Những điều vô lí trong sách giáo khoa lớp 1 bộ Cánh Diều
Một bài toán trong sách giáo khoa Toán 1 bộ Cánh Diều không thể cho ra đáp án đúng. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 gọi gà là… thú.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai, phản ánh sách giáo khoa lớp 1 môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội bộ Cánh Diều có một số phạm vi kiến thức sai sót nghiêm trọng.
Bài toán không có đáp số?
Bài toán trang 165 trong sách giáo khoa Toán 1 bộ Cánh Diều, Đỗ Đức Thái – Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm có nội dung như sau:
Chị Mai bẻ được 32 bắp ngô, anh Tuấn bẻ được 47 bắp. Hỏi cả hai anh chị bẻ được bao nhiêu bắp ngô?
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật cho biết, người soạn sách giáo khoa muốn sử dụng kiến thức liên môn nhưng lại không nhận biết được sự khác nhau giữa "bắp", "ngô" và "bắp ngô".
"Bắp ngô" là bộ phận sinh dục cái của cây ngô, khi kết quả (trái) thì gồm một lõi xốp mang nhiều hạt bọc trong bẹ. Trong khi đó, "ngô" hay còn gọi là "bắp" là cây lương thực. Một cây ngô (bắp) có ít nhất một bắp ngô, có cây 2 hoặc 3 bắp ngô.
Cho nên, anh Tuấn bẻ được 47 bắp nhưng chúng ta không thể biết anh ta bẻ được bao nhiêu bắp ngô. Do đó, đề toán trên không có đáp án đúng.
"Rõ ràng, sách giáo khoa không được thẩm định kĩ càng", thầy giáo Nguyễn Văn Thuật bày tỏ sự bức xúc.
Tết Nguyên đán còn gọi là tết Âm lịch?
Trang 65 sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1 bộ Cánh Diều, Mai Sĩ Tuấn – Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, viết: Tết Nguyên đán còn gọi là tết Âm lịch.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, đây là sai lầm không thể dạy cho trẻ em. Dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời để xây dựng lịch. Ngược lại, Âm lịch dựa vào chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Trái Đất.
Riêng Âm dương lịch là loại lịch được nhiều nền văn hóa sử dụng, trong đó ngày tháng của lịch chỉ ra cả tuần trăng và thời gian của năm Mặt Trời. Sự khác nhau cơ bản của 2 loại lịch này là: Âm lịch không có năm nhuận, trái lại trong 19 năm Âm dương lịch có 7 năm nhuận.
Từ xưa đến nay nước ta chưa bao giờ sử dụng Âm lịch mà chỉ sử dụng Âm dương lịch, chứ không giống một số quốc gia khác, dùng Âm lịch.
"Tôi đề nghị, tác giả và nhà xuất bản phải có phương án xem lại kiến thức trong sách, trả lời thỏa đáng cho người đã mua sách", thầy giáo Thuật bày tỏ.
Gà là thú?
Bài 133 sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, viết:
Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân.
Đến trưa, về nhà, nó ôm mẹ, kể:
- Mẹ ạ, trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nhọn, mắt thô lố. Nó quát rất to. Con sợ quá.
Chuột mẹ đáp:
- Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con.
Gà, vịt, ngan, ngỗng thuộc họ Gà, lớp Chim, chính vì thế người ta mới gọi chúng là gia cầm.
Gà không phải là lớp thú và viết như tác giả sách giáo khoa dễ gây hiểu lầm cho học sinh - thầy giáo Nguyễn Văn Thuật phản ánh.
Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa được ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 5. Nội dung sách giáo khoa (trích): "Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng."
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google