Nhật Bản: Sa thải hiệu trưởng vì rót nhiều cà phê ở quầy tự động hơn mức đã mua

Lam Linh
20:05 - 03/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Một hiệu trưởng của trung học cơ sở ở Nhật Bản đã bị sa thải và không được trợ cấp hưu trí sau khi bị phát hiện có hành vi rót cà phê nhiều hơn số tiền ông đã trả tại một cửa hàng tiện lợi.

Nhật Bản: Sa thải hiệu trưởng vì rót nhiều cà phê ở quầy tự động hơn mức đã mua- Ảnh 1.

Tại các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, khách hàng mua đồ uống bằng cách mang cốc được cung cấp đến quầy để thanh toán, rồi đến máy pha cà phê rót theo kích cỡ đã mua. Ảnh: BI

Sa thải hiệu trưởng vì 7 lần rót nhiều cà phê hơn mức đã mua

Truyền thông địa phương đưa tin, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở thành phố Takasago, Nhật Bản đã bị sa thải mà không được nhận lương hưu vào ngày 30/1 sau khi bị phát hiện rót cà phê nhiều hơn số tiền ông trả tại một cửa hàng tiện lợi.

Cụ thể, Đài truyền hình địa phương Yomiuri TV đưa tin, hiệu trưởng 59 tuổi, không được nêu tên, thú nhận ông đã tự rót cho mình một cốc cà phê lớn tại cửa hàng tiện lợi trong giờ nghỉ trưa, mặc dù ông đã trả tiền cho loại cà phê cỡ thường.

Theo Ủy ban Giáo dục tỉnh Hyogo, vị cựu hiệu trưởng khai kể từ hồi tháng 6/2023, ông nhận ra nhân viên cửa hàng đã không chú ý khi ông tự rót cà phê cỡ lớn giá 1,25 USD tại máy tự phục vụ, trong khi ông chỉ trả 0,75 USD.

Cựu hiệu trưởng cho biết ông đã tự rót thêm cà phê tới 7 lần trong năm cho đến khi bị nhân viên cửa hàng bắt quả tang vào tháng 12 năm ngoái và báo cảnh sát thành phố Takasago.

"Lúc đầu tôi chỉ vô tình rót quá nhiều, nhưng vì cà phê không tràn ra ngoài và nhân viên cũng không phát hiện nên tôi cứ thế lặp lại", người này nói.

Sau sự việc này, cựu hiệu trưởng đã xin lỗi học sinh và gia đình các em trong một tuyên bố thông qua hội đồng quản trị, nói rằng vai trò của ông là phải làm gương và khuyến khích việc giữ đúng kỷ luật.

"Là người lãnh đạo đội ngũ giáo viên, tôi phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định và nỗ lực ngăn chặn sự cố trước khi nó xảy ra", người này cho biết.

Cảnh sát thành phố Takasago sau đó đã tiến hành cuộc điều tra với vị hiệu trưởng và hồ sơ vụ việc được chuyển đến văn phòng công tố với cáo buộc trộm cắp.

Chênh lệch giá giữa cốc thường và cốc lớn là 0,45 USD mỗi cốc, và vì hành vi gian lận này lặp lại bảy lần nên số tiền thiệt hại ước tính là 3,29 USD nếu tính toán đơn giản. Tuy nhiên, Văn phòng công tố Kobe đã quyết định không buộc tội vị hiệu trưởng.

Trong môi trường giáo dục vốn nổi tiếng khắt khe của Nhật Bản, giáo viên thường được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho học sinh Do đó, theo Ủy ban Giáo dục tỉnh Hyogo, việc sa thải hiệu trưởng là hoàn toàn hợp lý. Ảnh minh hoạ từ SCMP

Trong môi trường giáo dục vốn nổi tiếng khắt khe của Nhật Bản, giáo viên thường được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho học sinh Do đó, theo Ủy ban Giáo dục tỉnh Hyogo, việc sa thải hiệu trưởng là hoàn toàn hợp lý. Ảnh minh họa từ SCMP

Vụ việc trên sau đó nhanh chóng tạo ra những tranh luận tại Nhật Bản về sự trung thực, liêm chính và hành vi nêu gương. Nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt quá nặng và không đáng. Hơn nữa, theo hội đồng giáo dục tỉnh, hiệu trưởng sẽ không được trả trợ cấp hưu trí.

Đáp lại những bình luận này, Hội đồng Giáo dục tỉnh Hyogo giải thích: "Biện pháp kỷ luật được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, dựa trên các trường hợp trước đây của các giáo viên và nhân viên bị sa thải vì bị kỷ luật do liên tục trộm cắp.

Hơn nữa, hiệu trưởng không hề vô tình phạm sai sót mà ông nhận thức được hành vi trộm cắp của mình và nhiều lần thực hiện. Đây được cho là lý do dẫn tới hình phạt nặng nhất".

Bài học đạo đức thông qua vụ việc hiệu trưởng bị sa thải

Văn hóa Nhật Bản vốn coi trọng sự chính trực và ứng xử có đạo đức. Ngay từ tấm bé, người Nhật đã được thấm nhuần những giá trị này thông qua giáo dục của gia đình và giáo dục chính quy.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản nổi tiếng khắt khe, không chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức học thuật mà còn góp phần phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Giáo dục đạo đức là một phần của chương trình giảng dạy, nhấn mạnh các đức tính như trung thực, tôn trọng và trách nhiệm.

Do đó, hành động của vị cựu hiệu trưởng được coi là đã đi ngược lại những nguyên tắc nền tảng của giáo dục Nhật Bản: đó là sự liêm chính và ứng xử có đạo đức.

Trong môi trường làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt giáo dục, các thầy cô thường được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là tấm gương sáng cho học sinh và người đứng đầu lại càng phải tuân thủ khắt khe hơn các tiêu chuẩn cao đạo đức.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện khách hàng tại các cửa hàng tiện lợi đang cố gắng gian lận để có thêm cà phê. Vào tháng 1/2021, cảnh sát thành phố Kumamoto đã bắt giữ một người đàn ông 60 tuổi bị cáo buộc liên tục rót cà phê latte cỡ lớn có giá 1,35 USD trong khi chỉ mua loại nhỏ hơn với giá 0,70 USD, Japan Times đưa tin.

Nguồn: Business Insider, Japan Times