Có nên tập huấn sách giáo khoa trong năm học?

Hà Vy
06:59 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc tổ chức tập huấn thay sách giáo khoa ngay trong năm học đã gây khó khăn cho mỗi nhà trường khi sắp xếp chuyên môn, ảnh hưởng đến việc dạy và học tại thời điểm này.

Hiện nay, học sinh các cấp đã bước sang tuần học thứ 23. Đây cũng là giai đoạn các thầy cô giáo vừa tập trung giảng dạy, vừa ôn luyện kiến thức để học sinh chuẩn bị tham gia đợt kiểm tra định kỳ lần 3 (còn gọi là kiểm tra giữa học kỳ II).

Tuy vậy, giáo viên các cấp ở nhiều trường học lại bị điều động tham gia tập huấn thay sách giáo khoa. Việc tổ chức tập huấn thay sách giáo khoa ngay trong năm học đã gây cho học sinh không ít thiệt thòi và tạo ra khá nhiều khó khăn cho mỗi nhà trường khi sắp xếp chuyên môn.

Có nên tập huấn sách giáo khoa trong năm học? - Ảnh 1.

Thời gian tổ chức giáo viên đi tập huấn sách giáo khoa mới hiệu quả nhất là từ đầu tháng 8 hằng năm. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Tây Hồ, Hà Nội

Khó khăn khi sắp xếp chuyên môn nhà trường

Với bậc tiểu học, phần lớn tất cả giáo viên trong nhà trường (trừ một số thầy cô giáo dạy các môn chuyên như ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục) thì các thầy cô giáo có thể dạy thế cho nhau.

Thế nên, giáo viên khối này đi tập huấn, nhà trường sẽ phân giáo viên khối khác dạy thay thế. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay, tình trạng giáo viên bậc tiểu học đang thiếu một cách đáng báo động. Có trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải vào làm chủ nhiệm và lên lớp dạy bình thường như giáo viên.

Gặp những trường học thiếu giáo viên như thế thì sẽ rất khó khăn trong việc cắt cử người dạy thay thế. Thế là, có trường, giáo viên đi tập huấn thì học sinh mất bài học. Giáo viên đi dạy thì sẽ không thể tham gia lớp tập huấn.

Bậc tiểu học còn khó phân công chuyên môn dạy thay, dạy thế để giáo viên đi học tập huấn. Bậc trung học lại gần như không thể vì mỗi lần tập huấn thay sách theo môn, giáo viên môn học đó nếu tham gia tập huấn sẽ không còn ai lên lớp để giảng dạy.

Vì thế, giải pháp luôn được các trường trung học phổ thông đưa ra là ai trống tiết (hoặc buổi học hôm ấy không có giờ lên lớp) thì mới tham gia tập huấn.

Học sinh mất bài học, giáo viên mệt mỏi khi phải dạy hỗ trợ

Theo yêu cầu của một số địa phương, mỗi trường học là một điểm cầu tập huấn. Vì thế, những thầy cô giáo đang giảng dạy ở những khối lớp thay sách được điều động đi tập huấn.

Để học sinh không bị trống bài học bài, nhà trường sẽ điều động các thầy cô giáo vào dạy hỗ trợ. Theo phản ánh của một số giáo viên, do trường đông học sinh đi tập huấn, trong khi trường lại thiếu giáo viên nên không thể nhờ được các thầy cô giáo vào dạy hỗ trợ.

Giải pháp tình thế được đưa ra là huy động giáo viên dạy các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, thậm chí cả nhân viên văn thư, thiết bị, kế toán để vào giữ trật tự lớp học dùm. Không có giáo viên chuyên môn giảng dạy gần như cả buổi đến trường của học sinh gần như chỉ chơi là chủ yếu. 

Đáng lẽ, những tiết dạy cho giáo viên đi tập huấn phải được tính là tiết dạy tăng thêm và được trả thù lao xứng đáng. 

Tuy nhiên, giáo viên chỉ là dạy hỗ trợ mà không có một khoản thù lao nào khác. Một số thầy cô giáo cho biết, dạy hết phần việc của mình còn phải kiêm luôn phần việc của đồng nghiệp đi tập huấn nên sự mệt mỏi tăng gấp đôi.

Tập huấn sách giáo khoa thời gian nào là phù hợp nhất?

Không đi tập huấn sách giáo khoa trong năm học thì nên tập huấn vào thời điểm nào mới hợp lý? Thời gian tổ chức giáo viên đi tập huấn hiệu quả nhất là từ đầu tháng 8. Lúc này, học sinh chưa tới trường, giáo viên cũng vừa trải qua một kỳ nghỉ dài nên lúc này đi tập huấn chuẩn bị năm học mới là hợp lý. 

Ngoài việc tập huấn sách giáo khoa, ngành giáo dục cũng cần tổ chức cho giáo viên nhận xét, bình chọn bộ sách giáo khoa mà địa phương sẽ dạy, tránh để vào năm học mới khi công việc giảng dạy và hồ sơ sổ sách đang ngập đầu lại tiến hành tập huấn thay sách và bình chọn sách giáo khoa như cách làm những năm gần đây.