bán cho người cần làm sức kéo và lấy thực phẩm. Không việc gì là không làm, lăn lưng ra vật lộn với đất đai để thắng đói nghèo. Cơ chế thị trường mở ra, ông nghĩ cách làm trang trại kinh tế tổng hợp, da dạng hóa sản phẩm nông sản theo kiểu bỏ trứng vào nhiều giỏ để tăng nguồn thu, hạn chế rủi ro mất mùa. 

Trang trại của ông có hơn 50 cây mít cho quả chất lượng cao, phía dưới tán cây nuôi gà thả đồi; vùng đất bãi màu thấp ven suối trồng ngô đậu, bí đỏ; ao sau nhà nuôi cá. Năm xưa đánh giặc, rừng che chở ông và đồng đội bom đạn Mỹ, nay ông trồng hơn 10ha quế và mỡ phủ xanh đồi trọc, đem lại nguồn nước cho sản xuất, khai thác vỏ quế và gỗ bán lấy tiền nuôi con cái ăn học, trưởng thành. 

Có lẽ, cái chất lính chiến năm nào đã ngấm vào ông, nói ít làm nhiều, không quản khó khăn làm đến tận cùng để giành chiến thắng. Hôm tôi đến, ông dẫn đi thăm 25ha cây gáo loại cây gỗ mới ở Lào Cai, có đặc tính thân thẳng, lớn rất nhanh cho sinh khối lớn, gỗ mịn trắng. Đi dưới tán rừng gáo 6 năm tuổi ở bãi giữa sông Hồng, hít căng lồng ngực không khí trong lành thật nhẹ nhõm bình an. Ông bảo đó là nguồn "vàng xanh" để dành cho con cháu và vùng đất bãi An Thành quê hương yêu quí.

Với cựu chiến binh Phạm Minh Cộng thì khác. Rời quân ngũ trở về làm công nhân Nông trường Phú Xuân chuyên trồng chuối, dứa và cam. Ông tận tâm lao động hết mình góp phần xây dựng nông trường phát triển, đời sống công nhân ngày càng khá lên. Về hưu nhưng "chất lính" trong người không để ông nghỉ ngơi mà nghĩ cách làm giàu. Quê Hải Phòng, lại có kiến thức về cơ khí, sửa chữa quân cụ thời bộ đội, ông Cộng về Hải Phòng, Hà Nội tìm mua tôn cũ về gò thành dụng cụ dân sinh, tiến đến mua máy móc nông cụ, vật dụng cơ khí cung cấp cho người tiêu dùng địa phương và khu vực Gia Phú, Xuân Giao, Sơn Hải… 

Cứ từng bước chậm mà chắc, từ nhỏ đến lớn, ông đa dạng mặt hàng kinh doanh cùng với mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay đã gây dựng được cửa hàng bán buôn và bán lẻ đồ cơ khí, thiết bị điện, máy nông cụ rất có uy tín ở ngay quê hương Phú Xuân. "Các cụ dạy, trăm người bán vạn người mua, mình đã từng là người lính thì kinh doanh phải lấy cái tâm, sự trung thực nằm ở chất lượng và giá cả mỗi sản phẩm bán ra, thêm nữa là tư vấn cho người mua tận tình, cặn kẽ về sử dụng và bảo quản để giữ lâu dùng bền, đó mới thực sự là kinh doanh bền vững" - ông Cộng chia sẻ. 

Tôi hiểu, chính vì lẽ đó mà cửa hàng của người cựu chiến binh già Phạm Minh Cộng dù không ở "đất vàng" trung tâm thị tứ Gia Phú nhưng luôn là địa chỉ tin cậy của khách hàng, luôn đông khách, đem lại cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng/năm, cuộc sống đủ đầy, bình an. 

Hàng năm, với vai trò Trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ, vào dịp 30/4 ông cùng đồng đội tụ họp ôn lại những năm tháng hào hùng vượt Trường Sơn cứu nước, quyên góp ủng hộ những đồng đội còn khó khăn, gia đình liệt sĩ ở địa phương. Ông bảo rằng mình còn sống trở về, có cuộc sống như ngày hôm nay là biết ơn và còn nợ những đồng đội đã hy sinh cho Ngày chiến thắng 30/4 nhiều lắm…

Còn cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hà thì tri ân đồng đội bằng cách lăn vào gánh vác công việc của làng của xã. Từ chiến trường trở về, ông tham gia làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Trì Quang, Xã đội phó, Phó Chủ tịch Hội CCB xã đủ cả. Năm 2012 nghỉ hưu thì đảm nhiệm Bí thư chi bộ thôn Tiến Lập đến nay. "Còn sức khỏe, mình tham gia gánh vác công việc chung cũng là đáp lại sự tin cậy của lãnh đạo và quí mến của bà con để cùng chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn giàu đẹp, mọi người có cuộc sống no đủ, hạnh phúc"- ông Hà chia sẻ. Và người chiến sĩ quả cảm năm xưa lại thêm một lần khẳng định phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ. 

Với vai trò là Bí thư chi bộ, ông Hà không quản ngại sớm hôm, mưa nắng vận động, thuyết phục 113 hộ gia đình, với gần 400 nhân khẩu trong thôn hiến đất, góp công, góp tiền mở rộng, mở mới, đổ bê tông đường trục thôn, đường đến từng nhà. Đến nay, hệ thống đường giao thông nội thôn, liên gia ở Tiến Lập đều được đổ bê tông kiên cố, khô sạch bốn mùa, đi lại dễ dàng giao thương thuận tiện. Cả thôn hiện nay chỉ còn 4 hộ nghèo, còn là 40 hộ giàu và 25 hộ khá. 

Về Tiến Lập, đi đến từng nhà không còn cảnh "chân lấm tay bùn" như xưa, mọi người đều nhắc đến ông Hà "sẹo" hết lòng vì việc chung, vì cộng đồng. Ông bảo, đó là cách mình tri ân 21 đồng đội từ Trì Quang ra đi đã nằm lại chiến trường để giành độc lập, thống nhất đất nước, cho mình có cuộc sống hôm nay…

Nhớ mãi những ngày tháng Tư lịch sử- Ảnh 4.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hà, ở xã Trì Quang (Lào Cai) vận động người dân đóng góp công sức và hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Ảnh: Quốc Hồng