Đạo đức của nhà báo trong giám sát, phản biện xã hội

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang (AJC)
12:52 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thông tin và giám sát, phản biện xã hội là hai chức năng quan trọng của báo chí, cũng là hai mặt của vấn đề, luôn đi đôi với nhau. Thời gian qua, báo chí đã có nhiều thành tựu, đóng góp cho xã hội khi thực hiện các chức năng này, nhưng trên thực tế cũng còn những tồn tại, hạn chế.

Đạo đức của nhà báo trong giám sát, phản biện xã hội - Ảnh 1.

PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang (ngoài cùng bên trái) tại Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh hiện nay", diễn ra ngày 16/6/2022. Ảnh: Mai Nghiêm

Nhận thức chung về chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí

"Giám sát là theo dõi, kiểm tra xem có thực hiện đúng quy định không"(1); "là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để bắt buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, đúng quy chế nhằm giới hạn quyền lực, đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ nghiêm minh". (2) 

Nói cách khác, giám sát là hoạt động của một chủ thể được biểu hiện thông qua quá trình theo dõi để đưa ra những phân tích nhận định về hành vi, việc làm của đối tượng bị giám sát xem có đúng với chủ thể quyền lực đặt ra hay không, từ đó sẽ có những tác động nhằm điều chỉnh đối tượng thực hiện đúng yêu cầu, quy định của chủ thể quyền lực.

Theo đó, hoạt động giám sát có hai loại chủ thể, đó là: Hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và hoạt động giám sát của chủ thể xã hội (ngoài nhà nước). Các chủ thể giám sát ngoài nhà nước bao gồm: Đảng chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, công dân. Như vậy, giám sát xã hội được hiểu là hoạt động có ý thức của con người (chủ thể) vào khách thể quản lý nhằm bảo đảm cho hoạt động có hiệu quả và đạt được mục đích đề ra. 

Nó "có thể là quá trình giám sát lẫn nhau giữa cộng đồng với các tổ chức, thiết chế xã hội, với các công chức, viên chức trong bộ máy công quyền; giám sát từ nhiều góc độ, đảm bảo một cách công bằng, bình đẳng và có ý nghĩa xã hội, đảm bảo cân bằng và công bằng trước pháp luật",(3)là việc theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện ra những tiêu cực, sai phạm trái pháp luật để ngăn chặn kịp thời, đồng thời động viên khuyến khích kịp thời những yếu tố tích cực, tổ chức, cá nhân điển hình nhằm nhân rộng mô hình tiên tiến, hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 

Theo đó, hoạt động giám sát xã hội của báo chí chính là việc theo dõi quá trình thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời sớm phát hiện những sai sót, khuyết điểm cần thiết phải kiến tạo, bổ sung khi vận dụng chính sách vào thực tiễn cuộc sống, qua đó nâng cao chất lượng và khả năng điều hành của bộ máy nhà nước.

Nếu giám sát xã hội là căn cứ, là tiền đề thì phản biện xã hội chính là kết quả được đánh giá thông qua quá trình giám sát xã hội. "Phản biện xã hội là quá trình xem xét, phân tích, lập luận để đi đến nhận thức chân lý, tức là nhằm phân định sự đúng - sai một vấn đề nào đó; phản biện xã hội nhằm làm cho các quyết sách của các cơ quan công quyền đáp ứng được lợi ích chung của cộng đồng xã hội; mục đích của phản biện xã hội là hướng đến đề xuất, tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, quyết định chủ trương, chính sách, đề án có sự hợp pháp và hợp lý tối đa".(5) 

Theo đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của báo chí không chỉ để phát hiện những việc làm đúng, sai của các tổ chức, cá nhân mà còn giúp khơi nguồn, định hướng dư luận tích cực, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội là tham gia đề xuất ý kiến nhằm giúp cho các cá nhân có thẩm quyền, cơ quan công quyền, tổ chức nhà nước có thêm những cơ sở thực tế để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

Một số nguyên tắc đạo đức của nhà báo khi giám sát và phản biện xã hội

Tuỳ theo trình độ nhận thức của công chúng, điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội, truyền thống văn hoá… mà các nguyên tắc đạo đức của nhà báo ở mỗi quốc gia có những điều chỉnh cho phù hợp, nhưng nhìn chung khi giám sát và phản biện xã hội, báo chí cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức sau:

Một là, tôn trọng sự thật, đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, công bằng và nhân văn trong thông tin là những nguyên tắc hàng đầu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Báo chí muốn thuyết phục công chúng thì phải mang tính chân thực cao, cán bộ báo chí "viết phải thiết thực, "nói có sách, mách có chứng"(7); Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng yêu cầu rõ, báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. 

Nhìn thẳng vào sự thật để giám sát và phản biện xã hội, thông tin một cách đầy đủ cả mặt thành công cũng như hạn chế của sự vật, sự việc, nhưng phải phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, xác định lý tưởng làm báo là vì đất nước, vì dân tộc và đại đa số nhân dân"(9) là yêu cầu cần thiết, quan trọng trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói riêng.

Hai là, thông tin báo chí nói chung, thông tin giám sát và phản biện xã hội của báo chí nói riêng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tính công khai là một biểu hiện của quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận trên các phương tiên đại chúng, và cũng là biểu hiện cho nền dân chủ của báo chí của một quốc gia. 

Nhà báo tự do phản ánh sự thật khách quan, tự do phát biểu quan điểm ý kiến của mình theo đúng bản chất vấn đề để hướng dẫn dư luận, tạo diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận. Nhưng tự do báo chí không được trái với lợi ích quốc gia, dân tộc; không được lấy lý do tự do báo chí làm cái cớ để vin vào làm lộ bí mật quốc gia; không thông tin những vấn đề sai trái chưa hoặc không đúng sự thật dễ gây hiểu lầm cho công chúng làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng; không thông tin những vấn đề nhạy cảm có thể sẽ tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch phản động có cơ hội phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước nhà… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Người thường ai cũng có cái ví để đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm có khoá để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy, giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất, còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, đoàn thể".(8)

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giữ nhà phải cẩn thận như vậy, giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất, còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, đoàn thể

Ba là, nhà báo phải dũng cảm trước những khó khăn, thách thức và nguy hiểm có thể xảy ra đổi với bản thân, dũng cảm theo đuổi sự công bằng, chiến đấu để bảo vệ sự thật, chống lại bất công trong xã hội, không được để những lợi ích vật chất mà bẻ hoặc uốn cong ngòi bút. "Báo chí ta không phải chỉ cho số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tính chiến đấu".(10)

Bốn là, khi giám sát và phản biện xã hội, báo chí luôn phải hướng tới điều tích cực, nhân văn trong cuộc sống, kể cả khi phản ánh cái tiêu cực, cái xấu. Nhà báo phải tôn trọng quyền không cung cấp thông tin, hoặc trả lời câu hỏi của các cá nhân và chống lại những điều phỉ báng, nói xấu, làm hại danh dự của người khác Nhà báo không được có thái độ căm ghét, thành kiến và phân biệt đối xử cũng như truyền bá sự phỉ báng, kích động, xúi giục hận thù, bất bình đẳng hoặc cố ý hủy hoại danh tiếng của bất kỳ cá nhân nào vì sự khác nhau về nguồn gốc, quốc tịch, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin, văn hóa, tuổi tác, giới tính, phong cách sống, khuynh hướng tình dục, trạng thái thể chất và tinh thần, tầng lớp, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế hoặc nghề nghiệp. Đặc biệt, báo chí phải tôn trọng sự riêng tư và quyền được bảo vệ của trẻ em, trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương.

Năm là, bảo vệ giá trị và tính liêm chính của nghề báo. Trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội, điều trước tiên nhà báo phải nghĩ đến là lợi ích của công chúng, nhân dân, tổ quốc và danh dự của nghề báo. Phản biện không có nghĩa là nhà báo không thấu hiểu các chính sách chung của đất nước, những chính sách có liên quan đến nghề báo, hay tuân thủ pháp luật. Nhưng nhà báo nhận thức được những công việc phù hợp với phẩm giá, niềm tin nghề nghiệp của mình, và cam kết đấu tranh bảo vệ những giá trị cao cả của nghề báo. Minh bạch trong các quan hệ tài chính là yếu tố cơ bản tạo niềm tin, uy tín và lương tâm nghề nghiệp của nhà báo. Vì vậy, nhà báo không được trực tiếp hay gián tiếp nhận bất kỳ vật phẩm, tiền thưởng, quà tặng hay các ưu đãi (chức vụ, địa vị, các dịch vụ khác…) nhằm mục đích công bố, bóp méo hay che giấu tin tức. Nhà báo không được sử dụng địa vị nghề nghiệp của mình để mưu cầu những lợi ích cá nhân.

Vài nét về thực trạng đạo đức nhà báo trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí

Trong những năm qua, báo chí nước ta đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực với vai trò là chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ. Đa phần các sự kiện, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo được áp lực cũng như cơ hội cho các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn các hành vi sai trái, giữ gìn trật tự, ổn định xã hội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. 

Không ít văn bản, chính sách của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương còn thiếu tính thực tiễn nên ngay từ lúc trình dự thảo hoặc vừa ra đời đã phải hủy bỏ hoặc thay đổi do có sự tham gia phản biện của báo chí, như: Quy định ngực lép thì không lái xe, quy định về bà mẹ Việt Nam Anh hùng được cộng điểm thi đại học, quy định bỏ môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là môn học bắt buộc... Nhiều bài báo không chỉ đơn thuần là thông tin các vấn đề tiêu cực trong xã hội mà còn thể hiện rõ ý thức xã hội, trách nhiệm đạo đức của nhà báo đối với những gì xảy ra trong thực tiễn đời sống xã hội.

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không ít vụ việc tiêu cực được báo chí phát hiện và đưa ra ánh sáng, không ít cán bộ suy thoái bị xử lý, loại bỏ nhờ vào sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng. Đồng hành với cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí luôn thể hiện vai trò tích cực, quan trọng của mình để "góp lửa" loại bỏ những cán bộ "nhúng chàm". Bằng những tác phẩm báo chí mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, đề tài phong phú, các nhà báo không chỉ phê phán, phanh phui mà còn "chỉ mặt đặt tên" từng đối tượng, sự việc cụ thể, trở thành những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc.

Bên cạnh đấu tranh, phản biện những tiêu cực trong xã hội, báo chí kịp thời phát hiện, khuyến khích, động viên các cá nhân, tổ chức điển hình, có nhiều cống hiến trong công việc và xã hội, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam, phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Hình ảnh cô giáo cõng học sinh qua suối; một kiều bào ở Đức canh cánh trong tâm trở về tri ân đồng đội, góp sức làm giàu cho Tổ quốc; những "mẹ Phụng" hết lòng dành tình thương cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ; ông chủ tịch có duyên với người nghèo hay gia đình 3 thế hệ tự nguyện chăm nom nghĩa trang liệt sĩ… xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục riêng như: Báo Nhân Dân có chuyên mục Người tốt, việc tốt; Báo Lao Động có chuyên mục Bình dị mà cao quý, Thông tấn xã Việt Nam có mục tin Người tốt việc tốt, Đài Tiếng nói Việt Nam có chuyên mục Những bông hoa đẹp,… những chuyên mục này đảm bảo tính liên tục trong các bài viết mang nội dung nêu gương người tốt, việc tốt góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực tiễn đã chứng minh, hoạt động báo chí của nước ta ngày càng phát huy hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội. Song, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện "những con sâu làm rầu nồi canh", nhà báo thiếu nhân văn, bị tha hóa, biến chất, bẻ cong ngòi bút, bị đồng tiền cám dỗ, thậm chí trở thành những đối tượng phản cách mạng. Mặc dù những hiện tượng kể trên không phải đa số, song hậu quả của những việc làm đó lại rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà báo chân chính đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận phòng chống tiêu, tham nhũng; gây nhức nhối trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng, nhân dân vào tính chiến đấu của báo chí. 

Tiêu biểu là các biểu hiện sau: 

Hiện tượng cố tình "tô hồng" hoặc "bôi đen" gây hại cho cá nhân, tập thể, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp nhà báo cố tình bóp méo thông tin, đưa thông tin sai lệch để vụ lợi cá nhân, lợi dụng việc chống tiêu cực để tiêu cực, hoặc phục vụ cho những "nhóm lợi ích" nào đó trong xã hội. Không chỉ thiếu cẩn trọng, mà còn có cả yếu tố hám lợi, vì sự nổi tiếng của bản thân mà đưa thông tin bất chấp hậu quả, gây hại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Theo các báo cáo gần đây cho thấy, tình trạng một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính có dấu hiệu gia tăng, nhiều cá nhân, đơn vị doanh nghiệp phản ánh họ rất ngại nhà báo, ngại hành vi vòi vĩnh, câu móc quảng cáo, thậm chí sử dụng nhiều chiêu trò, nếu không được đáp ứng theo yêu cầu. Chính việc làm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người làm báo, của tờ báo và báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhà báo…

Hiện tượng vô cảm, thiếu nhân văn khi phản biện xã hội, ngay cả đối với trẻ em, trẻ vị thành niên và những người yếu thế. Nhiều nhà báo chú tâm quá mức vào những góc khuất, góc tối của đời sống xã hội, lựa chọn những sự việc, chi tiết khoét sâu nỗi đau, bất hạnh của con người bằng những ngôn từ, giọng điệu dửng dưng, vô cảm, thi nhau đưa những thông tin giật gân, câu khách, kích thích bạo lực, dâm ô, làm lệch lạc giá trị thực của cuộc sống. 

Nhiều nhà báo thản nhiên khai thác, xâm phạm đời tư cá nhân một cách quá mức làm ảnh hưởng cuộc sống, danh dự, nhân phẩm, tổn thương nhiều người... trong đó có trẻ em, trẻ vị thành niên và những người yếu thế mà quên đi trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân và hướng tới sự phát triển tích cực của mỗi cá nhân, xã hội. 

Tình trạng "bới móc" đời tư của các bị can, bị cáo, nghi can, nghi phạm, đặc biệt là những người thân của họ trên báo chí đang ngày càng phổ biến, đáng báo động. Điều độc hại của hiện tượng này là báo chí làm ra và cung cấp những sản phẩm "dưới văn hoá", tạo ra một bộ phận công chúng có nhận thức "dưới văn hoá" và một nền văn hoá "dưới văn hoá". 

Hiện tượng vi phạm nguyên tắc "suy đoán vô tội" của báo chí khi phản biện xã hội. Công chúng không khó bắt gặp những cụm từ như "hung thủ", "hung thủ giết nguời", "sát thủ", "kẻ giết nguời", "kẻ thủ ác", "kẻ thủ ác", "gã đồ tể", "kẻ lừa đảo"… mà tác giả bài báo dùng chỉ nghi phạm, bị can, bị cáo của vụ án nào đó. Thay vì chờ tòa án xét xử, luận tội và kết án, một số nhà báo "hồn nhiên" suy diễn, kết tội, áp đặt bản án cho nghi phạm và đưa ra những kết luận chắc như "đinh đóng cột" là án tử hình, chung thân hay bao nhiêu năm tù.

Trong việc này, với việc nhân danh giám sát và phản biện xã hội, báo chí đã vi phạm tính khách quan, chân thật, gây cản trở quá trình phá án.

Hiện tượng quay lưng trước sự thật, dùng chiêu sách "im lặng là thượng sách"; hoặc nể nang, né tránh những sai phạm, sai sót, đặc biệt của nghề mình, của đồng nghiệp và của bản thân mình. Đây là hiện tượng nhà báo đóng bút trước những bức xúc của cuộc sống, bất chấp lợi ích chung của cộng đồng nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân. Họ tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm trước các vấn đề nóng hổi của cuộc sống, của ngành mình, quay lưng không dám viết, không dám trung thực, dũng cảm đấu tranh, đưa thông tin đó ra công luận. Có thể vì những mối quan hệ cá nhân, vì lợi ích của bản thân, vì sự áp đặt nào đó mà họ không dám lên tiếng. 

Trong khi xã hội đang rất cần báo chí phải xung kích, phải tiên phong thì những nhà báo này lại không dám nói những điều cần nói, không dám bảo vệ những điều cần bảo vệ.

Hiện nay, không hiếm nhà báo, tờ báo rơi vào tình trạng này. Họ xem việc viết lên sự thật, chống tiêu cực là công việc của người khác, không dính dáng đến mình nên có thái độ bàng quan. Một số cơ quan báo chí còn lấy câu thơ "Nhắm mắt, quay lưng, chào sự thật!" làm phương châm sống và hành động nên gác kiếm, né tránh, hoặc theo đuổi những đề tài vô thưởng, vô phạt để tránh những phiền hà, bớt va chạm, liên lụy. 

Có nhà báo trong lúc "trà dư tửu hậu" còn thẳng thừng tuyên bố là viết như thế mới an toàn, chả dại gì mà đâm đầu vào mấy chuyện tiêu cực. Họ lao vào viết bài ca ngợi một chiều, phản ánh tình hình chung chung, thông tin vô bổ, không cần thiết. Vì vậy, thông tin do các nhà báo này viết ra thiếu hẳn sự định hướng dư luận, không đủ sức để chi phối, đẩy lùi tiêu cực. Điều này khiến cho sức mạnh "đâm mấy thằng gian" của ngòi bút dần bị mài mòn.

Với nhà báo, tự phê bình và phê bình là tinh thần dũng cảm dám nói, dám viết về ưu điểm và khuyết điểm của người khác, dám nêu ưu điểm và nhận khuyết điểm của chính mình. Đây là hai mặt của vấn đề, phải luôn đi đôi với nhau. Muốn làm tốt công tác phê bình thì trước hết phải làm tốt công tác tự phê bình. Tuy không có chế tài bắt buộc nhà báo khi biết những việc có hại cho đời sống xã hội, cho nghề nghiệp thì phải đấu tranh, phê phán nhưng đạo đức nghề nghiệp thôi thúc nhà báo phải cầm bút. 

Đối với luật pháp, nhà báo đó có thể vô tội nhưng anh ta đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bởi nghề nghiệp buộc nhà báo không thể làm ngơ trước cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, cũng không thể im lặng trước cái tích cực, tiến bộ. Nếu nhà báo biết cái tốt mà im lặng, bỏ qua không biểu dương; biết cái ác mà bỏ qua không lên án, không góp ý, chấn chỉnh, tố cáo ngay để đến khi lỗi đó trở thành sai phạm, trở thành tội ác là nhà báo có tội với bạn đọc, với nhân dân.

Hiện tượng "nhà báo hai mặt" trong báo chí. Đó là tình trạng "tiền hậu bất nhất" giữa nói và làm, giữa sáng tạo tác phẩm báo chí với phát ngôn trên mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội của không ít nhà báo.

Họ viết bài, sản xuất chương trình cho báo chí thì viết đúng, nói đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích, đúng với đường lối, chủ chương, chính sách nhưng khi tham gia ở các diễn đàn khác, đặc biệt trên mạng xã hội thì lại viết sai, nói sai, thậm chí là đi ngược lại. Điều nguy hại là, không phải công dân, công chúng nào cũng đủ bản lĩnh, hiểu biết để phân biệt đâu là báo chí, đâu là mạng xã hội, nên dễ bị nhầm lẫn, đánh đồng… 

Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chia sẻ, tạo thành các ý kiến, quan điểm thu hút dư luận xã hội, gây điểm nóng, chú ý của xã hội… Không loại trừ, chúng móc nối, lôi kéo, mua chuộc khiến một số nhà báo thiếu bản lĩnh, mơ hồ, ảo tưởng về chính trị trở thành "đồng bọn", con rối để chúng điều khiển. Đặc biệt, trước những sự kiện trọng đại của đất nước, hiện tượng này có chiều hướng gia tăng!

Một số gợi ý nhằm phát huy vai trò đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của báo chí

Đối với cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí: Tiếp tục xem xét, hoàn thiện, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản pháp lý để ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn trong thực tiễn hội nhập quốc tế của đời sống báo chí hiện đại; tạo cơ chế pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cơ quan báo chí và nhà báo, giúp họ giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; đồng thời, xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm, hoặc cơ quan báo chí dung túng cho những hoạt động vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Đối với các cơ quan báo chí: Cần tăng cường và thường xuyên tiến hành công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên với nhiều hình thức mở lớp, các khóa bồi dưỡng, các cuộc thi dành cho những người làm báo để nâng cao đạo đức nghiệp vụ. Đồng thời, chấn chỉnh đạo đức kỷ luật trong công việc, nâng cao vai trò giám sát kiểm tra đối với đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo ngay trong nội bộ cơ quan báo chí. Khi phát hiện có những biểu hiện hoặc hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cần xử lý nghiêm minh, thấu tình, đạt lý, nhằm răn đe, ngăn chặn những trường hợp vi phạm khác có thể xẩy ra. 

Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan báo chí phải là những tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; ban biên tập luôn phải tỉnh táo trong việc lựa chọn và thẩm định chủ đề tư tưởng, phát hiện những sai sót trong câu chữ, nội dung có vấn để trong mỗi tác phẩm để xử lý kịp thời. Cần quan tâm đến công tác phản hồi của bạn đọc thông qua các kênh dành cho bạn đọc hay đường dây nóng nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng. Từ đây có thể nắm bắt thông tin về nhà báo trong quá trình tác nghiệp được công chúng phản hồi, thông qua đó có thể ngăn chăn kịp thời những hành vi xấu, tiêu cực của đội ngũ phóng viên.

Đối với nhà báo, năng lực chuyên môn là điều không thể thiếu trong hoạt động nghiệp vụ. Để năng lực chuyên môn nhà báo cần không ngừng học tập nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng của người làm báo. Đặc biệt, trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đạo đức nhà báo đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn hướng đi của tác phẩm. Một nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy. Đây cũng là những thuận lợi giúp cho họ có thêm động lực để nhà báo hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình. Do đó, để nhà báo vững tâm, vững tin trong quá trình tác nghiệp, góp phần phụng sự vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhà báo cần xác định rõ mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ chính trị của mình trong hoạt động tác nghiệp: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì và viết như thế nào? Có như vậy, tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho công chúng, xã hội.

Trách nhiệm của nhà báo là bảo vệ sự thật, chân lý. Nhưng đi cùng với trách nhiệm ấy là trách nhiệm của con người trước số phận của những con người khác. Nhà báo nên biết khai thác như thế nào và dừng lại ở đâu. Đằng sau mỗi nhân vật là gia đình, người thân, bạn bè, sự nghiệp… Số phận của họ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hay xấu khi tác phẩm của nhà báo được công bố. Sự vô tình, vô cảm, thiếu trách nhiệm, cẩu thả… của nhà báo có thể tạo nên những định kiến dẫn đến hủy hoại nhân vật. Trước khi thực hiện thiên chức, mỗi nhà báo phải biết yêu thương, trân trọng, thông cảm với nhân vật, số phận của những con người trong chính các tác phẩm của mình.

Trách nhiệm của nhà báo là bảo vệ sự thật, chân lý. Nhưng đi cùng với trách nhiệm ấy là trách nhiệm của con người trước số phận của những con người khác. Nhà báo nên biết khai thác như thế nào và dừng lại ở đâu.
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang

----

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) GS, Hoàng Phê (2016), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục Hồng Đức, Hà Nội, trang 491. 

(2), (5) Nguyễn Quang Vinh (2020), Vai trò của báo in trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Công an nhân dân, trang 7, trang 15-16. 

(3) Nguyễn Văn Dững (2017), Báo chí giám sát và phản biện xã hội, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, Hà Nội, trang 98.

(4) Nguyễn Lân (2000), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, trang 967 – 968.

(6), (9) Nguyễn Thị Trường Giang (2014), 100 bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 21 – 48.

(7) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 7, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 120

(8), (10) Tạ Ngọc Tấn (2004), Hồ Chí Minh về báo chí, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 210.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.