Nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên chuyên ngành Thiết kế Nội thất
Trong chương trình đào tạo đại học, đặc biệt là các chương trình đào tạo theo định hướng thực hành thì các chương trình thực tập đối cho sinh viên là hoạt động hết sức cần thiết.
Đây là cơ hội giúp sinh viên phát triển tư duy, giúp sinh viên tiếp cận, rèn luyện phương pháp, kỹ năng làm việc, kỹ năng tổ chức công việc, làm quen với môi trường thực tế tại các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp. Để sinh viên trao đổi, vận dụng, học hỏi thêm từ thực tế nhằm nâng cao kiến thức, bổ sung kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện tính chủ động trong học tập cũng như trong công việc. Bên cạnh đó, thông qua chương trình thực tập cho sinh viên còn tạo dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường, các khoa chuyên ngành với các doanh nghiệp, giúp tăng cường hoạt động hợp tác đào tạo giữa nhà trường với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp theo phương châm "đào tạo những gì xã hội cần".
Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, chất lượng thực tập của sinh viên các trường đại học ở Việt Nam nói chung và sinh viên chuyên ngành Thiết kế Nội thất nói riêng vẫn còn mang tính hình thức, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tầm quan trọng của chương trình thực tập đối với người học
Thời gian thực tập là quãng thời gian vô cùng có giá trị đối với mỗi sinh viên thông qua việc trải nghiệm thực tế công việc giống như một nhân viên tại doanh nghiệp. Về điểm chung, khi tham gia thực tập sinh viên vẫn phải hoàn thành các nội dung, yêu cầu và chỉ tiêu do công việc đặt ra. Qua chương trình này, cái mà sinh viên nhận được chính là bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn mang mại, là hành trang tốt nhất để sau khi tốt nghiệp, giúp các sinh viên có sự tự tin, bản lĩnh chinh phục các nhà tuyển dụng, thậm trí chinh phục chính những đơn vị mình đã thực tập khi doanh nghiệp có nhu cầu nếu có thành tích thực tập tốt. Do vậy, có thể nói đối với sinh viên hoạt động thực tập có vai trò quan trọng không chỉ với quá trình học tập mà còn với cả sự nghiệp của sinh viên sau này. Kết quả các chương trình thực tập thường được tính điểm với trọng số tương đối lớn trong học kỳ, có ảnh hưởng đến kết quả xếp loại học tập của sinh viên. Nhưng điểm số cũng chỉ là một phần, quan trọng hơn cả, các chương trình thực tập sẽ giúp sinh viên từng bước tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp mà các bạn đã lựa chọn khi bước chân vào trường đại học. Các hoạt động trải nghiệm thực tế thông qua chương trình thực tập thêm một lần nữa giúp sinh viên hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và có những điều chỉnh kịp thời, cùng với kế hoạch rèn luyện phù hợp hơn cho bản thân mình.
Thông qua các chương trình thực tập, sinh viên sẽ có cơ hội áp dụng các kiến thức được đào tạo trong nhà trường vào thực tế công việc. Thông quá đó giúp sinh viên nhận biết được cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của mình và cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong thực tế, chương trình đào tạo trong nhà trường đã cung cấp hệ thống lý luận và lý thuyết cơ bản về chuyên ngành đào tạo. Và bước tiếp theo cần áp dụng vào thực tiễn khách quan với đối tượng và môi trường nghề nghiệp cụ thể. Vì thế, các chương trình thực tập sẽ càng trở nên cần thiết đối với sinh viên. Những trải nghiệm thông qua chương trình thực tập này giúp sinh viên xác nhận một cách chính xác hơn về bản thân mình khi ra trường và đi tìm việc, giúp các bạn không quá ảo tưởng dẫn đến thất vọng về thực tế khi thực sự tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp, đơn vị, sinh viên có cơ hội để thiết lập được các mối quan hệ trong nghề nghiệp của mình, tạo tiền đề cho các bước tiến trong sự nghiệp cho sinh viên khi ra trường. Hơn thế nữa, sinh viên còn được tiếp cận với văn hóa làm việc tại các doanh nghiệp. Sinh viên sẽ cảm nhận được môi trường văn hóa làm việc như thế nào để thời gian tới có những lựa chọn phù hợp đối với ngành nghề mà mình đang theo đuổi.
Đồng thời, thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong doanh nghiệp, nên thông quá quá trình này, sinh viên sẽ có cơ hội được rèn luyện các kỹ năng mềm. Thông qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử, thuyết trình hay làm việc nhóm trong khi thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ dần dần trau dồi và rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng mềm bản thân. Không thể phủ nhận ngoài kết quả học tập, kỹ năng mềm sẽ là nhân tố quan trọng không kém giúp sinh viên có cơ hội việc làm, phát triển sau này.
Thực trạng chương trình thực tập chuyên ngành Thiết kế Nội thất
Trong chương trình đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thì hoạt động thực tập chuyên ngành nói chung và thực tập chuyên ngành Thiết kế nội thất nói riêng là vô cùng cần thiết, các học phần này đóng vai trò quan trọng giúp cho việc hoàn thiện các kỹ năng của sinh viên qua từng năm học. Hiện nay, theo chương trình khung đào tạo ngành Thiết kế nội thất chương trình thực tập được chia thành 3 kỳ thực tập: cụ thể: thực tập cơ sở ngành với 3 đơn vị học trình, diễn ra vào giữa năm học thứ 3; thực tập chuyên ngành với 3 đơn vị học trình, diễn ra vào giữa năm học thứ 4 và thực tập tốt nghiệp cũng gồm 3 đơn vị học trình, diễn ra vào giữa năm học cuối. Đây là 3 kỳ thực tập quan trọng này sẽ giúp sinh viên trực tiếp áp dụng những kiến thức trong nhà trường vào môi trường làm việc thực tiễn, giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Cụ thể như sau:
Chương trình | Thời lượng | Chủ đề | Nội dung chi tiết | Quy trình thực thiện | Địa điểm thực tập | Yêu cầu về kết quả thực tập |
Thực tập cơ sở ngành | 03 đơn vị học trình tương đương với 3 tuần làm việc | Thiết kế và thi công hoàn thiện 01 sản phẩm nội thất | - Sinh viên được chia theo nhóm hoặc theo lớp chuyên ngành; - Đề tài cụ thể do giảng viên hướng dẫn phân công (có thể chia theo nhóm vật liệu sử dụng để thực hiện sản phẩm);
| Tuần 1: - Lên kế hoạch thực tập; trưởng nhóm Đăng kí thực tập tại đơn vị sản xuất; - SV nộp những ý tưởng sản phẩm cho bài thực tập - GV duyệt ý tưởng & đưa ra những lựa chọn về vật liệu và màu sắc, chỉnh sửa thiết kế để nâng cao tính thẩm mỹ; - Lớp chốt ý tưởng cho sản phẩm thực hiện - Xuống đơn vị thực tập tìm hiểu quy trình quản lý an toàn của đơn vị sản xuất và kết hợp với kĩ thuật đơn vị sản xuất để đưa ra kế hoạch thiết kế và thi công sản phẩm nội thất; Tuần 2: - Tìm hiểu các quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, hệ thống sản xuất, bao gồm các công đoạn sản xuất, toàn bộ quá trình hoàn thiện sản phẩm, bảo hành và kiểm tra sản phẩm; - Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình sản xuất, bản vẽ kĩ thuật, thi công sản phẩm, vật liệu ... trang thiết bị chuyên ngành; - Lớp thống nhất về hình dáng, ý tưởng sản phẩm - Thảo luận về màu sắc, vật liệu, trang trí; - Triển khai bản vẽ CAD - Triển khai bản vẽ phối cảnh sản phẩm 3D; - Hoàn thiện bản vẽ 3D sản phẩm, nộp bản vẽ sản phẩm và tiến hành thi công; - Thi công và hoàn thiện sản phẩm tại Xưởng; Tuần 3: - Tổng hợp báo cáo thu hoạch trong quá trình thực tập bao gồm sản phẩm thật và pano 1mx2m thể hiện quy trình sản xuất sản phẩm; - Vận chuyển bộ sản phẩm từ Xưởng về trường; - Thi công tại sảnh trường - Thiết kế phần bục trưng bày sản phẩm; - Bắt đầu tiến hành làm poster; - Dàn trang & in ấn poster; - Lớp hoàn thiện tổng thể lần cuối và giảng viên góp ý; - Trưng bày & thuyết trình về sản phẩm thực tập | - Các đơn vị sản xuất do Khoa đề xuất và các GVHD giới thiệu hoặc SV tự liên hệ nếu có; - Xưởng nghiên cứu thực hành, - Sảnh của trường
| Thiết kế và thi công sản phẩm nội thất chất liệu thật tỷ lệ 1:1 trưng bày; - Hồ sơ kỹ thuật A3; - Bản thu hoạch theo (khổ A4) quá trình thực hiện (có ảnh); - Pano 1mx2m thể hiện quy trình sản xuất sản phẩm
|
Thực tập chuyên ngành | 03 đơn vị học trình tương đương với 3 tuần làm việc | Thiết kế và thi công hoàn thiện một không gian nội thất | - Sinh viên được chia theo lớp chuyên ngành; - Đề tài cụ thể do GV hướng dẫn phân công; - Quy mô diện tích không gian tối đa tương đương diện tích phòng học chuyên ngành | Tuần 1: SV Làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tài trợ lên ý tưởng và thiết kế sơ bộ về không gian trưng bày; Tuần 2: Tập trung thiết kế, đưa ra các phương án thiết kế và cùng doanh nghiệp lựa chọn phương án thể hiện Tuần 3: Thi công tại lớp, Xưởng thực hành và hoàn thiện, nghiêm thu | - Trưng bày tại Sảnh Trường; - Địa điểm thi công tại các cơ sở thi công đóng đồ nội thất và Xưởng nghiên cứu thực hành của trường. | Trưng bày hoàn thiện một góc không gian nội thất là sản phẩm thật hoặc mô phỏng theo tỷ lệ 1:1 - Thuyết minh, phối cảnh A3 hoặc ảnh chụp |
Thực tập tốt nghiệp | 03 đơn vị học trình tương đương với 3 tuần làm việc | Nghiên cứu nội dung, hồ sơ kiến trúc của đề tài tốt nghiệp | Sinh viên thực tập theo chủ đề do cá nhân mình đăng ký hoặc được phân công | Tuần 1: - Tập hợp đề tài thực tập của các lớp - Phân nhóm các GVHD dạy thực tập TN và đồ án TN: Chọn các sinh viên có khả năng làm đề tài được DN tài trợ; - Phổ biến kế hoạch thực tập - Giao nhiệm vụ cụ thể theo đề tài tốt nghiệp cho từng SV; - Duyệt đề cương tiểu luận + duyệt hồ sơ kiến trúc - Tham quan thực tế theo đề tài tốt nghiệp. Tuần 2: - Thu tập dự liệu về kiến trúc và các tiêu chuẩn thiết kế; Duyệt đề cương chi tiết - SV đến trực tiếp các doanh nghiệp đã đăng ký (hoặc doanh nghiệp liên kết tài trợ): Nghiên cứu đối tượng, thu thập dự liệu cứng và mềm, phân tích dữ liệu-> tổng kết: Xác định vấn đề hiểu nhiệm vụ thiết kế. - Nghiên cứu các đề tài TN trước và 3 công trình thực tế trong nước + 3 công trình nước ngoài trên sách báo, tạp chí, internet. Liên quan tới đề tài TN: đặc biệt là giải pháp ý tưởng, mặt bằng, hình khối, màu sắc, chất liệu, ánh sáng -> giải pháp không gian. Tuần 3: Chỉnh sửa, hoàn thiện, nộp báo cáo thực tập và hồ sơ kiến trúc bài tốt nghiệp | Ngoài 9 mảng đề tài được Doanh nghiệp tài trợ làm đồ án tốt nghiệp, Sinh viên tự liên hệ với các công trình thực tế liên quan đến nội dung đề tài tốt nghiệp hoặc giảng viên hướng dẫn giới thiệu. | - 01 quyển báo cáo thu hoạch khổ A4 (từ 20 -30 trang) theo đề tài tốt nghiệp đăng ký. - 02 bộ hồ sơ kiến trúc liên quan đến đề tài tốt nghiệp dự kiến;
|
Đánh giá và đề xuất một số nội dung nâng cao chất lượng chương trình thực tập chuyên ngành Thiết kế Nội thất
1. Về thời điểm thực tập
Theo khung chương trình hiện tại, học phần thực tập diễn ra từ tuần 21 đến tuần 23 của năm học, nghĩa là thời điểm giáp với Tết Nguyên đán, đây là một thời điểm gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên thực tập. Do tính chất sản xuất hàng hóa, vào thời điểm này các doanh nghiệp sản xuất đều là thời điểm cao điểm để thực hiện các đơn hàng, phụ vụ Tết Nguyên đán, mặc dù các doanh nghiệp hết sức nhiệt tình trong việc nhận sinh viên về thực tập, song xét về khả năng thực tế đáp ứng của các doanh nghiệp tại thời điểm cận Tết cũng có nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến việc sắp xếp nhà xưởng, thu xếp nhân sự hướng dẫn, quản lý sinh viên của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc thực tập vướng phải nhiều hạn chế và có phần kém hiệu quả so với mong đợi.
Đề xuất: thay đổi thời gian thực tập trong chương trình đào tạo đối với chương trình thực tập cơ sở ngành và chuyên ngành, đổi từ thời điểm giữa năm học (khoảng từ tháng 12-01) sang cuối năm học (khoảng từ tháng 50-06). Đồng thời, cần tăng thời lượng chương trình thực tập lên ít nhất 04 đơn vị học trình cho mỗi chương trình thực tập tương đương 04 tuần làm việc.
2. Về nội dung
- Đối với chương trình thực tập cơ sở ngành: Hiện nay chương trình thực tập đang gộp cả nội dung thiết kế và thi công cho một lớp thực tập hoặc một nhóm thực tập. Điều này, đôi khi không giúp phân định rõ các khâu của quá trình thiết kế và sản xuất. Các đề tài hiện nay chưa thực sự chú trọng đến nhu cầu xã hội.
Đề xuất: Đối với chủ đề hoặc lựa chọn sản phẩm để phát triển các lớp cần đi sát vào thực tiễn đào tạo, thực tế xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao, có thể bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội. Nội dung chương trình thực tập cần phân chia rõ ràng thành 2 nội dung là thiết kế và thi công, mỗi nội dung cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể, riêng biệt. Khi thu hoạch và triển lãm cần có sự thẩm định, đánh giá mức độ hoàn thiện của các chuyên gia của cơ sở sản xuất. Quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra, xác định nguồn tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó cần phát triển các sản phẩm mang tính thử nghiệm, định hướng concept trong tương lai, theo hướng này việc thực hiện nên thi công tại Xưởng trường và kết hợp cùng các đơn vị sản xuất chuyên biệt. Khi thu hoạch cần có sự thẩm định, đánh giá mức độ hoàn thiện dựa trên các tiêu chí cụ thể của Khoa, ngành và các chuyên gia khác.
- Đối với chương trình thực tập chuyên ngành: hiện nay đang chủ yếu thực hiện thiết kế và thi công không gian nội dung quy mô nhỏ khoảng từ 6-9 m², các không gian này chủ yếu do một số thương hiệu hoặc nhãn hàng tài trợ. Nếu diễn ra trong nhiều năm sẽ gây nhàm chán, cạn ý tưởng hoặc không giúp phát triển được các không gian lớn hơn, tạo điều kiện cho sinh viên thử sức với những không gian lớn hơn.
Đề xuất: Xây dựng và tìm kiếm các dự án quy mô nhỏ (diện tích khoảng 20m2), tạo điều kiện cho sinh viên thâm nhập thực tế làm việc, từ giai đoạn khảo sát hiện trạng, xây dựng concept và thực hiện thi công thực tế nhằm giúp cho sinh viên có cơ hội cọ sát với những không gian, dự án lớn hơn trong thực tế.
- Đối với chương trình thực tập tốt nghiệp: Hiện nay chương trình thực tập tốt nghiệp đang áp dụng cho năm cuối hiện đang đi theo hình thức nghiên cứu lý thuyết là chính, thiếu tính thực tế và vận dụng thực hành, gần như chỉ là một giải pháp tình thế để phục vụ mục đích hoàn thành đồ án tốt nghiệp trong tương lai, khá lãng phí thời gian và chưa thực sự hiệu quả khi xây dựng một hoạt động thực sự đúng nghĩa.
Đề xuất: Bắt buộc sinh viên năm cuối phải hoàn thành thực tập tại các đơn vị chuyên nghiệp, cùng tham gia trực tiếp các công việc được đơn vị phân công như thiết kế/thi công/giám sát… trong các dự án thực tế, làm việc như một nhân viên thử việc trong thời gian nhất định. Thu hoạch, báo cáo cuối kỳ bằng sản phẩm công trình thực tế có nghiệm thu với đầy đủ các dữ liệu liên quan, có xác nhận của cơ sở thực tập và của nhà trường.
Thứ ba về tổ chức thực hiện, hiện nay về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo còn nhiều khó khăn, các khoa chuyên ngành nói chung và chuyên ngành Thiết kế Nội thất phải chủ động hoàn toàn về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, liên hệ đơn vị thực tập, xin tài trợ cho sinh viên, liên hệ chuyên gia hỗ trợ. Với một thời lượng công việc tương đối lớn cho cả 3 chương trình thực tập trong một thời điểm nên Ngành gặp khá nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.
Đề xuất: Cân nhắc việc điều chỉnh khung chương trình theo hướng tăng cường trang bị kiến thức thực tế về vật liệu, kỹ thuật thi công, quy trình sản xuất cho sinh viên (thông qua các giờ giảng cơ sở ngành về vật liệu, thi công… cả lý thuyết và thực hành tại Xưởng nghiên cứu thực hành của nhà trường; tăng cường thời gian trải nghiệm thực tế nhiều hơn trong các giờ chính khóa, tạo tiền đề cho sinh viên bớt bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thực tập; tổ chức nhiều cuộc thi, triển lãm, giao lưu với các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước trên phương diện thực hành để phát động tinh thần học tập cho sinh viên nhằm tạo hứng thú, cạnh tranh, học hỏi và có cái nhìn toàn diện hơn về ngành nghề đã lựa chọn.
Kết luận
Như vậy, có thể khẳng định chương trình thực tập đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với những chuyên ngành mang định hướng ứng dụng như Thiết kết Nội thất. Chương trình thực tập khi được thực hiện tốt sẽ phát huy hết khả năng của người học, lấy người học và nhu cầu thực tế làm trung tâm, đem lại hiệu quả ứng dụng cao và phù hợp với đặc thù chuyên ngành cũng như nhu cầu thực tiễn của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Castillo, D.E (2004), Khuyến khích sinh viên thực tập tích cực làm việc, Tạp chí Business Mexico, tháng 3/2004, ABI/INFORM Global, tr.7.
2. Huỳnh Ngọc Phiên (2017), Bí quyết thành công sinh viên, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google