Nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân và những thanh âm của gốm
"Đời Gốm" là một câu chuyện liền mạch kể lại chặng đường "bén duyên" đến khi "thực sự chạm vào gốm theo nghĩa đen" của nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân. Đó là một hành trình dài những cảm xúc của nghệ sĩ với gốm.
Sáng ngày 10/9 tại không gian CHAU & CO Gallery, số11 ngõ 123 Nguyễn Đình Thi, Tây Hồ, Hà Nội, nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân đã ra mắt triển lãm "Đời Gốm", với 25 bức tranh vẽ bằng chất liệu acrylic và 25 tác phẩm gốm vẽ tay.
Câu chuyện khởi đầu cách đây mấy chục năm khi các lò Gốm Bát Tràng "rục rịch" mở lại. Những trăn trở và hi vọng của chị khi gốm lao đao trước sóng gió của thị trường bởi nạn làm giả… Mối duyên đó tiếp tục kết nối khi chị bắt đầu cầm cọ vẽ những nét đầu tiên. "Nếu là tĩnh vật hoa thì đi cùng nó luôn là những bình gốm các kiểu dáng. Và không hiểu sao luôn là gốm vuốt tay, và thô, là loại gốm độc bản không phải hàng sản xuất hàng loạt".
Phòng trưng bày khá nhỏ nhắn, có thể chia thành hai phần chính là tranh vẽ gốm và gốm nghệ thuật. Trên tường là 25 bức tranh khổ vừa và nhỏ. Phía dưới là các tác phẩm gốm nghệ thuật được bày thành từng cụm, ở giữa và dọc theo gian phòng. Sự sắp đặt khá tinh tế tạo nên ấn tượng thị giác về một không gian gốm, kết hợp giữa các bức tranh vẽ gốm và các tác phẩm gốm độc bản.
Với mỗi tác giả, tác phẩm chính là lời giãi bày, đối thoại với người xem. Họa sĩ cho biết gốm cũng có đời sống, có số phận. Chị tìm thấy những nét tương đồng giữa gốm và người.
Phần tranh vẽ là phần tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người xem, ưu điểm nổi bật của tác giả là cách dùng màu đằm thắm, tình cảm. Những gam màu đủ nóng lạnh đặt cạnh nhau, sắc xanh như thắm hơn, kết hợp với mảng nâu trầm tạo nên cảm giác đủ đầy. Ranh giới giữa nóng và lạnh, đậm và nhạt được giải quyết bởi những khoảng màu hơi hửng nóng, hoặc lạnh. Khoảng "nảy màu" này là điểm nhấn thể hiện sự chủ động trong cách dùng màu và độ tinh tế của họa sĩ. Cách xử lý tuy không mới, nhưng nó vẫn rất hiệu quả khi biểu đạt cảm xúc của tác giả đến người xem.
Một số bức tranh vẽ tĩnh vật và chân dung còn lại hầu hết là các bức vẽ bình gốm nhiều bố cục khác nhau. Với bảng màu phong phú, bằng những tông màu trầm, không gian trong tranh được diễn tả bởi nhiều lớp hòa sắc, theo tác giả, chị cũng không thể tạo lại những màu như vậy lần thứ 2 bởi nó là sự hòa quyện của cảm xúc và màu sắc hoàn toàn ngẫu hứng không theo một công thức hay tỉ lệ nào.
Yếu tố tạo hình không phải là điểm mạnh của tác giả, tuy vậy ở một số bức tranh, cách xử lý hình bằng các nét thanh, nét đậm mềm mại, đôi khi phần hình lại được xác định bằng những nét sáng khá táo bạo và tinh tế.
Tên mỗi tác phẩm cũng là những sự gợi mở đầy tính trừu tượng, khiến cho mỗi bức họa không đơn thuần chỉ là những bức tĩnh vật mà đôi khi nó còn mang những suy tư, chiêm nghiệm của tác giả với cuộc sống như "Độc thoại", "Thầm lặng", "Tròn đầy", "Nối đuôi nhau"…
Mảng đồ gốm độc bản, tác giả cho biết, chị vẽ trang trí lớp men, còn phần phôi gốm có sẵn. Đây cũng là lần đầu tiên họa sĩ vẽ gốm. Điều thu hút chị là mỗi tác phẩm dù qua nhiều công đoạn, nhưng sản phẩm cuối cùng lại là kết quả của sự ngẫu nhiên không đoán định được. Điều này cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến tính chất "vô thường" của đời sống con người.
Họa sĩ Giáng Vân cho biết, mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng, là những khoảnh khắc cảm xúc riêng. Chị trân trọng mọi tác phẩm như nhau, dù là một chiếc bình bị méo còn lại khi toàn bộ mẻ gốm bị hỏng, không tròn trịa nhưng nó cũng tạo cho chị những cảm xúc riêng.
Gốm độc bản là một thể nghiệm mới, một cuộc chơi mới của tác giả. Mỗi tác phẩm đều thể hiện sự tìm tòi nghiêm túc và truyền tải đến người xem những mỹ cảm. Ở sân chơi mới này tác giả cũng nhận thấy khi làm việc chị học hỏi được nhiều điều, đúc rút được không ít kinh nghiệm cho những mẻ gốm kế tiếp.
Đây là triển lãm thứ 4 của tác giả, kể từ thời điểm chị đến với hội họa cách đây hơn 4 năm, 3 lần trưng bày trước đều được giới chuyên môn đánh giá khá cao, đặc biệt là tác giả luôn có những đúc rút và thể nghiệm mới mẻ hơn sau mỗi lần triển lãm.
Một số hình ảnh trong ngày khai mạc:
Một số hình ảnh không gian bên trong triển lãm "Đời Gốm". Ảnh: Quang Minh
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google