Khuyến cáo biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng

Hồng Ngọc
07:25 - 22/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dễ dẫn đến sự cố chập điện, cháy, nổ. Vì vậy, mỗi người cần trang bị những kỹ năng phòng cháy, xử lý khi xảy ra cháy các thiết bị điện trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Theo chuyên gia dự báo khí hậu, các đợt nắng nóng diễn ra trong năm nay kéo dài hơn, cường độ gay gắt hơn so với năm 2022. Nhiều nơi xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với mức nhiệt cao nhất trong ngày vượt quá 40 độ C.

Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tăng cao, độ ẩm thấp khiến vật liệu trở nên khô kiệt, dễ bén lửa; cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập điện gây cháy nổ.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho hộ gia đình trước những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nắng nóng, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa ra một số khuyến cáo như sau:

Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình

1. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat, relay tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn.

Khuyến cáo biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Chập điện là nguyên nhân hàng đầu và thường gặp nhất dẫn đến cháy nổ. Ảnh: Happynest

2. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

3. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.

4. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

5. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

6. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

8. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

9. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

10. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

11. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người này.

12. Chuẩn bị sẵn trong nhà dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

13. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm; phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất. Đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Kỹ năng xử lý đám cháy thiết bị điện trong hộ gia đình

Thời gian qua, có nhiều vụ cháy nổ do các thiết bị điện trong gia đình như chập cháy bình nóng lạnh, điều hòa, máy sưởi hay tủ lạnh... Những vụ việc này đều gây ra những hậu quả không nhỏ về người và tài sản.

Đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ liên quan đến hệ thống điện như quá tải, ngắn mạch... Vì vậy, mỗi người cần biết cách xử lý khi xảy ra cháy các thiết bị gia dụng theo các bước như sau:

Bước 1: Khi phát hiện ra đám cháy phát sinh từ các thiết bị điện, phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ nhà.

Bước 2: Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).

Bước 3: Trong mọi trường hợp có cháy nổ xảy ra, người dân phải gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114.

Trường hợp đám cháy đã phát triển lớn, cần hô hoán, báo động cho mọi người trong nhà biết để nhanh chóng thoát nạn ra khu vực an toàn. Khi lối thoát ra ngoài đã bị khói che phủ, nhiệt độ cao thì hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc để bảo vệ đường hô hấp, cơ thể; hạ thấp người khi di chuyển; tuyệt đối không trốn, nấp trong phòng, nhà vệ sinh…

Trường hợp nhà có nhiều tầng mà đám cháy đã phát triển mạnh ở tầng 1, người trong nhà không thể thoát nạn qua lối cửa chính thì nhanh chóng sơ tán lên sân thượng hoặc các tầng trên, thoát nạn qua ban công, tum sang nhà bên cạnh và thoát ra nơi an toàn. Cần chú ý các biện pháp an toàn trong quá trình thoát nạn.

Bình luận của bạn

Bình luận