Mảnh đời xa xứ

Như Lý Đào (từ Liên bang Đức)
18:47 - 19/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đêm Berlin lạnh giá, cái lạnh cuối đông. Trời mưa phùn như mưa xuân ở Việt Nam vậy. Chợt nhớ hôm nay đã là 20 Tết. Không biết lúc này, một mình đi trong đêm lạnh, người đàn bà ấy có nhớ về không khí Tết ở quê nhà và thấy ngậm ngùi với số phận của kẻ xa xứ khi Tết đến xuân sang?

Tối muộn. Tôi đang lúi húi dọn đồ ở phòng trong thì thằng cháu làm cùng ở phòng ngoài gọi với vào:
- Cô ơi, cô có mua bánh dầy thì ra mà mua.
Từ phòng trong đi ra, tôi nhìn thấy một phụ nữ người Việt, già hơn tôi nhiều lắm đang đứng trước quầy bar.
- Bác bán gì đấy ạ? Tôi hỏi.
- Chị bán bánh dầy. 1€ một chiếc. Em có mua không ? Người phụ nữ trả lời.
- Úi Giời. Sáng nay anh xã nhà em vào trong chợ Đồng Xuân mua đủ loại. Nào bánh nếp, bánh dầy kẹp chả, bánh rán… để đầy trên bàn còn chưa ăn hết.
- Thế ở quanh đây còn quán của người Việt nào không em? Chị làm bánh đi bán dạo cho các quán người Việt. Em mua ở chợ Đồng Xuân là người ta để trong tủ lạnh. Nhưng bánh của chị, em cầm mà xem vẫn còn nóng ấm.
Nói rồi chị chạy ra ngoài cửa - chắc có cái xe kéo để đó - rồi cầm vào một túi ni lông nhỏ đưa về phía tôi:
- Thôi, chị còn 5 chiếc. Chị chả đi tiếp nữa. Em mua ủng hộ cho chị đi. Em đưa cho chị 5€ hay 4 € cũng được.
Tôi và thằng cháu vừa mới ăn xong bữa chiều. Nhà vẫn ứ thừa mớ bánh anh chồng mua khi sáng. Thực tình tôi không hề có nhu cầu mua bán gì lúc đêm hôm thế này, nhưng vẫn đưa cho chị 5€ và nhận lấy túi bánh.
Chị cầm tiền và cảm ơn tôi.
- Bác già thế này thì chắc sang đây lâu rồi nhỉ? Thằng cháu hỏi góp chuyện.
- Không, tôi mới sang được 3 năm.
- Xin hỏi bác bao tuổi cho tiện xưng hô ạ ? Tôi hỏi lại.
- Tôi 70 tuổi rồi.
- Thế là chị hơn em 6 tuổi.
- Con mời sang thăm rồi tôi trốn ở lại. Thỉnh thoảng nó cũng nhận được thư của công sở hỏi về mẹ nó nhưng nó trả lời là mẹ tôi trốn tôi đi đâu không biết. Thực ra là tôi có trốn đi đâu đâu.
- Thế hiện tại chị ở với ông nào?
- Tôi ở với con chứ với ai? Tuổi này thì chỉ có ông sáu tấm rước thôi - chị vừa nói vừa cười để lộ nguyên hàng răng giả.
- Chị có được quyền lợi gì không? Chị có nhập trại tị nạn không? Nếu ốm đau thì có bảo hiểm không để chữa trị?
- Làm gì có quyền lợi gì? Sống chui mà. Cũng tài nhé, 3 năm nay tôi chả ốm đau gì sất cả.
- Ở Việt Nam, chị ở đâu?
- Tôi ở Hà Nội, nhà gần chợ Hôm đấy. Tại vì thương con nên tôi trốn ở lại.
- Con chị là trai hay gái? Giờ đang làm việc gì?
- Là con gái. 41 tuổi rồi. Có thằng con trai 7 tuổi với ông Tây. Nhưng ông ấy bị tai nạn chết rồi.
- Khổ. Vậy gia đình bên chồng có chăm sóc cháu bé không?
- Không. Có biết gia đình nhà người ta đâu. Nó đi du lịch rồi trốn ở lại. Được 2 tháng thì gặp ông Tây này rồi có thai. Ông ấy không nhận đứa bé, bảo là mày linh tinh chắc gì là con tao. Cuối cùng phải kiện, thử ADN thì đúng là con ông ấy.Thế là con tôi ăn theo đứa trẻ nên được ở lại. Nhưng ông Tây không lấy nó mà lấy một người Việt Nam khác, được 2 đứa con thì bị tai nạn. Con bé nhà tôi thì bị bệnh trầm cảm. Chẳng đi làm gì. Một tuần xã hội cho tiền ăn một lần. Tài khoản cũng bị thu giữ. Hàng ngày xã hội gọi đi làm, trả cho 2€ một ngày và hàng tuần họ cho tiền ăn. Tôi động viên nó xin việc làm để người ta trả lại cho cái tài khoản mà nó không nghe. Nó còn bảo tôi chỉ sống vì tiền.
- Sao lại thế? Cô ấy làm được công việc mà xã hội bắt làm, ngày trả cho 2 €, thì sao không tự đi tìm việc làm để có tiền nhiều hơn lại không bị phụ thuộc vào ai?
- Thì thế, tôi nói mãi không nghe. Mà lạ là mấy người chơi với nhau cũng thế. Chỉ sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Cuối tuần rủ nhau đi nhà thờ. Tối thì họp nhóm. Có anh khỏe mạnh hẳn hoi cũng thế. Cứ sống bằng tiền của xã hội rồi rủ nhau đàn đúm. Tiền thì chẳng có, lại đi vay tiền bạn để tổ chức sinh nhật. Mời bạn bè đến ăn uống rồi hát hò. Tôi bảo "Mày có bị làm sao không? Ai lại đi vay tiền để làm sinh nhật?",  thì nó bảo kệ con. Những lần như thế tôi đều bỏ nhà đi chỗ khác.
- Con chị làm gì mà tối tối lại họp nhóm?
- Thì đi theo cái đạo gì đó mà về nhà tháo hết cả bàn thờ tổ tiên bỏ đi ấy.
- À, vậy chị làm gì để có tiền mà sống?
- Cứ nghĩ thương nó, bệnh tật nơi đất khách không người thân nên tôi ở lại. Tôi làm cái bánh này. Cũng có học hành trường lớp gì đâu. Ở nhà ăn thấy ngon, dễ làm thì tôi làm để bán. Em ăn thử đi rồi góp ý cho tôi. Yên tâm là tôi làm sạch sẽ lắm.


Tôi lấy một chiếc bánh ra ăn thử. Lớp vỏ bên ngoài làm bằng bột nếp. Nhân bên trong là một viên đậu xanh đã được đồ chín rồi trộn với đường. Thật tình cũng không biết đặt tên cho bánh này gọi là gì? Nếu nặn vuông đem hấp lên thì là cái bánh tôi đang ăn. Còn vo tròn mà thả vào chảo dầu sôi thì là bánh rán.
- Ăn được không em ? Có gì góp ý cho tôi rút kinh nghiệm. Khổ, tôi có học hành gì đâu.
- Vỏ bên ngoài thì mềm dẻo nhưng với em thì nhân bánh ngọt quá chị ạ.
- Thế để tôi điều chỉnh lượng đường. Già rồi, không đứng lâu để vặn bánh được nên chỉ làm ít thôi. Với lại tôi không dám đi lại nhiều sợ bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ nên chỉ đi muộn thôi. Đấy, bán ngày được 15€ thì về nó xin 10€. Tôi bảo thế thì tao cụt cả vốn.
- Sao chị phải cho cô ấy. Chị ngần này tuổi rồi. Cô ấy còn có sức khỏe mà lại không chịu đi làm.
- Dạo này tôi cũng ít cho rồi cô ạ.


Một tốp khách bước vào quán. Thấy thế chị vội chào chúng tôi để ra về vì cũng muộn rồi. Trước khi ra khỏi cửa chị cảm ơn tôi lần nữa. Tôi ái ngại bóng nhìn chị thấp thoáng dưới ánh đèn đường. Đường về còn xa mà chị ấy đi đêm một mình. 
Đêm Berlin lạnh giá, cái lạnh cuối đông. Trời mưa phùn như mưa xuân ở Việt Nam vậy. Chợt nhớ hôm nay đã là 20 Tết. Không biết lúc này, một mình đi trong đêm lạnh, người đàn bà ấy có nhớ về không khí Tết ở quê nhà và thấy ngậm ngùi với số phận của kẻ xa xứ khi Tết đến xuân sang?