Nhà nước gia tăng can thiệp để đảm bảo an ninh năng lượng

Anh Nguyễn
14:56 - 10/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khủng hoảng năng lượng, giá năng lượng tăng, nhiều công ty năng lượng có nguy cơ phá sản… khiến tại một số quốc gia, chính phủ đã bắt đầu trực tiếp hoặc gián tiếp, gia tăng can thiệp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhà nước gia tăng can dự để đảm bảo an ninh năng lượng - Ảnh 1.

Ám ảnh cú sốc giá dầu 1 phần do thiếu hụt nguồn cung. Ảnh: Getty Images

Đức: Chính phủ có thể sẽ trở thành một cổ đông

Chính phủ Đức mới đây vừa thông qua kế hoạch nhằm khẩn trương hỗ trợ các công ty năng lượng gặp khó khăn trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khiến giá khí đốt tăng cao, gây áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck khẳng định, Đức sẽ không cho phép "các hiệu ứng hệ thống" lan truyền trên thị trường khí đốt, nơi mà sự sụp đổ của một công ty có thể khiến nhiều công ty khác sụp đổ theo. Dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra các biện pháp bình ổn thuận lợi cho các công ty năng lượng, trong đó có khả năng Chính phủ sẽ trở thành một cổ đông.

Theo Bộ Tài chính Đức, phương án cứu trợ đang được thảo luận bao gồm cả việc Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) mở rộng hạn mức tín dụng hoặc đầu tư cổ phần vào Uniper. Các quan chức ước tính gói cứu trợ cho các công ty năng lượng đang gặp khó khăn có thể lên tới 9 tỉ euro (9,1 tỉ USD).

Công ty năng lượng Uniper của Đức - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga, đã đàm phán với Berlin về một kế hoạch giải cứu khả thi vào tuần trước. Việc Nga giảm 60% nguồn cung khí đốt từ 167 triệu m3/ngày xuống còn 67 triệu m3/ngày qua hệ thống đường ống "Dòng chảy phương Bắc" (Nord Stream) từ giữa tháng 6 vừa qua do bị trì hoãn bàn giao thiết bị phục vụ bảo trì hệ thống mà phía Siemens Canada tiếp nhận sửa chữa, khiến Uniper phải trả giá cao hơn cho các nguồn cung thay thế trên thị trường giao ngay. Chi phí quá cao khiến Uniper "oằn lưng"chịu gánh nặng tài chính. 

Mới đây, ngày 8/7, Điện Kremlin tuyên bố sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho EU nếu được bàn giao các tuabin. 1 ngày sau đó, ngày 9/7, Bộ trưởng Tài nguyên Canada thông báo nước này sẽ trả lại các tuabin khí đã được sửa chữa cho Đức. Chính phủ Canada sẽ cấp phép trả lại các tuabin này mà không bị coi là vi phạm các trừng phạt với Nga. Trong khi đó, Kiev phản đối việc trả lại các tuabin, gọi đây là động thái làm suy yếu các biện pháp trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Theo một nguồn thạo tin, các tuabin sẽ được gửi đến Đức và sau đó phía Đức sẽ bàn giao cho Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga - đơn vị vận hành đường ống "Dòng chảy phương Bắc".

Trong một động thái khác, sau khi Gazprom hạn chế nguồn cung, Berlin đã nâng mức cảnh báo theo kế hoạch cứu trợ khí đốt khẩn cấp. Chính phủ đã yêu cầu các kho dự trữ khí đốt phải chứa đầy 90% công suất vào đầu tháng 12.

Pháp: Dự định quốc hữu hóa tập đoàn điện lực EDF

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho hay, Chính phủ nước này có ý định quốc hữu hóa Tập đoàn điện lực EDF nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nói rõ, Chính phủ có kế hoạch nắm quyền sở hữu 100% cổ phần tại EDF. Bước đi này sẽ cho phép EDF củng cố năng lực thực hiện những dự án cần thiết trong thời ngắn nhất có thể, qua đó đảm bảo an ninh năng lượng.

Bà Borne nói rõ, Chính phủ có kế hoạch nắm quyền sở hữu 100% cổ phần tại EDF, và bước đi này sẽ cho phép EDF củng cố năng lực thực hiện những dự án cần thiết trong thời ngắn nhất có thể, qua đó đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Hiện, Chính phủ Pháp đang nắm giữ 84% cổ phần tại tập đoàn EDF trong khi các nhân viên cùng các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân sở hữu lần lượt 1% và 15% cổ phần. Cố phiếu của EDF đã tăng 8% sau khi Thủ tướng Borne đưa ra thông tin trên.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột tại Ukraine đã đè nặng lên các công ty điện lực như EDF vốn có mức thuế do Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, EDF cũng chịu áp lực từ Chính phủ trong việc triển khai các dự án thay thể các lò phản ứng hạt nhân lỗi thời của mình để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng. Các lò phản ứng hạt nhân vẫn chiếm phần lớn sản lượng điện của Pháp.

Mỹ: Nới lỏng các biện pháp trừng phạt Venezuela, gỡ khó cho công ty dầu khí

Biện pháp nới lỏng trừng phạt có liên quan tới "giấy phép hạn chế" cấp cho Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ trong khuôn khổ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Venezuela từ năm 2019.

Năm 2019, Mỹ đã thực hiện lệnh cấm vận kinh tế đối với Venezuela nhằm tạo sức ép để Tổng thống nước này Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực. Lệnh trừng phạt của Mỹ được cho là đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất dầu mỏ của Venezuela, vốn đã đạt sản lượng tới 3,7 triệu thùng/ngày vào cuối  những năm 1990.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế ở Saint Petersburg (Nga), Phó Tổng thống Venezuela Rodriguez cho biết, Mỹ đến nay đã áp đặt 502 biện pháp trừng phạt đơn phương, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như dầu khí, tài chính và lương thực của Venezuela.

Theo Phó Tổng thống Rodriguez, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến sản lượng dầu khí của Venezuela suy giảm tới 87%, gây thiệt hại khoảng 140 tỉ USD cho nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.

Ngày 17/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã quyết định sẽ nới lỏng có giới hạn một số biện pháp trừng phạt đối với Venezuela nhằm thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập ở quốc gia Nam Mỹ này.

Những động thái để nới lỏng lệnh trừng phạt này diễn ra không hẳn do mục đích cấm vận đã đạt được mà chủ yếu bởi thị trường nhiên liệu toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng. Venezuela - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang sở hữu trữ lượng dầu mỏ lên tới 304 tỉ thùng, đứng trên cả Saudi Arabia. Quốc gia Nam Mỹ này hoàn toàn có thể tăng sản lượng từ 755.000 thùng/ngày lên mức 1,2 triệu thùng/ngày nếu Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Caracas.

Cuối tháng 6 vừa qua, một phái đoàn cấp cao của Chính phủ Mỹ đã tới Thủ đô Caracas để tiếp tục tiến trình đàm phán đã được khởi động từ hồi tháng 3. Trước đó, Chính phủ Pháp đã kêu gọi Mỹ thương lượng để nới lỏng các biện pháp trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela và Iran.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nước này sẽ cho phép Chevron - Tập đoàn dầu khí duy nhất của Mỹ còn hoạt động tại Venezuela được thương lượng về giấy phép với công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA để Chevron tiếp tục hoạt động ở quốc gia Nam Mỹ.

Giám đốc phụ trách hoạt động của Chevron tại khu vực Mỹ Latin Javier La Rosa và Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận mới giữa hai bên hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Người phát ngôn của Chevron, ông Ray Fohr khẳng định, sự hiện diện của Chevron tại Venezuela có ý nghĩa quan trọng khi Tập đoàn đã đổ vào đây một khoản đầu tư lớn và cùng với đó là một lực lượng lớn lao động cũng phụ thuộc vào sự hiện diện của tập đoàn. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra hiện nay làm bộc lộ nhiều khía cạnh trong quan hệ quốc tế mà việc xử lý đôi khi không đáp ứng được mong đợi của tất cả mọi bên.