Nhà báo vi phạm pháp luật, lỗi do giáo dục và tự rèn luyện

Nguyễn Năng Lực
01:50 - 01/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tình trạng lợi dụng danh nghĩa phóng viên, nhà báo tống tiền doanh nghiệp, cá nhân đã tạm im ắng thì gần đây lại rộ lên những vụ việc khiến dư luận bất bình, giới báo chí buồn lòng, phẫn nộ



Nhà báo vi phạm pháp luật, lỗi do giáo dục và tự rèn luyện - Ảnh 1.


Những vụ nhà báo tống tiền đình đám

Gần đây nhất là vụ Phan Mạnh Chi, phóng viên thường trú Tạp chí Người cao tuổi, ngày 29/8/2022 bị Công an  huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở vì có hành vi cấu thành tội phạm "Cưỡng đoạt tài sản".

Trước đó không lâu, vào tháng 7/2022, Công an tỉnh Cao Bằng bắt quả tang Lưu Công Hải (SN 1988, trú tại tổ 2, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng) là cộng tác viên một tờ báo ở Hà Nội); Nguyễn Huy Hùng (SN 1988, trú tại tổ 8, phường Hợp Giang), là phóng viên Báo Tài Nguyên và Môi trường phụ trách địa bàn Cao Bằng và Nguyễn Quang Văn (SN 1993, trú tại Xóm Cả, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam thường trú tại Cao Bằng) lúc đang nhận tiền có tính chất cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó nữa, ngày 24/3, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên án các đối tượng Đinh Bảo Trung (SN 1989), trú phường Nguyễn Du (TP. Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Khánh (SN 1984), trú phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh, Lê Đức Điệp (SN 1990), trú xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà và Phan Văn Minh (SN 1991), trú xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà tổng cộng 105 tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Cả 4 bị cáo đều từng là phóng viên, cộng tác viên của một số báo, tạp chí nên có mối quan hệ quen biết, bàn nhau tống tiền doanh nghiệp có sai phạm trên địa bàn.

Đình đám nhất có lẽ là vụ nữ phóng viên báo Thương hiệu và Công luận tống tiền gần 70.000 USD doanh nghiệp Trung Quốc xảy ra năm 2018. bị Công an Bắc Giang bắt khởi tố

Thủ đoạn của những phóng viên thích làm tiền này rất giống nhau. Lợi dụng tâm lý của những người có sai phạm, mà phải là cá nhân, doanh nghiệp được cho là có khả năng "chi trả", họ sử dụng nghiệp vụ báo chí, tìm kiếm bằng chứng sai phạm của "con mồi" và lợi dụng uy tín của cơ quan báo chí để đe doạ, yêu cầu họ nộp tiền để không bị đưa lên công luận.

Cuối cùng vẫn là tính tự giác của người đã gánh sứ mệnh là người làm báo. Đừng u mê tự huyễn hoặc về vai trò của nhà báo.

Phan Mạnh Chi, phóng viên thường trú Tạp chí Người cao tuổi biết ông Đinh Tiến Dũng đang được cơ quan chức năng làm quy trình để bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND huyện, đã tìm hiểu một số vụ việc rồi tìm đến đe doạ ông Dũng đòi 300 triệu đồng. Chi còn kiên trì nhiều lần gọi điện thúc giục ông Dũng chi tiền. Theo Tiền Phong, Chi từng là bạn bè khá thân thiết với ông Dũng.

Bốn nhà báo bị bắt ở Cao Bằng và bốn vị phóng viên bị toà xử ở Hà Tĩnh còn câu kết với nhau "đánh hội đồng" doanh nghiệp khi biết họ có dấu hiệu vi phạm.

Xét theo góc độ tội phạm, hành vi của những người này chẳng khác, thậm chí còn nguy hại hơn hành vi của những người phạm tôi trộm cướp. Họ không manh động. Họ có dự mưu, có kế hoạch, có tổ chức khá bài bản. Cái sảy nảy cái ung, những vụ vi phạm của phõng viên làm xấu mặt cơ quan báo chí, gây phiền phức cho lãnh đạo. Nghe chuyện của họ, người tử tế chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.

Trong cuộc sống thường nhật, còn có hiện tượng các nhà báo trẻ ở nhiều cơ quan báo chí chơi với nhau, cà phê trà lá vui vẻ, thân tình. Cũng tốt thôi. Chơi với nhau để trao đổi. học tập kinh nghiệm làm nghề, để bình luận một vấn đề nóng, để chia sẻ sở thích. Nhưng họ còn chia sẻ thông tin về những nơi "nên đến", rồi áp dụng chiến thuật"luân xa chiến", thay nhau đến thăm hỏi, chả dọa nạt ai, chỉ hỏi thăm thôi, rồi nhận phong bì vài ba trăm trà nước…


Nhà báo vi phạm pháp luật, lỗi do giáo dục và tự rèn luyện - Ảnh 3.

Nữ nhà báo tống tiền 70.000USD tại cơ quan Công an. Ảnh: THÚY PHƯƠNG

Cuộc sống muôn màu, nếu cứ hời hợt tưởng rằng cái danh nhà báo có thể dọa được thiên hạ thì thật sai lầm. Phần lớn những trường hợp bị phát hiện, xử lý đều là do "vỏ quýt dày có móng tay nhọn".

Cái gốc là do đạo đức nhà báo 

Cái gốc của tình trạng một số phóng viên bị pháp luật xử lý là do đạo đức người làm báo trong họ mờ nhạt.

Luật Báo chí quy định: Nhà báo có nghĩa vụ "Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật" (Điều 25 – Luật Báo chí)

10 điều Quy định về đạo đức của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam công bố ngày 16/12/2016 nêu rõ: Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi…

Hầu hết những người đã bước chân vào nghề làm báo đều đã có bằng tốt nghiệp đại học, có thời gian học tập khá chỉn chu, không chỉ hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí mà còn được học tập về đạo đức người làm báo. Tuy nhiên, ở các cơ sở nhà trường đào tạo về báo chí, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ, có tính chất bổ sung trong chương trình đào tạo. Đạo đức nghề nghiệp coi như được mặc định.

Vì thế, để có thể làm giảm, tiến tới triệt tiêu, chấm dứt tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo vi phạm pháp luật, thiết tưởng cần tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp ngay từ nhà trường. Sau khi đã được tác nghiệp, cơ quan chủ quản cần có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của phóng viên.

Cuối cùng vẫn là tính tự giác của người đã gánh sứ mệnh là người làm báo. Đừng u mê tự huyễn hoặc về vai trò của nhà báo.

Những vụ việc cơ quan pháp luật xử lý những nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật vừa qua cho thấy luật pháp rất nghiêm minh.