Phụ huynh tặng thầy cô “phong bì”, tại sao không?

Đắc Quang
06:00 - 20/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiếc phong bì không phải là nguyên nhân khiến lòng tự trọng của người thầy bị tổn thương. Bởi việc dùng tiền mua đồ dùng để tặng hay tặng “phong bì” thì cũng không khác nhau là mấy.

Từ nhiều năm nay, việc tặng thầy cô quà gì và có nên tặng "phong bì" hay không được bàn luận nhiều trên các diễn đàn. Cứ mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam hay dịp Tết, câu chuyện tặng quà thầy cô lại được đem ra trao đổi giữa các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi đi học.

"Phong bì" – nên hay không?

Cận Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chị Ngọc Lan (Ba Đình, Hà Nội) vẫn trăn trở chưa biết biếu quà gì đến các cô giáo đang dạy con mình, hiện đang học lớp 1.

Theo chị, món quà tốt nhất là ở trong tầm khả năng tài chính của gia đình và hữu ích với cô giáo. Nhưng dù chọn loại nào, chị Lan vẫn kèm một chiếc "phong bì" tiền mặt.

Phụ huynh tặng thầy cô là “phong bì”, tại sao không? - Ảnh 1.

Việc phụ huynh tặng thầy cô giáo "phong bì" đang

ngày càng phổ biến.

"Con nhà mình còn nhỏ, hay quấy. Chỉ trông cháu mấy ngày cuối tuần, mình đã rất vất vả, trong khi các cô giáo phải chăm sóc hàng mấy chục cháu. Chế độ lương, trợ cấp hiện tại của giáo viên cũng hơi thấp. Hơn nữa, một năm cũng không có nhiều dịp như này nên gia đình tôi cũng rất muốn có một món quà để cảm ơn các cô. Không mong cầu gì các cô phải quan tâm con mình hơn hay có ý hối lộ gì cả".

Chị Lan nói tiếp: "Bây giờ đời sống vật chất cải thiện hơn ngày xưa rất nhiều, các đồ dùng của thầy cô đều đã đủ, rất khó chọn một hiện vật để tặng cho có ý nghĩa. Thực tế nhất vẫn là "phong bì", thầy cô muốn sử dụng sao cũng được".

Chung quan điểm với chị Lan, chị Trần Thị Trang (Quế Võ, Bắc Ninh) cũng đã chuẩn bị sẵn quyển sổ, chiếc bút và một "phong bì" để chúc mừng cô giáo dạy con chị, nhân ngày 20/11. Chị tâm sự: "Cũng chỉ có mấy trăm ngàn, không nhiều nhặn gì, nhưng dễ sử dụng, còn hơn là mua quà tặng không phù hợp với các cô".

Chị Trang cũng cho biết, gia đình thường xuyên hỏi thầy cô về tình hình học tập, rèn luyện của các con. Những dịp đặc biệt khác như Tết Trung thu, ngày hội sách, Tết cổ truyền ở trường, chị hoặc chồng đều thu xếp thời gian tham gia tổ chức, như trang trí lớp, dọn dẹp, cắt tỉa hoa quả cùng các cô giáo,… Nhờ đó cũng hiểu hơn công việc của nhà giáo.

"Mình vẫn hướng dẫn con làm thiệp, viết thư, làm hoa giấy để tặng thầy cô. Còn việc tặng quà khác thì bố mẹ sẽ chủ động, không để con biết", chị Trang cho hay.

Trên các diễn đàn bàn luận công khai về việc tặng quà tri ân thầy cô, nhiều ý kiến phản đối kịch liệt chuyện phong bì, tiền bạc thay cho món quà vì đó là biểu hiện của sự tha hóa, tiêu cực, dễ làm "hư" thầy cô, và khiến học sinh nhận thức không đúng về lòng biết ơn.

Đồng thời, tặng phong bì cũng cho thấy cái nhìn lệch lạc, méo mó của một bộ phận phụ huynh về nghề dạy học, về vai trò của nhà giáo và cách ứng xử của họ với người người thầy.

Cũng có quan điểm cho rằng không nên quá quan trọng hình thức của món quà. Chỉ cần quà tặng xuất phát từ lòng biết ơn chân thành của gia đình học trò và học trò tới các thầy cô giáo. 

Phía sau một món quà tri ân để khích lệ lòng yêu nghề của giáo viên

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho rằng việc dùng tiền để biếu, tặng thầy cô giáo là rất nhạy cảm và tế nhị.

Phụ huynh tặng thầy cô là “phong bì”, tại sao không? - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. Ảnh: NVCC

"Có nhiều cách chia sẻ với những khó khăn của thầy cô, nhà trường. Nhưng phải cân nhắc chuyện gì nên cho các con biết, và sự hỗ trợ nào chỉ phụ huynh và nhà trường biết. Tránh việc học sinh chứng kiến được sẽ có những nhận thức không đúng đắn như về phân hóa giàu nghèo, giá trị của đồng tiền,… Và quan trọng nhất, hành động tặng quà, hỗ trợ vẫn phải xuất phát từ cái tâm trong sáng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nêu quan điểm.

Lòng biết ơn là điều nên có ở mỗi người, có thể thể hiện bằng hành động tặng quà.

Khi món quà tri ân thầy cô do chính các học sinh chuẩn bị như thiệp chúc mừng, hoa giấy, một bức tranh, cuốn sổ,… thì đã rất tuyệt vời. 

Chiếc phong bì không phải là nguyên nhân khiến lòng tự trọng của người thầy bị tổn thương. Bởi việc dùng tiền mua đồ dùng, vật chất để tặng hay tặng phong bì luôn thì cũng không khác nhau là mấy.

Chính cách tặng quà, thái độ và động cơ tặng mới khiến người làm nghề dạy học đau lòng. Khi ấy, vấn đề không dừng lại ở việc có nên tặng phong bì hay không, mà lớn hơn là cách các phụ huynh cảm ơn người thầy dạy con của mình như thế nào. Làm sao để những đứa trẻ có thể học được bài học về lòng biết ơn, cách tri ân đúng đắn từ những hành động của người lớn.

Cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Hà Nội) tâm sự: "Tôi đã từng gặp trường hợp, đến dịp 20/11, đang dạy trên lớp thì phụ huynh đứng thập thò ngoài cửa. Chỉ chờ trống ra chơi 5, 10 phút, tôi bước ra là phụ huynh tặng quà theo kiểu tranh thủ, trước mặt các học sinh, như một nghĩa vụ phải làm… Có những món quà mắc tiền mà phụ huynh, học sinh tặng, tôi không dùng được nên đã bán đi và sử dụng số tiền đó làm từ thiện".

Phụ huynh tặng thầy cô là “phong bì”, tại sao không? - Ảnh 3.

Cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Hằng cho rằng, trước hết, món quà phải xuất phát từ tấm lòng, chưa cần biết giá trị của chúng là bao nhiêu. Và cách tặng cũng cần được thể hiện đúng đắn.

Giống như nghi lễ trước khi vào giờ học, học sinh phải đứng lên chào thầy cô để cho thấy các em đã sẵn sàng cho giờ học đó, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với giáo viên.

Việc tặng quà cũng tương tự, cần có những hành vi phù hợp. Người lớn với nhau lại càng phải chuẩn mực để các con trẻ nhìn đó mà noi theo.

Nếu cha mẹ sử dụng tiền bạc không đúng đắn để đối xử với thầy cô, thì rất có thể đến một lúc nào đó con trẻ sẽ dùng đồng tiền để thay thế tình yêu chúng dành cho cha mẹ.

Còn việc tặng "phong bì" có làm hư thầy cô hay không còn phụ thuộc vào nhân cách của người nhà giáo đó. Nếu thầy cô đã có thói quen tính toán vật chất thì dù phong bì hay dạng món quà khác cũng vẫn sẽ biểu hiện ra. Tất nhiên, số lượng này rất hiếm.

Tặng quà không phải là bổn phận của phụ huynh với người thầy dạy con mình. Món quà được trao đi với động cơ xấu thì dù món quà giá trị nhỏ hay không phải là tiền mặt thì cũng vẫn là biểu hiện của tiêu cực.

Sự quan tâm tới giáo viên, nhà trường - nơi giáo dục các con, không phải chỉ trong những dịp đặc biệt như khai giảng hay 20/11. Lòng biết ơn, sự tri ân có thể được bày tỏ bất cứ lúc nào.

  • Tham khảo thêm

    Tặng thầy cô quà gì nhân ngày 20/11?

    Tặng thầy cô quà gì nhân ngày 20/11?