Mong Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Bùi Văn Tùng

Lê Tiên Long
10:00 - 03/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhân việc Chủ tịch Nước vừa có chỉ đạo "khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng", chúng tôi đã tìm gặp một nhân chứng lịch sử.

Mong Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Bùi Văn Tùng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phúc (phải) kể lại các sự kiện lịch sử trong Dinh Độc Lập cho Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (trái), nguyên chiến sĩ lái xe tăng số hiệu 380 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, người cũng tiến vào Dinh Độc Lập sớm nhất trong buổi trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tiên Long

Ông là người cùng Đại tá Bùi Văn Tùng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975 năm xưa.

Trong một ngày hè nóng bỏng, chúng tôi về xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc, người năm 1975 là liên lạc của Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203. 

Ông Phúc đã kể cho chúng tôi nhiều chuyện thú vị mà ông là nhân chứng sống.

Người liên lạc cận kề Chính ủy

Năm nay đã 69 tuổi, tóc bạc trắng nhưng cơ thể tráng kiện, ông Phúc vẫn có trí nhớ rất tốt. Ông có thể kể lại say sưa, chi tiết từng sự kiện, hình ảnh diễn ra trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm 1975 mà ông cùng các đồng đội được vinh dự tham gia. 

Ông Phúc gia nhập quân đội năm 1971 và hầu hết các đồng đội từ huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa nhập ngũ đợt đó vào Binh chủng Tăng – Thiết giáp, đều được phân công làm liên lạc cho các chỉ huy. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông  là trung sĩ, được phân công làm liên lạc cho Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng. 

"Làm liên lạc thì luôn ở sát bên cạnh thủ trưởng. Thủ trưởng ra mệnh lệnh gì, đều phải ghi nhớ trong đầu để truyền đạt bằng miệng cho các cán bộ, đơn vị cấp dưới. Tuyệt đối không ghi chép", ông kể.

Trước trận đánh cuối cùng vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, Quân đoàn 2 tổ chức binh đoàn thọc sâu với lữ đoàn xe tăng 203 làm chủ lực, được phối thuộc trung đoàn bộ binh 66 thuộc Sư đoàn 304, các đơn vị pháo binh, cao xạ, đặc công… 

Ban chỉ huy Lữ đoàn 203 cũng được phân chia cơ động trên 5 chiếc xe thiết giáp K63, trong đó Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài đi trên xe chỉ huy số 1. Ông Phúc đi cùng xe chỉ huy số 2, trên xe có Chính ủy Bùi Văn Tùng, Trợ lý Tham mưu Lữ đoàn Trịnh Duy Quý, Trưởng ban cơ yếu tên là Thịnh, cùng Chủ nhiệm công binh Quân đoàn 2 và 3 cán bộ của Bộ tư lệnh quân đoàn. Lái xe là Trần Đức Khang. Ông Phúc đảm nhiệm luôn vị trí xạ thủ súng máy 12,7 ly trên xe.

Ngày 29/4, khi cơ động đến Nước Trong, xe bị địch đánh bom tương đối gần, 3 cán bộ quân đoàn chuyển sang xe khác, đồng chí Chủ nhiệm công binh quân đoàn chuyển sang xe của Lữ đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn Trần Minh Công. Đến sáng 30/4, xe của Lữ đoàn phó bị trúng đạn địch, đồng chí Chủ nhiệm Công binh và một số cán bộ hy sinh. Ông Phúc trực tiếp tham gia mai táng các liệt sĩ ở Thủ Đức.

Theo lời kể của ông, trong trận chiến sáng 30/4, xe của ông từ phía sau đuổi kịp thê đội 1 do Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài đang chỉ huy đánh địch tại Trường Võ bị Thủ Đức. Khi ông sang báo cáo Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng trực tiếp chỉ đạo ông: "Nói với Chính ủy Tùng tình hình tạm ổn rồi, tranh thủ động viên bộ đội tiến lên. Mục tiêu chủ yếu của chúng ta là Dinh Độc Lập. Nếu tiếp cận được Dương Văn Minh thì báo cáo cho tôi ngay. Trong khi tiến công bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ khác để hướng đến Dinh Độc Lập!".

"Tôi vội lên xe truyền đạt lại chỉ thị của Lữ trưởng. Chính ủy gật đầu rồi lệnh cho lái xe Khang tiến lên", ông Phúc kể tiếp. Ngồi trên xe, ông Phúc đội mũ công tác nên nghe được toàn bộ tín hiệu của các xe trong đơn vị. Ông được biết phía trước, cuộc chiến đấu ở cầu Sài Gòn diễn ra quyết liệt và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh. 

Tuy nhiên, khi xe của ông đến gần cầu Sài Gòn thì cuộc chiến đấu đó đã chấm dứt, xe tăng ta đang vượt cầu vào nội đô. Tất cả các xe đều được truyền đạt chỉ thị: "Vượt cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái để vào Dinh Độc Lập".

Những phút giây đầu tiên tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh

Khi xe của ông đến trước cổng dinh, nhìn vào trong sân dinh, ông đã thấy có mấy chiếc xe tăng của lữ đoàn và một vài chiến sĩ đang phất cờ Mặt trận trên tầng 2 của dinh. Ông liền bảo lái xe Khang cho xe dừng lại ngoài cổng dinh, rồi cùng Chính ủy xuống xe vào dinh. 

"Tôi và trợ lý tham mưu Trịnh Duy Quý khoác súng AK chạy trước, Chính ủy chạy phía sau rồi vượt qua chúng tôi. Tuy nhiên, đến cầu thang lên tầng 2 thì Chính ủy gặp một người quen, có lẽ là đồng hương cùng tập kết ra Bắc thì phải. Hai người ôm chầm lấy nhau vô cùng thân thiết và trò chuyện một lúc. Do đó tôi chạy vượt lên tầng 2 trước Chính ủy".

Trong căn phòng rộng, ông Phúc chứng kiến các đồng đội đã bắt giữ khoảng 20 người trong nội các chính quyền Sài Gòn. Một lát sau, Chính ủy Bùi Văn Tùng lên lầu, vào phòng hỏi: "Ai là Dương Văn Minh?". Khi ông Dương Văn Minh đứng dậy, xin được bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã thẳng thừng bác bỏ: "Thật là trớ trêu, một người đi bàn giao mà lại không có gì trong tay thì bàn giao cái gì? Các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 

Chính ủy Tùng yêu cầu tuyên bố đầu hàng trên sóng Đài phát thanh, nhưng do đường dây từ Dinh Độc Lập ra Đài phát thanh không hoạt động, nên Chính ủy yêu cầu ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Theo lời ông Phúc, lúc đó, ông nhớ lời dặn của Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài về việc phải báo cáo khi tiếp cận Dương Văn Minh nên chạy xuống sân dinh để tìm ông Tài. Do quân ta đã có rất nhiều xe và quân đã vào dinh nên mất vài phút ông mới tìm thấy Lữ đoàn trưởng. Vừa báo cáo xong thì thấy một số người đã đưa ông Dương Văn Minh xuống lầu lên xe Jeep nên vội thông báo với Lữ đoàn trưởng: "Họ đưa ông Minh sang Đài phát thanh và Chính ủy Tùng cũng đi theo rồi". 

Lữ đoàn trưởng Tài lo lắng, sợ ông Minh tẩu thoát nên yêu cầu ông Phúc tìm gấp một vài trợ lý của Lữ đoàn để cùng xử lý.

Ông Phúc chỉ tìm được trợ lý tác chiến Trịnh Duy Quý, hai người được Lữ đoàn trưởng giao nhiệm vụ tìm Đài phát thanh xem Dương Văn Minh và Chính ủy Tùng có ở đó không.

"Tôi chạy ra cổng dinh, thấy nhân dân đã đổ đến rất đông. Thấy hai thanh niên đỗ xe máy trước cổng, chúng tôi nhờ họ đưa đến đài gần nhất". Nhưng do không am hiểu về hệ thống đài của Sài Gòn, nên hai ông được đưa đến Đài truyền hình. Ở đó thấy có các sinh viên đã tiếp quản, ông liền nhờ họ dẫn sang Đài phát thanh. Do không tìm được ông Quý nên lúc này ông Phúc sang đài chỉ một mình.

Ôm súng AK chạy lên tầng 2, người liên lạc thấy ông Dương Văn Minh cùng vài người đang ngồi trên ghế, Chính ủy Tùng ngồi cách ông Minh hai người. Chính ủy ngả người ra thành ghế, mắt lim dim có vẻ mệt mỏi. Một lúc sau, ông thấy một người đeo xà-cột chéo tiến tới trước mặt ông Minh (sau này ông Phúc mới biết đó là Đại úy Phạm Xuân Thệ), đưa cho ông Minh một tờ giấy, tuy nhiên ông Minh nói không đọc được chữ viết trong đó. 

Chính ủy Tùng xem tờ giấy và không đồng ý với các nội dung được viết. Sau một hồi tranh luận, Chính ủy Tùng nói với ông Minh: "Bây giờ ông sẽ nói theo ý của tôi". Ông Minh nói: "Thượng cấp muốn tôi nói thế nào thì thượng cấp viết ra giấy".

Mong Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Bùi Văn Tùng- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc (trái), nguyên là liên lạc của Chính ủy Bùi Văn Tùng, nhân chứng của sự kiện ngày 30/4/1975 lịch sử. Ảnh: Lan Nhi

Câu chuyện viết tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh

"Chính ủy Tùng lấy một tờ giấy pơ-luya xanh từ tập giấy có sẵn trên bàn và bắt đầu viết, vừa viết vừa suy nghĩ có vẻ rất thận trọng", ông Phúc kể lại rành rẽ. Ông nhắc rõ chi tiết ông Minh khi đọc tờ giấy đã ghi thêm hai chữ "Đại tướng" vào sau chữ "Tôi" và gạch hai chữ "Tổng thống" trong tờ giấy rồi đưa lại cho chính ủy Tùng. 

"Ông Minh móc cây bút từ trong túi áo kiểu kí giả phía phải ra, gạch và bổ sung mấy chữ này", ông Phúc mô tả lại từng động tác. Tuy nhiên, Chính ủy Tùng kiên quyết nói: "Nếu ông không là Tổng thống thì làm sao có thể giải tán chính quyền? Vả lại, tôi biết ông đã làm Tổng thống 3 ngày rồi". Sau vài câu trao đổi nữa, ông Minh chấp nhận nội dung Chính ủy viết và tiến hành đọc vào máy ghi âm của một nhà báo phương Tây (sau này mọi người mới biết đó là nhà báo người CHLB Đức Boerries Gallasch - phóng viên tờ báo Der Spiegel - Tấm Gương).

Sau khi đưa máy ghi âm vào phòng phát thanh phát lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh, Chính ủy Tùng trực tiếp đọc lời tiếp nhận đầu hàng. 

Khi chúng tôi hỏi về chi tiết nhân chứng Hà Huy Đỉnh kể lại có nhìn thấy Chính ủy Tùng có vò nát một tờ giấy ném vào sọt rác, liệu đó có phải là tờ ghi lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh không, ông Phúc khẳng định: "Đó là tờ giấy tôi đưa cho chính ủy, ghi lời Lữ trưởng Tài dặn phải hỏi mật danh xem những người dẫn giải ông Dương Văn Minh sang Đài phát thanh là đơn vị nào, và nhà báo phương Tây kia có phải người Mỹ không. Vì lúc đó có rất đông người nên tôi đã viết ra giấy để Chính ủy Tùng xem. Chính ủy cầm giấy xem xong, vo viên ném vào góc phòng, khi thấy có một người nhặt lên thì Chính ủy đòi lại rồi xé nát".

Ông Phúc mô tả tỉ mỉ tờ giấy Chính ủy Tùng vứt đi là giấy pơ-luya màu trắng, ông lấy cùng cây bút bi bấm 3 màu bên Đài Truyền hình để viết lời nhắn khi sang đến cầu thang bộ Đài phát thanh. "Còn tờ tuyên bố đầu hàng chính ủy viết trên giấy pơ-luya màu xanh. Chính ủy Tùng viết xong thì đút vào túi quần và đã nộp lại cho Cục Chính trị Quân đoàn 2 sau đó", ông Phúc khẳng định.

Sau khi đọc xong lời tuyên bố thay mặt quân giải phóng tiếp nhận đầu hàng, Chính ủy Tùng  ra khỏi phòng thu thì bộ đội ta đã đưa ông Dương Văn Minh trở về Dinh Độc Lập, trong khi đó chiếc xe Jeep còn lại mà ông đi sang Đài Phát thanh lúc trước lại không nổ máy được. Thấy cũng gần, nên hai thầy trò đi bộ về dinh. 

"Chiều hôm đó đơn vị được phân công bảo vệ dinh, tôi tranh thủ vào nhà dân gần đó tắm nhờ, thay bộ quần áo dính máu các liệt sĩ tôi mai táng trước đó, Chính ủy Tùng biết được, xạc tôi một trận. Tối 30/4, chúng tôi được lệnh bàn giao Dinh Độc Lập cho đơn vị khác để cơ động về Tổng kho Long Bình đóng quân", ông Phúc nhớ lại.

Từ tháng 7/1976, ông Phúc xuất ngũ về sinh sống tại quê nhà. Do bận bịu việc làm ăn nên ông cũng ít giao lưu gặp gỡ các đồng đội cũ. Mãi đến hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, khi các con ông đã trưởng thành vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, ông mới vào gặp Chính ủy Tùng nhiều lần. 

Ông vẫn mong muốn các cơ quan chức năng tìm và công bố được bản thảo viết lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc trong ngày lịch sử này, để trả lại chính xác những sự kiện lịch sử trong buổi sáng ngày 30/4/1975 trọng đại của đất nước. 

"Mong muốn của tất cả cựu chiến binh Lữ đoàn 203 chúng tôi là Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùngLlực lượng Vũ trang Nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng"- ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Bình luận của bạn

Bình luận