Nắng nóng khắc nghiệt, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn

N.Cường
16:31 - 02/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa xảy ra vụ cháy tại công ty dệt may làm gần 1.000 m2 nhà xưởng bị thiêu rụi, thiệt hại nhiều tài sản giá trị. Tại Thanh Hóa, rạng sáng 1/6, siêu thị MediaMart tại tiểu khu 6, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn cũng đã bốc cháy dữ dội gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Xảy ra vụ cháy lớn tại công ty dệt may, thiêu rụi gần 1.000 m2 nhà xưởng

Theo TTXVN, thông tin ban đầu cho biết, khoảng 5 giờ 30 ngày 2/6, một số công nhân và bảo vệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Concord Textile Corporation Việt Nam (chuyên ngành kéo sợi, dệt may) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai phát hiện cột khói bốc lên tại một góc nhà xưởng của công ty.

Phát hiện cháy, đội chữa cháy cơ sở của công ty cùng các doanh nghiệp sát bên được huy động đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, bên trong công ty có nhiều vật dụng dễ cháy khiến hỏa hoạn bùng lên dữ dội, bao trùm nhà xưởng kèm theo nhiều tiếng nổ nên dập lửa không thành.

Nắng nóng khắc nghiệt, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn - Ảnh 1.

Cháy lớn tại công ty sợi dệt, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công an Thành phố Hồ Chí Minh

Nhận được tin báo, Cảnh sát phòng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai và Công an huyện Nhơn Trạch nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tiến hành dập lửa. Đến hơn 7 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên gần 1.000 m2 nhà xưởng cùng nhiều trang thiết bị, thành phẩm sản xuất bị thiêu rụi.

Bước đầu lực lượng chức năng xác định, đám cháy xuất phát từ lò hơi, có dầu bên trong, khiến ngọn lửa bùng phát nhanh, khói cuồn cuộn bao trùm nhà xưởng. Nguyên nhân vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Vụ cháy lớn dữ dội ở siêu thị MediaMart, Thanh Hóa 

Trước đó, tại Thanh Hóa, rạng sáng 1/6, siêu thị MediaMart tại tiểu khu 6, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn cũng đã bốc cháy dữ dội.

Vào thời điểm trên, bảo vệ của siêu thị MediaMart phát hiện hệ thống điện bên trong siêu thị bị chập cháy. Lực lượng này đã khẩn trương dập lửa, nhưng ngọn lửa bùng phát dữ dội, nên gọi báo lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Nắng nóng khắc nghiệt, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn - Ảnh 2.

Rạng sáng 1/6, Siêu thị MediaMart tại tiểu khu 6, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn cũng đã bốc cháy dữ dội. Ảnh: TTXVN


Nhận được tin báo, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đến hiện trường tiến hành dập lửa. Tuy nhiên do bên trong siêu thị có nhiều hàng hóa dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh. Chỉ ít phút sau, toàn bộ siêu thị đã bị ngọn lửa bao trùm.

Sau 2 giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy mới được khống chế. Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, các sản phẩm như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, laptop, điện thoại… bên trong siêu thị đã bị thiêu rụi, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Ngoài ra, trước đó, liên tiếp trong các ngày 12-13/5 cũng đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. 

Cụ thể, vụ cháy cơ sở kinh doanh Phòng trà Nhật - Hàn Akatsuki tại thành phố Hải Phòng ngày 12/5 đã làm 3 người tử vong. 

Sáng 13/5, tiếp tục xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 24 phố Thành Công, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội làm 4 người trong một gia đình tử vong. 

Nhiều nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn tăng cao

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày hôm nay (2/6), ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C như: Mường La (Sơn La) 39.9 độ C, Lạc Sơn (Hòa Bình) 39.4 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 40.2 độ C... Độ ẩm tương đối phổ biến 45-65%.

Trung tâm này dự báo ngày 3/6, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-60%. Bắc Bộ và khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%.

Ngày 4/6, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-65%. Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-65%.

Nắng nóng khắc nghiệt, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn - Ảnh 4.

Chập điện là nguyên nhân hàng đầu và thường gặp nhất dẫn đến cháy nổ. Ảnh: svmfirewatercleanup


Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. 

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho hộ gia đình trước những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nắng nóng, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa ra một số khuyến cáo như sau:

Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình

1. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat, relay tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn.

2. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

3. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.

4. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

5. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

6. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Nắng nóng khắc nghiệt, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn - Ảnh 5.

Trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm; phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. Ảnh: citymill


7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

8. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

9. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

10. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

11. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người này.

12. Chuẩn bị sẵn trong nhà dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

13. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm; phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất. Đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tháng 4/2023, toàn quốc xảy ra 117 vụ cháy, làm chết 7 người, bị thương 12 người; thiệt hại tài sản ước tính 26,89 tỷ đồng và 19,8 ha rừng.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tham gia 91 vụ cứu nạn, cứu hộ.

Trong tháng 4 đã xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết và bị thương 7 người.

So với tháng 3/2023, số vụ cháy tăng 15 vụ, giảm 1 người chết, tăng 12 người bị thương, thiệt hại tài sản tăng 21,15 tỷ đồng; số vụ nổ tăng 3 vụ, số người chết tăng 2 người, tăng 7 người bị thương.

Tháng 4/2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an các địa phương đã xuất 932 lượt phương tiện, 5.650 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tổ chức chữa cháy 196/211 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và trực tiếp hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người, cứu được 59 người bị mắc kẹt, tìm được 84 thi thể; tổ chức di chuyển và cứu được một lượng lớn tài sản trong các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Đáng chú ý, số vụ cháy chủ yếu xảy ra tại nhà dân là 48 vụ (chiếm 41,03%); 18 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 15,38%); 13 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 11,11%); 12 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 10,26%); 7 vụ cháy rừng (chiếm 5,98%); 2 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 1,71%); 1 vụ cháy chợ (chiếm 0,85%); 1 vụ cháy cơ sở giáo dục (chiếm 0,85%); 1 vụ cháy cơ sở y tế (chiếm 0,85%) và 14 vụ cháy các loại hình cơ sở khác (chiếm 11,97%). Trong đó, xảy ra 2 vụ cháy lớn (2/117 vụ), chỉ chiếm 1,7% tổng số vụ cháy.

Về nguyên nhân các vụ cháy: Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 46/117 vụ, trong đó: do sự cố hệ thống, thiết bị điện 32 vụ (chiếm 27,35%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 8 vụ (chiếm 6,84%); 2 vụ do sự cố kỹ thuật (chiếm 1,71%) và do nguyên nhân khác 4 vụ (chiếm 3,42%). Đang tiếp tục điều tra 71/117 vụ.

Về địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 68 vụ (chiếm 58,12%), nông thôn xảy ra 49 vụ (chiếm 41,88%).

Trong tháng 4/2023, tình hình cháy tăng 2 tiêu chí (số vụ cháy và thiệt hại về tài sản) so với tháng 3/2023 và giảm 2 tiêu chí (số vụ và thiệt hại về người) so cùng kỳ năm 2022. Trong tháng tình hình cháy tại khu dân cư, nhà dân diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao (chiếm 38,4%), xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người; tình hình cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng và phương tiện giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bình luận của bạn

Bình luận