“Sách nặng - Hồn thanh nhẹ” - sự nghiêm ngắn và chân thật trong phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải

Trương Tuyết Trinh
22:12 - 04/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Không chỉ tinh tế dưới ngòi bút phân tích, nhận định, nhà thơ, thiếu tướng Công an Phạm Khải đã có những góc nhìn sinh động và nghiêm ngắn về các tác phẩm văn chương, về các sự việc, hiện tương trong đời sống qua cuốn sách mới xuất bản mang tên “Sách nặng - Hồn thanh nhẹ”.

Đọc "Sách nặng - Hồn thanh nhẹ" của Phạm Khải

Phạm Khải tên thật là Phạm Quang Khải, có nhiều bút danh như Phạm Nhật Linh, Hà Khải Hưng, Phạm Tuấn Đạt, Tường Duy hay Trần Thiên Lương... Phạm Khải được bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc biết đến với vai trò là thiếu tướng công an, nhà thơ, Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân.

“Sách nặng - Hồn thanh nhẹ” - sự nghiêm ngắn và chân thật trong phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải- Ảnh 1.

Nhà thơ Phạm Khải tặng sách mới cùng ấn phẩm Báo Công an Nhân dân cho nhà báo Tô Phán -Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học. Ảnh: Trương Tuyết Trinh.

Gặp Phạm Khải, nhiều người cảm nhận một sự trẻ trung, nhạy bén, ẩn bên trong là một trí tuệ sâu sắc với nhiều ký ức, suy nghĩ tốt đẹp về bạn bè, về những sự kiện, nhân vật, câu chuyện, tác phẩm... mà anh đã được gặp, được xem, được nghe, được kể, được trải nghiệm, được cảm nhận trong suốt hành trình làm báo của mình.

Tập sách phê bình văn học mang tên "Sách nặng - Hồn thanh nhẹ"  là tuyển chọn các bài viết, bình luận, trao đổi, thảo luận của nhà thơ Phạm Khải với những tác giả, tác phẩm nổi tiếng như: Nguyễn Thị Hồng Ngát với tác phẩm "Bài ca số phận"; Phạm Công Trứ với "Lời thề cỏ may"; Hồng Thanh Quang với "Lát cắt số phận", hay cả nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ với tác phẩm thơ nổi tiếng "Cuộc chia ly màu đỏ" ...

Ở phần còn lại của cuốn sách, tác giả đã chọn lọc những bài luận có tính chất "Trao đổi - Đối thoại" trên các tờ báo lớn để độc giả có thêm những góc nhìn khác nhau về các vấn đề, sự việc, cách tiếp cận mới mẻ các tác phẩm văn học - nghệ thuật đương đại.

“Sách nặng - Hồn thanh nhẹ” - sự nghiêm ngắn và chân thật trong phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải- Ảnh 2.

Nếu để xem qua rồi lưu trữ hay "gối đầu giường" tuyển tập những bài phê bình này cho đẹp thì thật lãng phí. Vì vậy nên đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm, ta sẽ cảm nhận được những nét sắc sảo và tâm đắc nhưng cũng rất... mộc mạc, chân thật của tác giả khi viết về các tác phẩm văn học tiêu biểu của những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi.

Không dùng những mỹ từ khoa trương hay thời thượng, ngôn ngữ mà nhà thơ Phạm Khải chọn đều chân phương, nghiêm ngắn,  có khi hơi cổ điển nhưng lại rất đắt. Chẳng hạn: thơ là thứ "nước cất" của tâm hồn, một giọng thơ trẻ "nửa bi, nửa hài", khi nhà thơ muốn "áp tải sự thật", "bảng lảng trước khoảng không gian đầy dấu ấn lịch sử và huyền tích"; "câu thơ được thêm chữ tạo độ rung cho nhạc thơ thêm ngân vang, thánh thót", hay "cách cắt câu, nối chữ đầy sáng tạo đã tạo sức bay, sức rung cho thơ"...

Có lẽ sự nghiêm ngắn trong câu từ là một sắc thái phong cách viết của Phạm Khải? Câu từ trong các bài bình luận được Phạm Khải sử dụng khá khuôn mẫu và chuẩn chỉnh. Bình thơ, bàn văn nhưng anh không hề màu mè, không dùng những từ có cánh hay những từ "lạ" khiến người đọc bù đầu đoán hàm nghĩa, mà thâm trầm, sâu lắng, chuẩn xác và dễ... vào như dáng vẻ con người anh vậy.

Trong số các bài bình thơ của Phạm Khải in trong cuốn sách, bài Cảm thức về một miền mây trắng" viết về tập thơ "Lạy xin mây trắng" của Hà Văn Thể (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 2005)  có những câu chữ sắc nét khi cảm nhận tác phẩm. Một chén trà thơm, một ly rượu đậm được anh dùng làm hình ảnh minh họa về nếp sinh hoạt của tác giả lại rất đối lập với những hình ảnh trong thơ. Thơ của Hà Văn Thể qua lăng kính Phạm Khải lại "bộn người, bộn việc, bộn suy nghĩ chứ không "nhàn tản"... như vốn có của các bài thơ được viết từ người thanh nhã, yêu hoa trà, thích thưởng rượu, yêu màu nắng mới...

Người bình thơ nhận ra sự "đặc biệt" trong thơ của người được bình là một nỗi lòng lo toan cho sự tồn tại của... trái đất! Bạn đã bao giờ thấy thơ mà được mô tả trong tư thế chuyển động dữ dội, khắc nghiệt, tạo cho con người một sự khắc khoải lo toan chưa? Có những câu thơ của Hà Văn Thể được Phạm Khải bình là "ám ảnh và có sức nặng"! 

Nhà thơ - chiến sỹ Phạm Khải có cách dùng từ ngữ đầy "chính quy" trong bình thơ như: manh nha, ổn định, yên hưởng, lạm dụng, chuyển tải, chú trọng, dư thừa, tiếp giáp, rành mạch, sòng phẳng, hướng thiện... Thậm chí, anh đưa cả câu từ "hệ ngành" vào lời bình: phá án, thoát hiểm, chiến công, cao cả, trách nhiệm, niềm tin, kịch tính...

Tuy ở góc độ nghiêm ngắm, ngưỡng mộ tác phẩm, nhưng cái hay của Phạm Khải là không chỉ khen. Bình văn chương thực sự có "sức nặng" khách quan khi có cả yếu tố phê phán "điểm được và chưa được" trong các tác phẩm của đồng nghiệp. Đọc tập truyện "Ngôi nhà bên triền sông" của Nguyễn Hồng Thái (Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2010), Phạm Khải đã có những lời khen tuyến nhân vật đầy tính hướng thiện, nhưng cũng thẳng thắn chia sẻ về một đôi truyện tác giả đã tạo cho độc giả cảm giác là... "sắp xếp"!

Sự phát hiện "chuẩn xác"  như vậy khiến độc giả cảm thấy tin tưởng và khá yên tâm khi cảm nhận những mạch cảm xúc ngòi bút Phạm Khải mang lại.

Nếu phần I của cuốn sách là tuyển tập các bài bình luận tác phẩm văn học, thì khi đọc phần II với những bài trao đổi - đối thoại, người đọc có thêm một góc nhìn khác về bút pháp Phạm Khải.

Anh không chỉ dừng lại ở việc "nói chơi", mà còn thẳng thắn tỏ thái độ  khi đưa ra những nhận xét, phê bình nghiêm khắc về những hiện tượng, sự vật, sự việc cần phải được/bị ...bình luận.

Tác giả đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình trong bài  "Biết khen, cũng phải biết chê". Trong đó, Phạm Khải chỉ ra sự mất cân đối giữa "phê" và "bình" trong phê bình văn học đang là một hiện tượng tồn tại phổ biến làm ức chế nền học thuật.

Học là tinh thần suốt đời, theo tác giả, việc học hỏi rất hữu hiệu đến từ việc lắng nghe phê bình của người khác. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các bài viết điểm sách lại chỉ "trên tinh thần" vỗ vai nhau, ngợi ca nhau, mà rất ít sự phê bình đúng với tên gọi của nó.

Ngay ở thời trình độ bạn đọc chưa cao thì cũng không thể, huống chi ngày nay dân trí ngày càng cao, bạn đọc ngày càng nghiêm khắc và đòi hỏi nhiều tác phẩm hay hơn, thì vẫn cứ chỉ vỗ vai, ngợi ca  thì tình hình phê bình, giới thiệu các tác phẩm văn học sẽ đi vào... thê thảm!

Có thể nói, khi đọc những  bài trao đổi - đối thoại của Phạm Khải, người đọc  thấy thật sự "đã" khi được chứng kiến tác giả tỏ thái độ thẳng thắn, nghiêm túc khi trao đổi. Những sai sót cần phải đính chính cứ ngày một nhiều trên các ấn phẩm văn chương, báo chí; những nhận xét phiến diện về cuộc đời, sự nghiệp của những nhân vật tên tuổi... trở thành "chuyện thường ngày ở huyện"; tệ nạn đạo văn; những bài báo "an toàn, không sai" nhưng chẳng có ích lợi gì... khiến độc giả thấy ngớ ngẩn..., đều được Phạm Khải soi, chiếu tướng!

Phạm Khải  phê bình thẳng thắn và mang tính xây dựng. Thông điệp mà anh muốn đưa ra - đó là một tinh thần cầu thị, lắng nghe, sửa sai, nâng cấp và phải học tập suốt đời.

Ở bài viết "Khi nhà văn không chịu làm... độc giả", Phạm Khải chia sẻ: "Trong khi chúng ta đặt ra những kỳ vọng rất...vĩ đại thì có một điều giản dị, thiết thực, là làm sao để con người trong cuộc sống đương đại không từ bỏ thói quen đọc sách, thì lại ít được chú ý đề cập". Rõ ràng, có một sự thôi thúc trong anh về thái độ làm việc đòi hỏi rất nghiêm túc của đội ngũ làm báo, làm văn chương trong nước.

“Sách nặng - Hồn thanh nhẹ” - sự nghiêm ngắn và chân thật trong phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải- Ảnh 3.

Phạm Khải bức xúc ca thán: Khi được mời tham gia viết, giới thiệu hay phát biểu về tác phẩm, ngay cả những diễn giả nổi tiếng cũng chỉ "lật giở xem qua vài trang"... để rồi không ai biết thực hư của tác phẩm được giới thiệu, chỉ vì cả khán thính giả cũng như diễn giả chỉ đọc "một cách lớt chớt mà thôi".

"Sách nặng - Tâm hồn nhẹ" - tựa đề của cuốn sách cũng chính là tên bài viết của Phạm Khải khi đọc "Quách Tấn - Tuyển tập thơ" do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2006. Anh phê phán thói...lơ mơ của một số tác giả về các tác phẩm nổi tiếng. Chính anh cũng dũng cảm nhận rằng mình đã từng "lơ mơ" như vậy khi đọc các trích tuyển thơ Quách Tấn trên "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân. Cho tới khi tiếp cận được cuốn sách "Quách Tấn - Tuyển tập thơ" ngót 800 trang in, tập hợp tới 500 bài, Phạm Khải mới sâu sắc nhận ra một chân dung hoàn chỉnh hơn về nhà thờ Quách Tấn cần phải được giới thiệu. Trong bài viết của mình, vẫn cách suy nghĩ nghiêm túc, Phạm Khải không ngần ngại nhận định và chỉ ra những bố trí, đặt lời của người biên soạn còn nhiều hạt sạn.

Phạm Khải đã viết: "Cổ nhân từng nói "bể học là mênh mông", không ai có thể tự tin vỗ ngực rằng mình cái gì cũng biết. Cũng vậy, số lượng sách mà một đời người có thể đọc hết so với "túi khôn nhân loại" chắc chắn cũng chỉ như muối bỏ bể".

“Sách nặng - Hồn thanh nhẹ” - sự nghiêm ngắn và chân thật trong phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải- Ảnh 4.

"Khi nhà văn không chịu làm... độc giả" - Phạm Khải, Văn nghệ Công an số 236, ngày 20/9/2010.

Nếu cảm nhận đầy đủ thông điệp của Phạm Khải qua cuốn sách "Sách nặng- Hồn thanh nhẹ", người đọc trẻ có thể cần lắng lại để  "hồn thanh nhẹ" mà lĩnh hội những chia sẻ về kiến thức, cảm nhận sự trăn trở của một thế hệ đàn anh đang mong muốn những gì tốt nhất cho thế hệ đi sau và đông đảo những cây viết trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng: "Để xây dựng thói quen đọc sách cho độc giả, thì giới cầm bút hãy là những người bắt đầu..." - Phạm Khải (Văn nghệ Công an số 236, ngày 20/9/2010).


Bình luận của bạn

Bình luận