Nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: Giáo viên nói gì?

Phan Anh
14:31 - 21/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo ngày 19/1 vừa qua, trong đó đề cập việc sẽ cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho các giáo viên.

Nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: Giáo viên nói gì?- Ảnh 1.

Xã hội ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe đối với nhà giáo. Minh hoạ: unsplash

Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên - mức đạt chuẩn nhà giáo?

Dự Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức có đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Việc nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp được đề cập tại hội thảo này.

Một nội dung đáng chú ý là bàn về tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Trong đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện.

Chẳng hạn, nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự.

Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ. Bên cạnh đó còn quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Vì sao nhiều giáo viên không hứng thú với việc sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp

Thông tin nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp được đông đảo giáo giới các bậc học trên cả nước quan tâm. Trên một số diễn diễn đàn của giáo viên, hầu hết thầy cô giáo không đồng tình việc sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp vì những lí do khác nhau.

Nhiều giáo viên khẳng định, giáo viên đã được đào tạo từ 3-4 năm ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm – tuỳ theo bậc học – nên việc quy định nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết.

"Giáo viên đã có bằng đại học sư phạm thì đương nhiên họ đã phải vượt qua nhiều mức độ đòi hỏi của nghề nghiệp. Giấy chứng nhận chỉ do một số người có quyền được cấp, nhưng liệu tiêu chuẩn của họ có ưu việt gì hơn tiêu chuẩn đào tạo của các trường đại học sư phạm".

"Vậy bằng tốt nghiệp sư phạm dùng để làm gì? Và mỗi trước khi vào đầu năm học thì giáo viên cũng phải tập huấn về chuyên môn để làm gì?" - các giáo viên nêu ý kiến.

"Ai đã học ngành sư phạm thì biết rõ trải qua 4 năm đại học, mỗi sinh viên được đào tạo biết bao nhiêu kỹ năng, trải qua bao nhiêu giờ kiến tập, thực tập... mới được tốt nghiệp và làm giáo viên. Vậy có cần thiết phải có cái giấy chứng nhận đó không? Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học và nâng cao đạo đức cho học sinh thì quan trọng hơn là nghĩ ra nhiều qui định không cần thiết".

Một ý kiến bày tỏ: "Cả nước có khoảng 1,5 triệu nhà giáo. Nếu cấp giấy phép hết thì sẽ tốn của xã hội một chi phí khổng lồ (tiền giấy mực, thời gian đi lại, xin,...) trong khi tác dụng của giấy phép là không đáng kể vì lâu nay không có giấy đó ngành giáo dục vẫn hoạt động bình thường. Vậy có cần thiết khi đưa ra nó không?".

Có ý kiến lo sợ: "Nếu mà có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo nữa thì sẽ tạo ra cơ chế thi cử - xin cho, rồi lại ra "nhà giáo hạng 1, hạng 2, hạng 3... như bên giấy phép hành nghề hoạt động xây dựng, người dân lại bị vướng vào nhiều thủ tục xin cho, lại vướng vào vòng quay cố hữu của ngành sư phạm là "chạy chọt"...

Một ý kiến bình luận: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung thực hiện những việc mang tầm vĩ mô thay vì xây dựng thêm các dự thảo về chứng chỉ nghề nghiệp sư phạm. Bở lẽ, hiện nay đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giảng viên đại học rồi, không nên thêm nhiều giấy tờ phiền hà cho nhà giáo nữa".

Bàn về giấy chứng nhận nghề nghiệp, một ý kiến khác phân tích: "Việc cấp thêm giấy chứng nhận gần như giấy phép lại đẻ ra giấy phép con. Giáo viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoặc những ngành khác và đã được đào tạo các khóa nghiệp vụ sư phạm thì đương nhiên đủ điều kiện về chuyên môn để làm nhà giáo - như xưa nay vẫn thế.

Có nhiều người đã được học nghiệp vụ sư phạm nhưng không trực tiếp làm công tác giảng dạy trong thời gian công tác (làm công tác quản lý giáo dục khác), đến khi chuyển công tác khác, về nghề sư phạm, hoặc nghỉ hưu muốn đi dạy lại thì lại phải thông qua quy trình cấp phép con này sao?

Tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đôi khi không hoàn toàn trùng khớp với lương được chi trả, do vị trí công việc hoặc do làm việc cho cơ quan hay trường học công lập hay tư thục. Việc ra nhiều giấy phép nhưng đi kèm là các biện pháp quản lý bất ổn trong giáo dục dễ dẫn đến việc lạm dụng quyền cấp giấy phép con để gây khó dễ.

Mặc khác, những nhà giáo được đào tạo những ngành nghề hoặc chuyên môn khác ngoài hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam vẫn đảm nhận việc giảng dạy các môn học đó trong trường (theo đặc thù từng đơn vị) theo dạng không chính thức thì cấp phép theo tiêu chí nào?

Có những người học sau đại học ở nước ngoài có trình độ rất cao trong chuyên môn của họ nhưng khi giảng dạy tại Việt Nam lại phải thông qua tập sự để được cấp giấy phép giảng dạy có thời hạn sao?

Công tác quản lý giáo viên theo tiêu chí của ngành và nếu ai không thực hiện được yêu cầu của cơ quan quản lý thì họ ra ngoài hệ thống công lập? Và có phải các trường tư thục cũng phải áp dụng các quy định cứng nhắc của hệ thống công lập? Vẫn còn nhiều câu hỏi và khá nhiều băn khoăn xung quanh ý kiến cấp giấy phép hành nghề cho nhà giáo.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc cấp chứng chỉ nghề nghiệp sau khi công tác và đủ chuẩn là hợp lý. Bởi vì người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ,… là chỉ mới đạt yêu cầu về trình độ đào tạo, còn việc đi dạy được lại là trình độ và nghiệp vụ sư phạm. 

Công tác giáo dục có hàng loạt tiêu chí khác, ai không đạt thì không được cấp giấy hành nghề và không được được đi dạy là đương nhiên. Cùng với đó cần xét thật kỹ tiêu chí "đạo đức nhà giáo" để giáo viên thật sự xứng đáng với niềm tin của xã hội.