Nhà thơ "hồn đầy hoa cúc dại" Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời

Hồng Ngọc
15:58 - 06/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi.

Trước thông tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự thương tiếc: “Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị là một thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một đẹp mong manh nhưng đầy lan toả".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời, hố bom” - sáng tác mang về giải Nhất Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ cho Lâm Thị Mỹ Dạ ở tuổi 20, chính thức ghi dấu tên tuổi của bà trên thi đàn Việt Nam: “Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở. Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy: Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/Đất nước mình nhân hậu/Có nước trời xoa dịu vết thương đau".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949 tại xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Bà sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.

Các tác phẩm chính gồm có: “Trái tim sinh nở” (thơ, 1974), “Bài thơ không năm tháng” (thơ, 1983), “Danh ca của đất” (truyện thiếu nhi, 1984), “Nai con và dòng suối” (truyện thiếu nhi, 1987), “Phần thưởng muôn đời” (truyện thiếu nhi, 1987), “Hái tuổi em đầy tay” (thơ, 1989), “Mẹ và con” (thơ, 1994), “Đề tặng một giấc mơ” (thơ, 1998), “Hồn đầy hoa cúc dại” (thơ, 2007).

Ngoài ra, bà còn có bài thơ “Truyện cổ nước mình” (1979) được đưa vào chương trình Ngữ văn tiểu học, được nhiều thế hệ học sinh thuộc lòng.

Bà từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A tại Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của Ủy ban Nhân dân và Hội Liên hiệp hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế.

Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở”, “Bài thơ không năm tháng”, “Đề tặng một giấc mơ”. Năm 2005, tập thơ “Cốm non” (Green rice) của bà được dịch sang tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.

Theo Hội Nhà văn Việt Nam, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất. Từ Hà Tĩnh vào, những địa danh như Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc, Đèo Ngang, Bến phà Long Đại, Bến phà Gianh, phà Ròn… đều là những túi bom với sự tàn phá khủng khiếp. Cam go, cơ cực chưa từng thấy, hy sinh chết chóc ngoài sức tưởng tượng, cái ăn, cái mặc vô cùng gian nan. Tuổi vừa lớn dậy, Lâm Thị Mỹ Dạ gắn chặt với mảnh đất ấy như số phận chị phải thế và chăm chỉ làm thơ mỗi ngày. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong trẻo, tình tứ, tươi tắn và hồn nhiên như thể bất chấp, như thể muốn vượt lên những gian khổ kia.

Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết: “Không thể lấy một tải thơ nào làm chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự “lấp lánh” riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Sự đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ. Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết”.

Nguồn: Hội Nhà văn Việt Nam, TTXVN