Nhà giáo buộc phải tập huấn sách giáo khoa không sử dụng trong dạy học?

Ngọc Trân
15:01 - 23/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023-2024 tới đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11 ở các trường phổ thông trên cả nước. Chính vì thế, các đơn vị chủ quản của từng bộ sách giáo khoa đang đồng loạt và gấp rút triển khai tập huấn online cho đội ngũ nhà giáo.

Điều mà nhiều giáo viên đang băn khoăn là họ được yêu cầu tham dự lớp tập huấn không chỉ đối với bộ sách giáo khoa mà trường, địa phương đã chọn từ mấy năm qua mà còn tham dự tập huấn cả những bộ sách giáo khoa mà trường mình không dạy.

Việc giáo viên tham dự những bộ sách giáo khoa mà đơn vị mình không dạy nếu nói không có tác dụng thì e rằng khiên cưỡng nhưng nếu nói hiệu quả thì lại không đúng vì thực ra dự cũng được mà không dự cũng không sao cả. Tâm thế của những giáo viên khi dự những lớp không phải sách mình dạy cũng hời hợt, miễn cưỡng.

Có cần thiết phải tập huấn tất cả các bộ sách giáo khoa?

Khác với các chương trình giáo dục phổ thông trước đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương "một chương trình, một bộ sách giáo khoa", khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" nên mọi thứ có những thay đổi nhất định.

Hiện nay, chương trình 2018 mà Bộ đang triển khai có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là: "Cánh Diều"; "Chân trời sáng tạo"; "Kết nối tri thức với cuộc sống" và quyền lựa chọn sách giáo khoa được giao cho giáo viên từng đơn vị trường học và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định theo hướng dẫn của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này có nghĩa, từng trường học, địa phương lựa chọn bộ sách giáo khoa nào thì họ sẽ chuyên tâm vào bộ sách giáo khoa đó. Việc yêu cầu giáo viên tham dự tập huấn 2 bộ sách giáo khoa còn lại có lẽ không thực sự cần thiết và thực tế giáo viên tham dự cũng không dành trọn tâm huyết cho việc ngồi nghe, theo dõi tập huấn.

Bởi lẽ, theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì "chương trình là pháp lệnh" và sách giáo khoa chỉ là tư liệu nên dạy bộ sách giáo khoa nào cũng được miễn là giáo viên họ bám sát vào mục tiêu của chương trình mà Bộ đã ban hành là được.

Hơn nữa, mỗi bộ sách giáo khoa đều có một triết lý, mục tiêu riêng và tất nhiên người chọn có lý do chính đáng để chọn bộ sách giáo khoa đó, không nhất thiết phải tập huấn thêm các bộ sách mà mình không dùng trong giảng dạy.

Về cơ bản, khi được điều động, phân công tập huấn thì giáo viên thực hiện. Khi tập huấn thì điểm danh nhưng họ tiếp thu đến đâu là quyền của họ. Những lớp tập huấn online tại điểm cầu nào thì đầu giờ nhân viên thiết bị trường đó mở máy theo link cấp trên gửi về. Giáo viên dạy môn học đó của các trường trong huyện, cụm tập trung đến điểm cầu để nghe và không có giám sát, quản lý.

Chất lượng tập huấn online vốn dĩ đã thấp, nay lại yêu cầu giáo viên đi tập huấn những bộ sách mà họ không dạy thì khó có thể yêu cầu về chất lượng. Hơn nữa, việc tập huấn cũng chẳng mang lại hiệu quả gì cụ thể do giáo viên cũng chẳng mấy quan tâm đến những bộ sách không sử dụng.

Tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng buổi tập huấn

Nhiều năm tham gia tập huấn sách giáo khoa trước khi mỗi khối lớp được triển khai, chúng tôi nhận thấy hiệu quả tập huấn không được như kỳ vọng. Mỗi buổi tập huấn online có trên dưới 500 điểm cầu của rất nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Đường truyền không phải bao giờ cũng ổn định và đặc biệt là âm thanh thường không rõ trọng âm, giáo viên ít tương tác - nói đúng hơn là rất ít thời gian để tương tác, nếu có cũng chỉ khen chứ chưa dám phản biện những hạn chế.

Môn học nhiều tiết thì nhà xuất bản sách giáo khoa tập huấn 1 ngày. Trong vòng 7 giờ đồng hồ, thỉnh thoảng còn có những báo cáo viên cường điệu giới thiệu về mình, về bộ sách của mình làm chủ biên, tổng chủ biên một cách dài dòng, rồi "lên lớp" giáo viên khiến cho người nghe không dễ chịu chút nào.

Những môn ít tiết thì tập huấn 1 buổi (3,5 tiếng) cũng có nhiều thủ tục. Đó là chưa kể mỗi khi chuyển sang các phần, mục khác còn phải đợi chờ khâu kĩ thuật từ điểm chính. Vì thế, mỗi môn học tập huấn từ 1 buổi đến 1 ngày online để nói về nội dung kiến thức của cuốn sách, phương pháp tiếp cận, gợi ý kiểm tra, đánh giá… nên vẫn xảy ra tình trạng hời hợt "cưỡi ngựa xem hoa".

Từ thực tế của việc tập huấn, thiết nghĩ lãnh đạo ngành giáo dục cũng cần giám sát chặt chẽ hơn và cần chú trọng về hiệu quả, chất lượng của công việc này. Thay vì yêu cầu giáo viên phải dự tập huấn cả 3 bộ sách thì chỉ nên tập trung vào 1 bộ mà các trường và các địa phương đã lựa chọn để dạy.

Lựa chọn sách giáo khoa nào thì chỉ nên tập trung vào việc tập huấn sách đó. Thay vì giáo viên đang phải tập huấn cả 3 bộ sách thì thời gian đó tập trung chuyên sâu vào 1 bộ sách vì có yêu cầu giáo viên tập huấn 2 bộ sách mà họ không dạy thì việc tập huấn nhiều khi cũng chỉ mang tính miễn cưỡng, gò ép mà thôi.

Những bộ sách giáo khoa không dạy thì chỉ nên cung cấp đường link rồi yêu cầu giáo viên họ tham khảo thêm. Đồng thời, khâu giám sát cũng cần được đề cao hơn nữa về nội dung tập huấn của các nhà xuất bản và các điểm cầu từ cơ sở.

Nếu thực hiện như hiện nay, nhiều khi cả ngày tập huấn không thấy mặt mũi người báo cáo ra sao, chỉ thấy file trình chiếu và nghe giọng nói. Các điểm cầu thì cũng chỉ đăng nhập lên rồi thôi, đầu buổi thì điểm 4-5 trăm điểm cầu nhưng cuối buổi thì thấy "rơi rụng" khá nhiều. Như vậy, chất lượng tập huấn sách giáo khoa mới liệu có đảm bảo được hay không?