Nghiên cứu tăng phí sử dụng 4 tuyến cao tốc từ đầu năm 2024

Trần Vũ
07:38 - 07/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nghiên cứu phương án để tăng phí sử dụng các tuyến cao tốc do đơn vị đang quản lý, khai thác từ đầu năm 2024. Gồm các tuyến: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nghiên cứu tăng phí sử dụng 4 tuyến cao tốc từ đầu năm 2024 - Ảnh 1.

Theo VEC, lộ trình tăng phí sử dụng các tuyến cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải cho phép. Ảnh:
https://cmsc.gov.vn

Theo lộ trình, VEC được định kỳ tăng phí 3 năm 1 lần tại các tuyến cao tốc do đơn vị đầu tư

Theo Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), tình hình khai thác 4 tuyến cao tốc công ty đang khai thác trong 9 tháng năm 2023 đã phục vụ hơn 45 triệu lượt phương tiện, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đạt gần 16 triệu lượt phương tiện, tăng hơn 8%; tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hơn 15 triệu lượt phương tiện, tăng gần 10%; tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hơn 12 triệu lượt, tăng tới hơn 21%; tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 2 triệu lượt phương tiện, tăng hơn 15%.

Cũng theo VEC, lộ trình tăng phí sử dụng các tuyến cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải cho phép, theo đó, căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, VEC được định kỳ tăng phí 3 năm 1 lần tại các tuyến cao tốc do đơn vị đầu tư, khai thác. VEC đang xây dựng kế hoạch tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với 4 dự án đường cao tốc đang khai thác vào năm 2024, nhằm đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ vay vốn đầu tư.

Theo VEC, kể từ khi chính thức vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên 4 tuyến cao tốc của VEC tuy đã phát huy hiệu quả, nhưng quy trình, quy chuẩn vận hành thu phí ETC và hệ thống cân tải trọng cũ không đồng bộ, dẫn đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện, ban hành hướng dẫn về mô hình tổ chức, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống cân tải trọng khi vận hành hệ thống thu phí ETC, VEC đã chỉ đạo các đơn vị vận hành bổ sung biển báo chỉ dẫn; tích hợp hệ thống cân cùng hệ thống thu phí ETC; tăng cường ứng dụng công nghệ của hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe phù hợp.

Với hình thức thu phí ETC, người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc của VEC được tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Về phía doanh nghiệp, VEC giảm thiểu chi phí vận hành, nhân công và tăng cường tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát.