Ngậm “trái đắng” với IOC, MSB vẫn liên quan đến trái phiếu không tài sản đảm bảo

Minh Anh
15:03 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dù nếm "trái đắng" với IOC, nhưng MSB vẫn lọt vào Top 10 ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất năm 2021 và vẫn liên quan đến thương vụ phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo.

Trong vài năm gần đây, ngân hàng dồn dập đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng vậy.

Năm 2021, MSB lọt vào Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư vào trái phiếu nhiều nhất. Năm 2020 và 2021, MSB liên quan đến nhiều thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngàn tỉ đồng, nhưng không tài sản đảm bảo.

Cần nhấn mạnh ở chỗ, trước đó, MSB đã dính “trái đắng” với IOC.

Ngậm “trái đắng” với IOC, MSB vẫn liên quan đến trái phiếu không tài sản đảm bảo - Ảnh 1.

MSB liên quan đến nhiều thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngàn tỉ đồng, nhưng không tài sản đảm bảo. Ảnh: MSB

Ngậm “trái đắng” với IOC

Ngày 1/9/2011, MSB ký Hợp đồng mua 500 trái phiếu với tổng trị giá là 500 tỉ đồng do Công ty cổ phần Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển đầu tư - IOC (IOC) phát hành. MSB khẳng định mua 500 trái phiếu do IOC phát hành đúng thủ tục theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, đợt phát hành này đã tiềm ẩn không ít rủi ro. Đó là IOC có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, phát hành trái phiếu 500 tỉ đồng, cao gấp 5 lần vốn. 

MSB khẳng định theo Luật Chứng khoán, để phát hành trái phiếu ra công chúng, tổ chức phát hành chỉ cần có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên. Đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của IOC, Nghị định 52 không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu phải đăng ký.

Lãi suất trái phiếu lên tới 15%/năm, gấp 3 lần tỉ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp là 5,3%/ năm. MSB phân tích Nghị định 52 - văn bản pháp luật chuyên ngành về phát hành trái phiếu thuộc hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán cũng không quy định về tỉ suất lợi nhuận này.

Những rủi ro về giá trị trái phiếu quá lớn so với vốn chủ sở hữu và lãi suất trái phiếu cao gấp nhiều lần tỉ suất lợi nhuận doanh nghiệp đã cho thấy rủi ro... là có thật.

Sau khi có trong tay 500 ti đồng vốn từ MSB, Công ty IOC bắt đầu "tuột dốc". Tới năm 2016, công ty đã âm vốn tới 147 tỉ đồng. Con số này tăng lên âm 398 tỉ đồng hồi cuối năm 2020. 

Đến hạn thanh toán, Công ty IOC không trả được nợ nên MSB đã khởi kiện Công ty IOC ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định.

Vụ án được giải quyết bằng Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08/2016/QĐST-KDTM ngày 28/9/2016 của Tòa án thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 

Theo đó, Công ty IOC phải thanh toán nợ cho MSB số tiền 687.885.000.000 đồng (Sáu trăm tám mươi bảy tỉ, tám trăm tám mươi lăm triệu đồng) và lãi phát sinh kể từ thời điểm thi hành án.

Tuy nhiên, sau đó, các cổ đông và Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra năm 2011, IOC đã phát hành trái phiếu trái phép khi không đủ điều kiện, không tuân thủ quy định về phương thức phát hành, nhưng vẫn được MSB chấp nhận mua.

Và năm 2020, “cuộc chiến” này vẫn chưa kết thúc. 

MSB vẫn liên quan đến trái phiếu không tài sản đảm bảo

Dù ngậm “trái đắng” với trái phiếu doanh nghiệp, nhưng MSB vẫn tiếp tục rót số tiền không nhỏ vào lĩnh vực này. 

Tại thời điểm cuối năm 2021, MSB đã rót 3.039 tỉ đồng vào trái phiếu, tương đương 1,49% tổng tài sản ngân hàng. Nhờ đó, MSB lọt vào Top 10 ngân hàng (không kể nhóm ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank) đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất.

Tới đầu năm 2022, 8 đơn vị trong Top 10 này, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (Baoviet Bank) bị thanh tra vì liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

MSB và Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) là hai cái tên hiếm hoi trong Top 10 không bị thanh tra.

Liên quan đến trái phiếu, MSB có một điểm đáng chú ý nữa chính là liên quan đến những đợt phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo. 

Trong năm 2021, sau nhiều đợt phát hành trái phiếu, Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ (Bất động sản Mỹ) đã thu về 1.400 tỉ đồng. Phần nhiều trong số đó không có tài sản đảm bảo.

Lô trái phiếu ngày được một nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào dưới sự thu xếp của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam và MSB. 

Trước đó, năm 2020, Bất động sản Mỹ đã phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu. Đa số đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất danh nghĩa ở mức 10,2% với kỳ hạn trả lãi là một năm/lần.

Đại lý đăng ký lưu ký vẫn là MSB.