Nhà trường thuê nhà khoa học chấm dự án khoa học kĩ thuật cho học sinh có đúng?
Một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thuê nhà khoa học chấm dự án khoa học kĩ thuật cho học sinh là có dấu hiệu làm trái Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 25/11/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố danh sách 71 dự án vào vòng tuyển chọn dự án tham dự cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2024–2025.
Sau khi danh sách này được công bố, một số giáo viên phản ánh rằng, các trường trung học phổ thông năm nào cũng có dự án được vào vòng loại dự thi cấp quốc gia.
Đáng nói, những dự án này, nếu học sinh thực sự tự nghiên cứu là điều rất đáng khen ngợi.
Nhưng, giáo viên cho biết một số dự án có sự can thiệp của nhà khoa học khiến cuộc thi này không còn là sân chơi của học sinh nữa.
Giáo viên phản ánh nói rằng, một số trường mời nhà khoa học là giảng viên đại học về làm giám khảo chấm thi vòng loại cấp trường. Vì vậy, giám khảo đã góp ý và cho học sinh chỉnh sửa và làm lại nội dung theo ý của họ. Như vậy, nội dung dự án là của nhà khoa học chứ không phải do học sinh thực hiện. Các em chỉ việc học thuộc nội dung để đi thi phỏng vấn mà thôi.
Liên quan đến việc một số dự án dự thi khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu thiếu minh bạch, giáo viên Nguyễn Minh Anh (đã thay đổi tên) bậc trung học phổ thông ở địa phương này nói "chuyện này là hoàn toàn có cơ sở".
Giáo viên Nguyễn Minh Anh chia sẻ, một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chi tiền thuê giảng viên có học hàm, học vị ở các trường đại học về chấm dự án khoa học kĩ thuật cho học sinh là có dấu hiệu làm trái Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bởi vì, điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư này quy định: "Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông".
"Học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật, đáng lẽ giáo viên phụ trách mảng này ở nhà trường phải chấm. Điều này liên quan đến chất lượng dạy và học nữa. Giáo viên lẽ nào không có khả năng chấm; không lẽ trình độ của thầy thua cả trò, đến mức nhà trường phải mời nhà khoa học về chấm", giáo viên Nguyễn Minh Anh nói thẳng.
Nói thêm về cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên Nguyễn Minh Anh dẫn những trải lòng của một giảng viên đại học được thuê chấm thi cho một trường trung học phổ thông ở Quận 5 sau đây.
"Tôi mới đọc được một bài về nghiên cứu khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông. Với tư cách một người được mời ngồi hội đồng thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh, mình sẽ kể câu chuyện của tôi, từ đó có thể rộng đường hơn cho dư luận.
Năm trước, tôi bắt đầu nhận lời làm giám khảo cả vòng loại và vòng chung kết nghiên cứu khoa học học sinh ở Trường Trung học phổ thông..., Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy hiệu trưởng nói: "Tụi em không có chuyên môn sâu về đề tài của các học sinh nên phải nhờ các thầy cô là giảng viên đại học, có chuyên môn và trình độ nghiên cứu khoa học tốt hỗ trợ".
Trước khi làm việc, tôi đã nói với thầy hiệu trưởng: "Em không bao giờ chấp nhận học sinh gian dối trong cả học tập và nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, nếu mới là học sinh đã gian dối thì sau này các bạn không thể trở thành người chính trực được". Thầy hiệu trưởng lập tức đồng ý: "Em cũng đồng ý với cô. Nếu cô thấy nghiên cứu nào gian dối, em sẽ quyết loại bỏ không cho vào vòng trong".
Năm trước, tôi không thấy có đề tài nào đáng ngờ. Tuy nhiên, phải thừa nhận là: học sinh trung học phổ thông có những cái nhìn về xã hội khá sắc sảo, đến mức tôi ghen tị rằng, sinh viên của mình không có được cái "tầm" ấy. Tất nhiên, đề tài của học sinh vẫn cần được ban giám khảo góp ý để có thể hoàn thiện.
Năm nay, Trường Trung học phổ thông nói trên lại tiếp tục "đặt hàng" tôi làm giám khảo cuộc thi cấp trường của họ. Nhận định chung thì các bài thi của học sinh Trường Trung học phổ thông... vẫn có nhiều bài có cái nhìn sâu sắc, mạnh dạn.
Trong vòng sơ khảo, tôi thấy có 2 bài thi cực kỳ xuất sắc. Nếu chấm theo thang điểm của trường cung cấp thì 2 bài đạt điểm cao nhất. Tuy nhiên, đọc kỹ, tôi thấy 2 bài này rất có vấn đề. Ví dụ, cách hành văn - đó là cách hành văn của một người làm khoa học chuyên nghiệp: các thuật ngữ thống kê không giống cách hành văn của những người mới tập làm nghiên cứu khoa học.
Về phương pháp nghiên cứu, các thang đo (scale) tâm lý, vốn cũng là thứ rất khó với một bạn làm nghiên cứu thạc sĩ, nhưng cũng được bạn ấy trình bày với một văn phong rất chuyên nghiệp. Tóm lại, tôi thấy đó không phải là một bài báo cáo của một học sinh trung học phổ thông.
Tôi nói trường yêu cầu các bạn cho trình cho trường xem bảng số liệu mà bạn ấy dùng để xử lý số liệu, các scale mà bạn ấy dùng để khảo sát và một số yêu cầu khác để chắc chắn bạn ấy thực hiện đề tài ấy... Thật ra, với những đề xuất của tôi thì một bạn "thuê" một người khác làm hộ, vẫn có thể trình cho trường được. Nhưng trường đã quyết định loại 2 bài đó. Bằng chứng là khi tôi ngồi hội đồng giám khảo vòng chung kết, tôi không còn thấy 2 bài đó nữa.
Từ những điều mắt thấy tai nghe của người trong cuộc, tôi có nhận định như thế này:
- Thứ nhất, học sinh trung học phổ thông nghiên cứu khoa học vẫn cần duy trì.
- Thứ hai, những "hạt sạn" trong các cuộc thi có thể là do trường trung học phổ thông đã không có cơ hội mời được một ban giám khảo đủ tầm.
Tôi xin đưa ra ý kiến là đừng bàn "nghiên cứu khoa học của học sinh" có nên bỏ hay không, mà hãy bàn cách thức tổ chức "nghiên cứu khoa học của học sinh" như thế nào cho hữu ích, cho hợp lý, không làm hỏng tính khoa học của khoa học và không làm hỏng tính trung thực, liêm chính của người học, của con người".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google