Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 87

Dũng Minh
18:21 - 25/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mất ngày 24/7. Lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ được tổ chức lúc 14 giờ ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Trước đó, vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời ngày 6/7, bà hưởng thọ 75 tuổi.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 87 - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời vào ngày 24/7.

Sông Hương - nguồn cảm hứng văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên tại Huế, nơi có dòng sông Hương thơ mộng. Sông Hương đã nuôi dưỡng tình yêu với văn chương trong con người ông, giúp ông viết ra những tác phẩm đậm chất quê hương.

"Ngoài những giờ lên lớp, mỗi ngày tôi đều tắm sông cùng với nhóm bạn học, ngày nào không ra sông lại thấy hụt hẫng như thiếu một điều gì đó", nhà văn kể lại. Ông còn nhớ những đêm nghe ca Huế dưới ánh trăng, không sân khấu đèn màu, không micro, chỉ có người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc.

"Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương", nhà văn tâm sự.

"Ai đã đặt tên cho dòng sông", "Sử thi buồn"… và rất nhiều sáng tác khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều có dấu ấn của dòng sông Hương thơ mộng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường - tác giả của các tập bút ký nổi tiếng và nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật

Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, năm 1960 ông tốt nghiệp khóa 1 Ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1960 đến năm 1966, ông dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế.

Đến năm 1978 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như: Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007).

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Ai đã đặt tên cho dòng sông", viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.

Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đoạt nhiều giải thưởng, gồm: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam các năm 1999, 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003); Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.