Nguy kịch bởi sốt mò
Ngày 11.7, Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường, Giám đốc trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thông tin ca bệnh sốt mò điển hình.
Một cụ bà 75 tuổi, ở An Dương, Hải Phòng, chỉ làm vườn ở nhà, tự nhiên sốt, tức ngực, khó thở. Sốt 5 ngày bà mới đến bệnh viện Việt - Tiệp, Hải Phòng khi đã tức ngực, khó thở nặng và vẫn sốt cao. Được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, điều trị 2 ngày không tiến triển nên chuyển bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm hồi sức cấp cứu A9, Bạch Mai chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết nên chuyển Trung tâm hô hấp.
Ở đây, bác sĩ phát hiện một vết loét da vùng bẹn trái, nghi do mò cắn…
Ngày 15.6, sau mổ lấy thai ở Trung tâm y tế huyện Văn Chấn, Yên Bái 5 ngày, sản phụ 19 tuổi, quê Văn Chấn, sốt cao, sốc nhiễm khuẩn, biểu hiện suy thận, nguy kịch. Ở bệnh viện khu vực Nghĩa Lộ, khoa Hồi sức tích cực - chống độc hội chẩn, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do sốt mò, tình trạng nguy kịch. Chỉ định hồi sức, điều trị tích cực bằng thở oxy, kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch nâng huyết áp, chống suy đa tạng, điều chỉnh rối loạn điện giải...
Với phác đồ đúng, điều trị tích cực, người bệnh đỡ sốt, tiếp xúc được, được ngừng thuốc vận mạch, các chức năng cải thiện, chỉ số sinh tồn dần ổn định. Ngày 25.6, bệnh nhân được ra viện...
Sốt mò là gì?
Bệnh sốt mò (sốt bờ bụi, sốt ve mò, sốt rừng - scrub typhus) tuy không nhiều, mỗi năm cả nước chỉ trên dưới chục ca nhưng tử vong đến 30%. Gọi là "sốt mò" nhưng thực chất ấu trùng mò là vật chủ trung gian truyền bệnh, đưa mầm bệnh Rickettsia tsutsugamushi (hay Rickettsia orientalis) từ chuột, một số loài thú nhỏ gặm nhấm hoặc ăn côn trùng (sóc, chồn, nhím, cầy, cáo, thỏ) đôi khi cả chó, gà, chim, bò sát vào người.
Tiếng Nhật "tsutsuga" nghĩa là bệnh, "mushi" là côn trùng, nghĩa là cách gọi này không đúng, nhưng đã quen. Rickettsia được đặt theo tên Nhà vi trùng học người Mỹ, Howard T. Ricketts (1871 - 1910), do ông cùng trợ lý Wilder phát hiện năm 1910. Rickettsia là những vi sinh vật có cấu tạo giống tế bào vi khuẩn. Tuy được xếp vào giới vi khuẩn, nhưng có hệ men không hoàn chỉnh nên buộc phải sống trong tế bào động vật khác (ký sinh nội bào), tồn tại phụ thuộc vào sự phát triển, nhân lên trong tế bào chất của tế bào chủ.
Mò (ve mò, bọ mò, bọ đỏ - Trombiculidae) thường sống ở thung lũng, ven suối, gần nguồn nước - những nơi thấp, râm mát, độ ẩm cao, cây cỏ rậm rạp; ở đồng bằng thường là bãi, vườn hoang nơi nhiều ao hồ, cây cỏ um tùm; ở ven biển là bãi lầy, cỏ cây rậm thi thoảng ngập nước. Những nơi này thường nhiều chuột và mò thường tập trung trong phạm vi đường kính khoảng 3 mét gọi là ổ mò. Chúng có thể phát tán đi xa do nước lũ hoặc khi bám vào vật chủ…
Mò phát triển quanh năm (tháng 4 - 10) nhưng mạnh nhất vào mùa mưa, nóng (tháng 6 - 7). Sau thụ tinh một tuần, mò cái đẻ liên tục trong nhiều tháng, có thể đến 500 trứng trong điều kiện nhiệt độ 23 - 25oC, sau 1 - 3 tuần, trứng nở thành ấu trùng.
Ấu trùng mò có tập tính chọn lọc ký sinh (vật chủ và vị trí) di truyền; thường tìm những chỗ da mềm, ẩm của vật chủ, với chuột thường trong lỗ tai; quanh mắt, vú; với người thường là nách, nếp lằn vú, rốn, bẹn, sinh dục ngoài, vùng hạ vị, hậu môn, cổ, đôi khi trong vành tai, sau tai, mi mắt...
Ấu trùng cắm vòi vào da vật chủ, tiết nước bọt có men làm tan rữa mô, thành một "ống" chứa dịch gồm mô, máu và nước bọt mò. Nó hút dịch này, lại tiết thêm nước bọt vào "ống", phá hủy mô sâu hơn; khi hút no mò rời vật chủ và chỉ chích một lần (hiếm khi 2 - 3 lần). Vết mò đốt ban đầu là nốt sẩn, đường kính khoảng từ 1mm - 6mm; rồi thành bọc nước, xung quanh viêm tấy đỏ, không đau, có khi hơi ngứa, nên người bị mò cắn thường không để ý; biến đổi thành màu đục trên nền sẩn đỏ; sau 4 - 5 ngày vỡ ra để lại vết loét gợi ý chẩn đoán bệnh.
Vết loét mò hình tròn hoặc bầu dục kích thước 1mm - 2 cm, đáy nông, màu hồng nhạt, không có mủ hoặc dịch, bờ mép hồng đỏ hoặc thâm đen, không đau.
Nếu Rickettsia vào người, thời gian ủ bệnh khoảng 6 - 21 ngày (trung bình 10 -12 ngày). Bệnh khởi phát bằng sốt khoảng 38 - 400C, liên tục, kéo dài 15 - 20 ngày có khi tới 27 ngày nếu không điều trị; đôi khi rét run 1 - 2 ngày đầu; đau đầu nặng, đau mỏi khắp người. Xuất hiện cùng sốt (hoặc sau khởi sốt 2 - 3 ngày) là hạch ở vùng da có vết loét hơi sưng, đau, vẫn di động (tự sờ được); hạch vùng khác sưng đau nhẹ hơn (trừ ca nặng).
Khoảng 35 - 70% bệnh nhân mọc ban dạng sẩn da vào cuối tuần 1 đầu tuần 2 sau sốt, khắp người, trừ lòng bàn tay chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần; đôi khi có chấm xuất huyết dưới da (dưới 10%). Tổn thương đa cơ quan (nhiều nhất là phổi, tim, gan...) là bệnh cảnh chủ yếu nên thường tiến triển đến suy đa tạng: suy hô hấp, suy tim do viêm phổi và cơ tim, suy gan, thận, rối loạn đông máu; có thể biến chứng tràn dịch màng phổi, viêm não, màng não…
Không thể xem thường sốt mò
Có nhiều lý do để không được xem thường sốt mò. Đó là bệnh không có xét nghiệm đặc hiệu cho chẩn đoán. Biểu hiện đa dạng: có sốt, phát ban, Rickessia vào máu, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt xuất huyết (Dengue); sởi; sốt phát ban; sốt rét; viêm phổi, viêm cơ tim đơn thuần hoặc nhiễm trùng máu của các bệnh cảnh khác; thương hàn, Leptospirosis (bệnh vàng da do soắn khuẩn từ chuột), Arbovirus (gây viêm não, sốt vàng da, sốt tây sông Nile, Zika, sốt xuất huyết). Khoảng 39% số nhập viện do sốt không rõ căn nguyên là sốt mò.
Vết loét mò với vị trí hơi đặc biệt gợi ý chẩn đoán nhưng có đến gần 32% ca bệnh không có vết loét hoặc không rõ ràng. Sốt mò lưu hành ở Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, từ Nhật Bản sang Pakistan, từ Triều Tiên xuống Bắc Úc.
Việt Nam phát hiện ca sốt mò đầu tiên năm 1915 ở Sài Gòn và 80,5% ca bệnh ở nông thôn, rừng núi. Tháng 6.1965, phát dịch sốt mò ở Sơn La với hàng trăm ca bệnh, do dân vào hang tránh bom; dịch năm 1969 ở Hà Giang có 175 ca bệnh là bộ đội, 2 tử vong. Đã có nhiều ca bệnh không cắt nghĩa được nguyên nhân suy đa phủ tạng hoặc đã sử dụng kháng sinh thế hệ mới mà không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn…
Bác sĩ điều trị thử theo phác đồ sốt mò thì tình trạng bệnh nhân cải thiện nhanh chóng. Các kháng sinh đặc trị với Rickettsia là Tetraxyclin, Doxycylin, Cloramphenicol, nhưng tuyệt đối không được tự điều trị vì sai lầm có thể dẫn đến suy đa tạng rất nguy hiểm.
Chưa có vaccine phòng Rickettsia. Những người đi rừng, làm nông, du lịch, phượt nên đề phòng mò, không vào nơi cây cỏ rậm rạp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google