Top 3 cổ phiếu ngân hàng giá bét bảng: Sẽ còn giảm nếu SCB bị kiểm tra, xử lý?
Nằm trong Top 3 cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất thị trường, giá SCB có nguy cơ giảm sâu hơn nếu ngân hàng bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý khi liên quan đến dự án “khống” tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh.
Top 3 cổ phiếu ngân hàng giá bét bảng
Suốt năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng sốc giúp mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng được nâng lên tầm cao mới. Nhiều mã suốt thời gian tậm tịt dưới mệnh giá đã tăng bằng lần.
Trên thị trường OTC, cổ phiếu SCB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thoát phận dưới mệnh giá. Tuy nhiên, đà tăng của SCB là không đáng kể. "Đỉnh" của mã này chỉ khoảng 16.000 đồng/cô phiếu.
Tuy nhiên, hiện tại, các dữ liệu trên Sanotc.com, thị trường OTC phổ biến nhất hiện nay cho thấy thị giá SCB đang giảm sâu chỉ còn 12.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tất cả các cổ phiếu ngành ngân hàng được niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UpCOM.
Về thị giá, SCB chỉ đứng trên hai ngân hàng chưa lên sàn là Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (Pvcombank). Cổ phiếu của cả 2 cái tên này đều được chào bán, chào mua dưới mệnh giá với mức lần lượt chỉ là 7.800 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, SCB lọt vào Top 3 cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất trên tất cả các thị trường.
SCB lọt vào Top 3 cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất trên tất cả các thị trường, bên cạnh Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (Pvcombank). (Ảnh IT)
Đây cũng là điều dễ hiểu vì với 703.155 tỉ đồng, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau nhóm "tứ đại gia ngân hàng" là BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank.
Tuy nhiên, SCB không tận dụng được quy mô tài sản lớn, SCB không gặt hái được những khoản lãi tương ứng.
Trong khoảng 10 năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của SCB thường xuyên dưới 100 tỉ đồng. Phải tới năm 2017, mốc 100 tỉ đồng mới được vượt qua khi lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỉ đồng. Kể từ đó, chỉ tiêu này có xu hướng đi lên rõ rệt nhưng vẫn rất thấp, đạt 169 tỉ đồng (năm 2018), 175 tỉ đồng (năm 2019) và 542 tỉ đồng (2020).
2021 là năm SCB chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh cải thiện vượt bậc. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế 2021 lên tới 1.140 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với ngân hàng thương mại cổ phần có vốn lớn thứ hai, chỉ sau SCB là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB). Năm 2021, MBB lãi tới 12.697 tỉ đồng.
Sẽ còn giảm nếu SCB bị xử lý hình sự?
Tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2099 BC-TTCP ngày 2/12/2020 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi bắt tay cùng Công ty Việt Hân nhiều lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, "phù phép" hàng nghìn mét vuông đất công, có vị trí đắc địa tại TP.HCM thành đất tư để trục lợi.
Trong quá trình hợp tác, thông qua chiêu thức thoái vốn nhà nước, 4 lô đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh đã bị công ty Việt Hân Sài Gòn mua lại.
Sau đó, công ty này lập hồ sơ dự án đầu tư "khống" mang tên The Goldmark Preminum Tower. Các công ty trong dự này đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với gói vay của SCB và được giải ngân khoảng 6.308 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong các lần vay SCB, trong hồ sơ của Công ty Việt Hân Sài Gòn đều có chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.250 tỉ đồng và tài sản thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật.
Sự cố này đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn về vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong giám sát, kiểm soát hoạt động trong nội bộ ngân hàng và bên ngoài, trong đó có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với hoạt động của các ngân hàng này cần lời giải đáp...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google