Đại học không được phép đào tạo từ xa ngành sư phạm là quy định đúng đắn

Phan Anh
13:47 - 10/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Trong đó, quy định không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên là đúng đắn.

Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024 sẽ thay thế Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
Đại học không được phép đào tạo từ xa ngành sư phạm là quy định đúng đắn- Ảnh 1.

Rất nhiều ngành nghề không phù hợp cho đào tạo online qua mạng. Minh hoạ: pexels

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 5 Thông tư này quy định (trích): "Không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên".

Một số ưu điểm của đào tạo từ xa

Có thể khẳng định, giáo dục từ xa có một số ưu điểm nổi trội như: đào tạo mọi lúc mọi nơi. Người học được truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng và có thể truy cập các khoá học bất kỳ nơi đâu.

Cùng với đó, giúp người học tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí tổ chức địa điểm. Người học chỉ tốn chi phí trong việc đăng kí khoá học và có thể đăng kí bao nhiêu khoá học tuỳ ý.

Bên cạnh đó, đào tạo từ xa giúp người học giảm thời gian đào tạo so với phương pháp giảng dạy truyền thống do họ không phải đi lại (trừ những lúc phải thi tập trung).

Ngoài ra, người học có thể chọn lựa những khoá học có sự chỉ dẫn của giảng viên từ xa hoặc khoá học tự tương tác, tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện từ xa...

Đào tạo từ xa thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học

Tuy vậy, nhược điểm lớn nhất của đào tạo từ xa là thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người dạy với người học, giữa những người học với nhau.

Điều này chưa phù hợp trong việc đào tạo ngành sư phạm - ngành nghề mang tính đặc thù, cần sự tương tác hai chiều giữa thầy và trò, nghĩa là cần hoạt động thực hành sư phạm của người học.

Điều 8 Quyết định 36/2003/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thực hành, thực tập sư phạm áp dụng cho các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên phổ thông, mầm non trình độ cao đẳng hệ chính quy cho biết:

"Mục đích hoạt động thực hành sư phạm: Tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm sớm tiếp xúc với thực tế giáo dục, có cách nhìn tổng quát về hoạt động của nhà trường, về các mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, về nhiệm vụ của giáo viên và những yêu cầu cần phải phấn đấu để trở thành giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt.

Tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm sớm được luyện tập các kỹ năng sư phạm, làm quen với nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục trong và ngoài lớp, một số kỹ thuật dạy học đặc trưng của mỗi môn học, bậc học, ngành học.

Giúp sinh viên sư phạm chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng cho các đợt thực tập năm thứ 2 và năm thứ 3."

Như vậy, thực tập sư phạm là khâu rất quan trọng trong việc phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên, tạo môi trường để họ vận dụng lý thuyết vào thực hành để vững bước vào nghề dạy học sau này.

Nếu người học được đào tạo từ xa thì sẽ không có sự tương tác giữa người dạy và học sinh, giữa người dạy và giáo viên hướng dẫn.

Đáng nói, vì không được tương tác trực tiếp với học sinh nên người dạy không thể xử lí nhiều tình huống sư phạm phát sinh mà không hề có trong sách vở.

Hơn nữa, sản phẩm trong lao động sư phạm không chỉ là vật chất cụ thể, mà lao động sư phạm còn tạo nên sản phẩm chính là mức độ phát triển nhân cách của học sinh.

Mỗi học sinh là một chủ thể riêng, đặc điểm nhân cách khác nhau, khả năng nhận thức khác nhau. Nếu giáo viên không gần gũi để tìm hiểu thì cho dù năng lực chuyên môn tốt cũng khó có thể dạy học thành công.

Ngoài ra, để vào đại học chính quy, học sinh phải có năng lực cụ thể dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Còn hệ từ xa chỉ xét đầu vào, chỉ cần tốt nghiệp thì hầu nhưng ai cũng trúng tuyển.

Đành rằng không phải những người học từ xa ngành sư phạm đều có năng lực yếu, kém hơn những người học chính quy. Tuy nhiên, vì đầu vào dễ dãi và có những cơ sở đào tạo thiếu kiểm soát chất lượng nên tấm bằng hệ từ xa ít có giá trị.

Người tốt nghiệp khoác lên mình tấm bằng đại học vượt quá năng lực và làm nghề dạy học thì sẽ gây hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ.

Nếu họ luồn lách lên những vị trí quản lý ở cấp trường, Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo thì sẽ tiềm ẩn nhiều mối họa cho xã hội sau này.

Nhìn chung, trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện thì sinh viên sư phạm - những người thầy tương lai, cần phải được đào tạo chính quy, bài bản thì mới đáp ứng được việc "trồng" người.

Bình luận của bạn

Bình luận