Boerries Gallasch - từ học sinh trung bình trở thành nhà báo quốc tế nổi tiếng
Boerries Gallasch là nhà báo nước ngoài duy nhất đã chứng kiến những giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Boerries Gallasch (tên đầy đủ là Paul Adolf Gero Boerries Gallasch) sinh ngày 24/2/1944, là con ông Eberhard Gallasch và bà Irmgard.
Ông là con thứ ba trong gia đình theo đạo Tin lành có 5 người con và là con trai thứ hai trong số ba người con trai. Cả cha và mẹ ông đều xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề gác rừng.
Boerries bắt đầu đi học ở Nienburg trên sông Weser vào lễ Phục sinh năm 1950, sau đó đã nhiều lần chuyển trường học do gia đình chuyển nơi ở.
Phiếu điểm ở Trường trung học Cusanus Wittlich cho thấy ông chỉ là học sinh trung bình: Tôn giáo OK, tiếng Đức rất tốt, tiếng Latinh kém, tiếng Pháp kém, tiếng Anh kém, Lịch sử OK, Nghiên cứu xã hội tốt, Địa lý OK, Toán học OK, Vật lý OK, Sinh học OK, Hóa học OK, Nghệ thuật OK, Âm nhạc OK.
Đầu năm 1964, ông thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong Lực lượng Không quân cho đến ngày 30/6/1965. Trong thời gian này, ông hai lần bị kỷ luật do uống rượu trong doanh trại và đọc sách trong phiên gác.
Sau khi tốt nghiệp trung học và trước khi bắt đầu nghĩa vụ quân sự, Boerries đã từng làm phóng viên địa phương cho tờ Rhein-Zeitung ở Bernkastel. Trong thời gian phục vụ quân đội, ông cũng làm nhà báo tự do cho Neuburger Rundschau ở Neuburg trên sông Donau.
Từ mùa thu năm 1965 đến năm 1966, Boerries theo học ngành Văn học Anh tại Queen Mary's College, Đại học London, nước Anh.
Từ tháng 10/1967, Boerries bắt đầu làm phóng viên tự do và được báo Hamburger Abendblatt thuê làm phóng viên từ ngày 1/5/1970.
Tại toà báo Hamburger Abendblatt có bản đánh giá về ông với tư cách nhà báo tự do, sau đó là thực tập sinh như sau: Boerries đã viết những bản tuờng thuật và tin chính đặc biệt tốt. Ông rất siêng năng và là một trong những nhà báo giỏi nhất. Ông đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ báo chí của mình một cách thuyết phục và xuất sắc.
Từ tháng 5/1970 Boerries làm phóng viên cho Hamburger Abendblatt, nhiều lần được cử đến Chile và các nước Nam Mỹ khác, nơi ông làm việc như một nhà báo tự do cho các ấn phẩm của Đức. Vì Boerries thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha nên ngoại ngữ không phải là vấn đề.
Ngày 11/11/1971, Boerries Gallasch ký hợp đồng với Der Spiegel để làm phóng viên quốc tế với mức lương 2.300 DM/tháng.
Đầu năm 1972, Boerries gặp Alice Huppuch, người Mỹ, đang làm việc bán thời gian tại văn phòng của The New York Times Special Features Agency đặt tại tòa nhà Der Spiegel tại Nhà thờ Trưởng lão ở Shushan, New York. Alice đã đến Hamburg vào tháng 9/1970 theo học bổng từ Trung tâm Bologna của Đại học Johns Hopkins, nơi cô tốt nghiệp vào tháng 6/1970. Cô ở lại Hamburg và vào mùa thu năm 1971 bắt đầu nghiên cứu để lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Hamburg trong các bài tuờng thuật của Đức về Chiến tranh Việt Nam và tác động của nó tới quan điểm của Đức về Hoa Kỳ. Der Spiegel được báo cáo là có kho lưu trữ tốt nhất ở Đức.
Ngày 5/8/1972 Boerries Gallasch kết hôn với Alice Huppuch. Năm 1973, họ sinh con gái Catherine "Clemmy" tại Hamburg và ba năm rưỡi sau, một cậu con trai, Christopher Boerries sinh ra ở London, Anh, khi Boerries là phóng viên của Der Spiegel tại London.
Là phóng viên bộ phận Đối ngoại của Der Spiegel, Boerries đã được cử đến những điểm nóng ở mọi nơi trên thế giới. Ông phỏng vấn các nhà lãnh đạo của IRA, đưa tin cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Allende ở Chile năm 1973 khi bản thân ông cũng bị quân đội hành hung, đưa tin về cuộc đảo chính quân sự ở Lisbon năm 1974 lật đổ chế độ độc tài Estado Novo, v.v.
Điểm nổi bật trong sự nghiệp báo chí của ông là ở Việt Nam. Khi Terziano Terziani, phóng viên Đông Nam Á của Der Spiegel, buộc phải rời Việt Nam vào đầu năm 1975, Boerries được yêu cầu đến Việt Nam, nơi đang trong giai đoạn tàn khốc của cuối cuộc chiến. Sau khi Terziani được trở lại Việt nam vài tuần sau đó, Boerries vẫn ở lại để quan sát những ngày cuối cùng của cuộc chiến và thời điểm bắt đầu thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Sáng ngày 30/4/1975, Boerries nén nỗi sợ hãi, đi đến Phủ Tổng thống. Những chiếc trực thăng cuối cùng của Hoa Kỳ đã rời Sài Gòn. Xe tăng của Mặt trận Giải phóng vẫn chưa đến. Tại dinh, Boerries thấy cổng mở, không có người bảo vệ, ông bước vào. Khi Tổng thống Big Minh, Thủ tướng Mẫu và một số thư ký bước ra từ thang máy, Big Minh đã nói với mọi người: "Thật tốt khi các bạn ở đây. Các bạn sẽ chứng kiến sự chuyển giao số phận của đất nước tôi đến những người xứng đáng hơn tôi". Ngay sau đó, những chiếc xe tăng mang những lá cờ khổng lồ của Mặt trận Giải phóng lao qua cánh cổng sắt tiến về khu vườn dinh.
Là người châu Âu duy nhất, nhà báo duy nhất, Boerries Gallasch chứng kiến Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, bị Quân Giải phóng bắt. Sau đó, với sự giúp đỡ của Chính ủy Bùi Văn Tùng, Boerries đã đi cùng nhóm đến Đài Phát thanh Sài Gòn, nơi Boerries hỗ trợ ghi lại sự đầu hàng của miền Nam Việt Nam trên máy ghi âm Der Spiegel của ông.
Cuốn sách “Ho-Tschi-Minh-Stadt Die Stunde Null" - Nhà xuất bản Rowohlt xuất bản vào tháng 9/1975 và cuốn "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0" - Nhà xuất bản Xưa và Nay - 2010 của tác giả Boerries Gallasch.
Sau khi trở về Hamburg, Boerries đã biên tập một cuốn sách do Nhà xuất bản Rowohlt xuất bản vào tháng 9/1975 có tựa đề "Ho-Tschi-Minh-Stadt Die Stunde Null", trong đó có một số nhà báo nước ngoài đã mô tả trải nghiệm của họ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ba mươi năm ở Việt Nam. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2010 với tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0". Cuốn sách này là bằng chứng trung thực về việc "Ai là người soạn thảo Tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh" vào buổi trưa ngày 30/4/1975 - Đó là Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Quân Giải phóng, Trung tá Bùi Văn Tùng.
Boerries Gallasch qua đời ngày 6/3/1981 lúc 9:30 tối tại Bệnh viện Unversity of Hamburg do bị ung thư.
Tại buổi lễ tưởng nhớ cuộc đời của ông được tổ chức tại Nhà thờ Lutheran ở Othmarschen, một đồng nghiệp và cũng là bạn thân của ông, Hans Hielscher đã phát biểu: "Gallasch trước hết là một chiến binh, một nhà báo hành động. Thực tế là ông ấy đã có mặt khi thế lực lớn nhất thế giới - nước Mỹ - bị đẩy khỏi lục địa Châu Á.
Chính bản năng làm báo đã đưa ông đến Phủ Tổng thống Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4, ngày miền Nam Việt Nam đầu hàng, và chính sự may mắn trong nghề báo chí đã đưa ông đến Đài Phát thanh Sài Gòn để trở thành người nước ngoài duy nhất chứng kiến vį tướng Bắc Việt chiến thắng buộc vị nguyên thủ quốc gia chuyển tiếp là tướng Dương Văn Minh đọc bản diễn văn cuối cùng cho người dân của mình - và được ghi lại trên máy ghi âm Der Spiegel do Gallasch cung cấp...".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google