Đào tạo "nhà báo Mobile" theo kịp thời đại số hóa

PGS.TS Phạm Thị Thanh Tịnh
14:28 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Xu hướng di động hóa chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ truyền thông số và văn hóa tiêu dùng của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nó làm phong phú thêm môi trường truyền thông, khẳng định vị thế, quyền lực của công chúng báo chí hiện đại và tạo ra xu hướng phát triển mới của báo chí.

Đào tạo "nhà báo Mobile" theo kịp thời đại số hóa - Ảnh 1.

Sinh viên báo chí trong ngày hội tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên Truyền. Ảnh: Page HVBC&TT

Sự ra đời của điện thoại di động (mobile) và internet là kết quả tất yếu của quá trình phát triển khoa học kỹ thuật, nó đã làm thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin báo chí theo xu hướng ngắn gọn, cá nhân hóa và di động. Xu hướng di động hóa là một hành vi xã hội, từ đó ảnh hưởng đến báo chí, truyền thông và làm thay đổi phương thức đào tạo báo chí mà sản phẩm của quá trình đào tạo đó sẽ là các "nhà báo mobile"

Báo mobile là báo trên điện thoại di động (gọi tắt là báo di động) là loại hình báo chí của tương lai bởi những ưu thế vượt trội. Nó có cách thể hiện, trình diễn riêng và hấp dẫn riêng của nó. Thí dụ trên phiên bản báo điện tử không đo lường, định vị được người dùng, không hình dung được là họ thích cái gì, họ đang ở đâu. Nhưng trên điện thoại di động giải quyết được tất cả các vấn đề đó. Báo di động sẽ trở thành một trào lưu mới. Đa phần các tờ báo lớn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đều thêm kênh di động. Tự họ phải tạo thêm các kênh thông tin. Báo di động sẽ lôi kéo các độc giả trẻ vì sự tiện ích. Họ là những người đã thay đổi kiểu nhu cầu tiêu dùng tin tức truyền thống.

Tại sao phải hướng tới báo mobile?

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Google và công ty nghiên cứu Purchased, mọi người có khả năng có trải nghiệm thương hiệu trên thiết bị di động cao gấp hai lần so với tương tác trực tiếp, qua tivi hoặc qua máy tính. Hiện tại, hầu hết các tương tác của khách hàng đều diễn ra trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Khi thế giới kỹ thuật số chuẩn bị cho chỉ mục ưu tiên dành cho thiết bị di động, đã đến lúc cần xây dựng chiến lược thiết kế ưu tiên thiết bị di động trước khi thế giới thay đổi dưới chân bạn.

Ngày nay, hầu hết mọi người đang tìm kiếm trên Google bằng thiết bị di động. Tính đến năm 2019, khoảng 63% lưu lượng tìm kiếm ở Hoa Kỳ bắt nguồn từ thiết bị di động. Điều này có nghĩa là phiên bản dành cho thiết bị di động của trang web là phiên bản nên được ưu tiên hơn và Google thừa nhận điều này với tính năng ưu tiên lập chỉ mục cho thiết bị di động. 

Điện thoại di động với nhiều tiện ích và giá thành rẻ đang được sử dụng nhiều trên thế giới. Ngoài việc sử dụng điện thoại thông minh thì việc hình thành thói quen đọc báo hàng ngày và sàng lọc thông tin trên internet di động là một yếu tố rất quan trọng. Nó còn có tính năng giải trí và tác động "cực lớn" của mạng xã hội trong việc kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn bè.

Hành vi của công chúng thay đổi thì báo chí cũng phải thay đổi. Tỷ lệ người trẻ trên thế giới cũng như ở nước ta sử dụng di động vô cùng đông đảo. Mọi hành động tra cứu thông tin, đọc báo, sử dụng mạng xã hội, xem video, nghe nhạc, nghe radio… của thế hệ này diễn ra hầu hết trên điện thoại di động. Người dùng điện thoại di động truy cập nhiều lần trong ngày, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày từ khi họ thức dậy buổi sáng cho đến khi trên giường đi ngủ, họ chẳng cần quan tâm đến các báo làm gì, thứ họ cần là thông tin và phải được tìm thấy theo cách tiện lợi nhất, đó là thiết bị tiện dụng nhất luôn gắn bên người.

Do vậy, báo di động là một thị trường tiềm năng nhưng chúng ta chưa biết tận dụng khiến nó phát triển rất chậm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần nằm ở vấn đề công nghệ. Cơ chế hoạt động và bản thân đội ngũ người làm báo cũng là những rào cản của báo di động. Trong nhà trường và rất ít cơ quan báo chí đào tạo đội ngũ biết làm báo cho di động, người ta vẫn làm báo cho mobile theo kiểu lấy từ báo online, như thế là sai về mặt quy trình, chưa kể là nguồn vào cho báo di động phải khác. Có thể thấy lý do khiến báo di động chưa hấp dẫn được công chúng là cách thức truyền truyền thông của nó chưa có sự đột phá, nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn báo mạng điện tử mặc dù báo di động mới là tờ báo phù hợp với hành vi tiếp nhận thông tin trên điện thoại di động. Vấn đề làm thế nào để phát triển báo di động và thu hút công chúng đến với kênh thông tin mới này.

Người dùng điện thoại di động truy cập nhiều lần trong ngày, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày từ khi họ thức dậy buổi sáng cho đến khi trên giường đi ngủ, họ chẳng cần quan tâm đến các báo làm gì, thứ họ cần là thông tin và phải được tìm thấy theo cách tiện lợi nhất, đó là thiết bị tiện dụng nhất luôn gắn bên người.

Để phát triển được báo chí trên nền tảng thiết bị di động trước tiên là phải đào tạo đội ngũ làm báo di động. Người làm báo phải thay đổi tư duy và phong cách làm báo. Đa số các cơ quan báo chí trên thế giới được xem là những doanh nghiệp và họ làm báo là để phục vụ cho khách hàng, cho người tiêu thụ tin tức. Các cơ quan báo chí, đội ngũ làm báo nói chung và báo di động nói riêng ở nước ta cũng cần đặt mình vào vị trí tương tự để hiểu được khách hàng, phục vụ tốt cho khách hàng - công chúng của mình.

Đào tạo nhà báo mobile ở nước ta hiện nay

Việc đào tạo người làm báo chuyên nghiệp ở nước ta thực sự được quan tâm từ sau Cách mạng tháng 8/1945 với lớp báo chí mang tên Huỳnh Thúc Kháng (khai giảng ngày 4-4-1949). Từ đó đến nay, cùng với những thăng trầm của lịch sử đất nước, sự phát triển các xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông, đào tạo chuyên ngành báo chí và truyền thông cũng đặt trong quá trình hoàn thiện chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng dạy. Đến nay chúng ta có 1 số cơ sở tạo báo chí như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có hơn nửa thế kỷ đào tạo cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ;  Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông  Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đào tạo các hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ; Khoa Báo chí - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Huế, Đại học Văn hoá… đào tạo cử nhân báo chí. Mỗi năm có hàng ngàn cử nhân báo chí các hệ chính quy, tại chức, văn bằng 2, sau đại học tốt nghiệp từ những cơ sở đào tạo này.

Ngoài ra, đào tạo chuyên ngành báo chí ở nước ta hiện cũng được triển khai ở nhiều cơ sở khác như: các trường cao đẳng, trung cấp phát thanh - truyền hình địa phương hoặc trực thuộc VTV hay VOV cũng đào tạo cán bộ, phóng viên, kỹ thuật... có trình độ cao đẳng và trung cấp; hoặc bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cho địa phương. Một số cơ quan báo chí lớn (VTV,VOV, TTXVN, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản...) hiện nay cũng đang rất tích cực trong việc hợp tác (trong nước và quốc tế) thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ người làm báo, nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng làm báo hiện đại cho phóng viên nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại chúng.

Phải khẳng định rằng, trong sự phát triển nhanh chóng, đổi mới mạnh mẽ của báo chí nước ta có phần đóng góp quan trọng và hiệu quả của công tác đào tạo. Cũng từ đó mà ngành học báo chí truyền thông gần đây được xã hội đánh giá khá cao, nằm trong top những ngành nghề hấp dẫn mà nhiều học sinh đã lựa chọn khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Tuy nhiên, công tác đào tạo báo chí mặc dù đã và đang đạt được một số thành tựu, song nhìn chung chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đúng và đủ đối với yêu cầu của thực tế. Nhìn chung việc giảng dạy báo chí trong nhà trường vẫn mang tính hàn lâm, trong khi thực tiễn báo chí trong nước và thế giới phát triển rất nhanh, năng động và mạnh mẽ. Nhiều lĩnh vực mới xuất hiện trong thực tiễn, nhưng đào tạo báo chí ở ta chưa bắt kịp, dẫn đến lạc hậu hoặc các cơ quan báo chí sử dụng nhân lực từ nguồn đào tạo khác.

Do vậy, việc đào tạo nhà báo mobile ở Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết. Việc đào tạo ở các cơ quan báo chí cần được phát huy, song việc đào tạo nhà báo một cách bài bản, căn cơ ở bậc đại học cũng cần được quan tâm một cách thích đáng.  

"Chúng ta không còn sống trong một thế giới mobile - first (ưu tiên thiết bị di động) nữa, chúng ta đang ở trong thế giới mobile - only (chỉ dành cho thiết bị di động)
Larry Page – người sáng lập đồng thời là CEO của Google

Khi còn ở trường đại học, để trở thành nhà báo đa kỹ năng, các sinh viên báo chí cần phải được trang bị các kỹ năng về công nghệ thông tin dành cho các nhà báo. Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa môn học "Kỹ thuật công nghệ và truyền thông số" giảng dạy cho sinh viên báo chí. Môn học này do các giảng viên thông thạo về kỹ thuật hướng dẫn về phần mềm để trích băng âm thanh, hình ảnh, dựng chương trình phát thanh và truyền hình; xây dựng Maket cho 1 trang báo in, hay giao diện một trang Web và kỹ thuật đẩy bài lên mạng Intrenet. Sinh viên được thực hành tác phẩm trong studio phát thanh, trường quay ảo truyền hình, phòng Lab rửa ảnh, phòng học báo mạng… Một số môn học khác hướng dẫn cách xử lý thông tin trên điện thoại di động, đặc biệt là các phần mềm audio, video trên điện thoại di động để có thể thu âm, quay và biên tập một tác phẩm báo chí ngắn rất tiện lợi .

Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện kĩ thuật trong cơ sở đào tạo còn hạn chế, trong khi công nghệ, thiết bị đang thay đổi từng ngày. Người học không thể không học sâu các thao tác kĩ thuật vì đó là đặc trưng của báo mobile. Sự tích hợp các phương tiện, các loại hình báo chí đang làm nên sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của báo di động. Do đó, quá trình đào tạo phải gắn giữa kỹ năng làm báo với khả năng sử dụng phương tiện kĩ thuật; vai trò của tác nghiệp thực tế, lăn lộn thực tế làm nghề được đề cao hàng đầu trong đào tạo…  Các cơ sở đào tạo cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tương xứng ở mức cao nhất, đồng thời tận dụng các nguồn lực xã hội hoá, khả năng liên kết với các cơ quan báo chí, truyền thông để bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhóm nhà báo này.

Đào tạo "nhà báo Mobile" theo kịp thời đại số hóa - Ảnh 2.

Tác nghiệp trên thiết bị điện thoại di động là kỹ năng phải có của nhà báo. Ảnh Page HVBC&TT

Trong tòa soạn hiện đại không chỉ cần những nhà báo giỏi, mà còn cần đến những người có trình độ công nghệ thông tin tốt, có kỹ năng về truyền thông, quản lý dự án, quan hệ công chúng, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề độc quyền trong thông tin đang thay đổi. Với sự xuất hiện của các trang mạng xã hội, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể tham gia vào quá trình chia sẻ thông tin. Người dân với điện thoại thông minh đang làm thay công việc của các nhà báo, đưa thông tin nhanh và đa dạng hơn các nhà báo. Người dân đọc báo, xem truyền hình, phát thanh bằng điện thoại di động. Bên cạnh đó, thông tin báo chí được người dân phản hồi rất mạnh mẽ và tức thì nên có nhiều ý kiến khác nhau về tính chuẩn mực của thông tin. Báo chí đang mất dần tính trách nhiệm của mình, thậm chí vượt ra khỏi các chuẩn mực đạo đức để nhằm đạt tốc độ thông tin tối đa. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo phải giúp các nhà báo chuyên nghiệp thích ứng được với sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ.

Thách thức đặt ra đối với báo chí trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ là công nghệ số ra đời đã làm thay đổi thói quen của bạn đọc, thay đổi cách tiếp nhận thông tin, do đó cũng sẽ thay đổi cách phát tán thông tin. Không còn sự cách biệt về địa lý, các cơ quan báo chí không phải trăn trở về số lượng và địa bàn phát hành mà có thể mở rộng tiếp cận toàn cầu.

Trong môi trường truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần khẳng định vị trí của báo mobile và chú trọng đào tạo người tạo nên loại hình báo chí này hơn là việc "loay hoay" tìm kiếm chiến lược hoàn hảo cho nó.

Với sự thay đổi ấy, để có được nhà báo thích ứng, cần mở rộng các loại hình đào tạo, đào tạo gắn với thực tế, đào tạo tại chỗ. Việc khuôn các chương trình đạo tạo trong lớp học chính thống đã không còn thật phù hợp với đối tượng và loại hình nghề nghiệp năng động này. Cho nên, nói đến đào tạo nhà báo mobile nhất thiết phải đề cập đến đào tạo cả ở trong nhà trường chính quy, cả đào tạo ngay tại các cơ quan báo chí, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày và cần được đạo tạo lại hằng năm mới có thể nắm bắt sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và đáp ứng được yêu cầu mới.  Cần tận dụng mọi cơ hội hợp tác, nhất là với các cơ sở đào tạo truyền thông tên tuổi để phát huy lợi thế về công nghê, kinh nghiệm và môi trường truyền thông chuyên nghiệp.  

Để đào tạo nhà báo mobile, đòi hỏi cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo người làm báo. Đào tạo báo chí cần có sự cải tiến, đổi mới để phù hợp với xu thế truyền thông đa phương tiện. Trong môi trường truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần khẳng định vị trí của báo mobile và chú trọng đào tạo người tạo nên loại hình báo chí này hơn là việc "loay hoay" tìm kiếm chiến lược hoàn hảo cho nó, bởi vì càng khẳng định vị trí và thúc đẩy sự phát triển trên thị trường càng hiệu quả hơn là đứng yên một chỗ để "nghe ngóng" "xem xét".