Nắng nóng gay gắt có nơi trên 41 độ C, đề phòng hỏa hoạn, cháy rừng

N.Cường
12:11 - 23/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 22/4, mức nhiệt cao nhất trong ngày ghi nhận tại Mường La (Sơn La) là 41.8 độ C, Yên Châu (Sơn La) 41 độ C. Nắng nóng đặc biệt gay gắt đã gây ra vụ cháy rừng phòng hộ tại bản Mé, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Hơn 200 người đã được huy động đến tham gia chữa cháy.

Hàng trăm người tham gia chữa cháy rừng trong đêm

Theo VOV, chiều tối qua (22/4), tại bản Mé, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xảy ra cháy rừng phòng hộ. Ngay khi nhận được thông tin, hơn 200 người gồm lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ, dân phòng và người dân tại chỗ đã được huy động đến tham gia chữa cháy.

Tuy nhiên, nơi xảy ra cháy rừng có địa hình đồi núi dốc, vực sâu khá nguy hiểm; thời điểm cháy là lúc chạng vạng tối, nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đến hơn 22h cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt.

Nắng nóng gay gắt có nơi trên 41 độ C, đề phòng hỏa hoạn, cháy rừng - Ảnh 1.

Địa phương có khí hậu nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ảnh: VGP

Để đề phòng đám cháy có thể bùng phát trở lại do thời tiết hanh khô, chính quyền và ngành chức năng vẫn cắt cử lực lượng ở tại hiện trường để theo dõi diễn biến của vụ cháy.

Những ngày qua, các địa phương trong tỉnh Sơn La không có mưa, nắng nóng gay gắt diện rộng, nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao. Hiện đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng, túc trực tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, nhằm theo dõi, nắm bắt tình hình, sẵn sàng ứng cứu khi có đám cháy xảy ra.

Trước đó, tối ngày 5/4 cũng đã xảy ra vụ cháy rừng tại một quả đồi thuộc bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Ngay sau đó, lực lượng chức năng được huy động đến hiện trường dập tắt đám cháy và tiến hành điều tra nguyên nhân, xác định diện tích cũng như mức độ ảnh hưởng của đám cháy.

Nắng nóng gay gắt có nơi trên 41 độ C

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 22/4, ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C như: Mường La (Sơn La) 41.8 độ C, Yên Châu (Sơn La) 41 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 41.7 độ C, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 39.6 độ C, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 39.2 độ C, Sơn Hòa (Phú Yên) 39.7 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30-50%. Ở Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như: Tà Lài (Đồng Nai) 38.0 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 37.8 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37.2 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%.

Ngày 23/4, Trung tâm này dự báo ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-50%. Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%. Ngày 24/4, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng cục bộ.

Cảnh báo: Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Điều 10 Nghị định 09/2006/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng cháy rừng bao gồm:

1. Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng trong toàn xã hội.

2. Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng.

3. Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng.

4. Áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong rừng.

5. Áp dụng các biện pháp phòng chống cháy lan.

6. Tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

7. Xây dựng các công trình và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.

8. Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.