Hiểu đúng về liêm chính học thuật trong việc mua bán công trình khoa học

Phan Anh
15:12 - 13/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo sư, Tiến sĩ Lương Văn Hy (Đại học Toronto, Canada) bàn về liêm chính học thuật trong việc một số trường đại học mua bán bài báo khoa học như hiện nay.

Hiểu đúng về liêm chính học thuật trong việc mua bán công trình khoa học- Ảnh 1.

Giá trị thực của các thành tựu nghiên cứu khoa học phụ thuộc nhiều vào tính liêm chính học thuật. Ảnh: unsplash

Giáo sư, Tiến sĩ Lương Văn Hy đã có những chia sẻ ngắn với truyền thông về vấn đề liêm chính học thuật ở cả cấp độ cơ sở học thuật và cá nhân. Ông tập trung vào hiện tượng mua tràn lan bài nghiên cứu ở các tạp chí quốc tế ISI(WoS)/Scopus của vài đại học từ nguồn trong nước cũng như quốc tế để tăng hạng trong các bảng sắp hạng đại học quốc tế.

Phản ứng của công chúng cho là việc mua bán bài nghiên cứu khoa học này không có gì sai trái. Kết quả nghiên cứu khoa học là của nhà nghiên cứu (giảng viên), và họ có quyền làm thêm, đề tên đại học nào đồng ý mua bài của họ, để cải thiện thu nhập vốn khiêm tốn từ các đại học công lập.

Ngay cả trong cộng đồng học thuật ở Việt Nam cũng có những ý kiến cho là với mức lương thấp của giảng viên và các nhà nghiên cứu, và với những ràng buộc nhiều khi phi lý trong hệ thống, thì cũng phải thông cảm với những người bán bài và không nên đặt nặng vấn đề liêm chính học thuật.

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Văn Hy đã có trao đổi chung (trên diễn đàn Liêm chính khoa học do Tiến sĩ Dương Văn Tú, Đại học Purdue, Hoa Kỳ, làm quản trị). Ý kiến của ông đáng tham khảo trong nhiều luồng tranh luận trái chiều về vấn đề này. 

1. Liêm chính học thuật là một phạm trù đạo đức. Trong phạm trù đạo đức, có thể có những quy tắc bất thành văn, vì mọi người xem đó là chuyện quá hiển nhiên, không cần văn bản hóa. 

Trong môi trường học thuật (ví dụ ở Mỹ hay Canada), nhiều cơ sở giáo dục không văn bản hóa việc cấm giảng viên hay giáo viên có quan hệ tình cảm riêng tư hay tình dục với sinh viên, học sinh của mình, vì đây cũng được xem là điều hiển nhiên trong đạo đức và văn hóa học đường. Quan hệ như thế sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc người giảng dạy phải công bằng với học trò của mình, không để tình cảm, quyền lợi riêng tư ảnh hưởng đến việc thực thi nguyên tắc công bằng này.

Nói chung, dù có thành văn hay không, quy tắc người thầy và người làm khoa học phải trung thực cũng như phải công bằng với người mình giảng dạy, là một quy tắc đạo đức nền tảng của môi trường giáo dục và học thuật. Một khi có vi phạm nghiêm trọng, thì người ta có thể văn bản hóa những quy tắc đạo đức và đôi khi có thể quy định cả trong pháp luật. Nhưng ngay khi không được văn bản hóa, thì quy tắc đạo đức bất thành văn cũng không phải là "luật rừng" như một người ở một đại học ở Việt Nam đã gọi.

2. Bài của tôi tập trung vào hiện tượng mua bài tràn lan ở vài đại học, mua từ những người không có tương tác gì với cộng đồng học thuật ở những đại học này, và trong trường hợp của một số tác giả nước ngoài thì còn có thể chưa từng đặt chân đến những đại học này.

Nếu tôi có đề cập đến trường hợp cá nhân cụ thể thì chỉ vì tôi phải theo nguyên tắc "mách có chứng" chứ không thể viết chung chung. Tôi đồng ý việc giảng viên (nhà nghiên cứu) có thể làm thêm, nhưng phải công khai, minh bạch, báo cáo đầy đủ với cơ quan chủ quản theo quy định của cơ quan chủ quản.

Học hỏi và làm việc ở nước ngoài đã hơn 50 năm trong những đại học hàng đầu của Mỹ và Canada, tôi không có ý nhắm vào một đại học hay một cá nhân nào ở Việt Nam mà chỉ muốn đưa ra một vấn đề chung về liêm chính học thuật, với hy vọng là môi trường học thuật sẽ tốt hơn.

3. Nếu một đại học ở Việt Nam được sắp hạng cao trên thế giới dựa vào thực lực của mình, tôi mừng cho Việt Nam và cho đại học này. Thực lực ở đây là khả năng của đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên cơ hữu, có thể có thêm một ít cộng tác viên thực sự làm việc bán thời gian và tương đối ổn định tại đại học.

Nhưng nếu thứ hạng này dựa vào việc mua bài học thuật tràn lan từ những người không có tương tác gì với cộng đồng giảng viên và sinh viên của đại học, thì đấy là mua hư danh ảo, vi phạm liêm chính học thuật, không giúp cho đại học phát triển bền vững, và có thể khiến công chúng cũng như sinh viên và gia đình họ "mua phải hàng rởm".

Thay vì dùng tiền bạc để mua bài tràn lan thì nên dùng vào việc phát triển thực lực một cách bền vững. Nếu một đại học đã mua bài tràn lan trong quá khứ, nay tập trung tiền bạc vào việc phát triển thực lực lâu dài, thì đây là một thay đổi rất tích cực.