Tiễn biệt nhà thơ Giang Nam - dòng sông đã về lại "quê hương"
Chiều 25/1, nhà thơ Giang Nam đã về nơi an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Ông để lại gia tài thơ gồm hơn 10 tập thơ và trường ca, 6 tập truyện ngắn và ký nhưng khi nhắc đến tên Giang Nam, độc giả nhớ ngay đến bài "Quê hương".
Trong lễ tiễn đưa nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đọc lời tiễn biệt: "Cuộc đời nhà thơ Giang Nam là một bài thơ lớn và mỗi bài thơ ông viết ra đều mang hơi thở một đời sống lớn của dân tộc.
Ông là một Ví Dụ được viết hoa cho lẽ sống của một con người. Con người mang tên Giang Nam ấy đã dâng hiến không mệt mỏi cho những điều tốt đẹp nhất của dân tộc. Nhà thơ mang tên Giang Nam ấy đã viết những câu thơ bằng nước mắt, bằng máu và bằng một tình yêu lớn cho khát vọng của con người trên mảnh đất này.
Hành trang lúc này ông mang theo về thế giới bên kia là tình yêu Tổ quốc bất diệt, là những câu thơ của trái tim ông đang vang lên dọc đường ông đi. Ông để lại cho chúng ta hai di sản không gì thay thế: đó là những năm tháng ông đã sống và đó là những câu thơ ông đã viết.
Nhà thơ Giang Nam đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống đời mình. Suốt đời, ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông. Ông sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão".
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa; nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời thọ 95 tuổi của nhà thơ Giang Nam đã có hơn 75 năm ông theo Đảng và đã được tổ chức phân công ở nhiều vị trí, công tác và lĩnh vực khác nhau, bắt đầu từ tháng 8-1945.
Kể từ tháng 8-1952 cho đến ngày nghỉ hưu (12-1993), nhà thơ Giang Nam đã được phân công các nhiệm vụ được nhiều người nhớ đến là làm tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải Phóng, báo Văn Nghệ và phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Nhà thơ Giang Nam được rất nhiều người đọc thuộc nhiều thế hệ, thuộc các tầng lớp nhân dân khác nhau nhắc nhớ đến nhất chính là hai bài thơ rất nổi tiếng của ông là Quê hương và Nghe em vào đại học…
Ông từng nhận giải nhì thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Giang Nam là một nhà thơ yêu nước nồng nàn, một nhà thơ chiến sĩ trung kiên. Bài thơ "Quê hương" là một trong những tác phẩm hay nhất, đỉnh cao nhất của Giang Nam, được phổ biến rộng rãi.
Đây là một bài thơ mang tính chiến đấu cao, hình ảnh quê hương bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. "Quê hương" trong bài thơ là quê hương của Giang Nam nhưng bài thơ cũng nói lên quê hương của cách mạng, của kháng chiến. Bài thơ có sức cổ vũ, lan tỏa rất mạnh, góp phần khích lệ, động viên quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài thơ từng là chương trình học trong sách giáo khoa phổ thông với nhiều hình tượng khó phai mờ về quê hương, dòng sông, làng quê và tuổi thơ...
Ông là nguồn cảm hứng thi ca bất tận cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam qua các thời kỳ. Tiễn biệt ông - một dòng sông đã trở về với quê hương!
"Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ? "
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được... Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi..."
(Trích đoạn bài thơ Quê Hương - Giang Nam).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google