Năm 2022, bệnh tay chân miệng có thể lập đỉnh

Bác sĩ Văn Bình
16:23 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ đầu năm đến tháng 6, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại nước ta đã có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Tính đến ngày 3/7, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện 8.426 ca mắc tay chân miệng. Con số này tại Hà Nội là 968 ca (gấp 5,2 lần cùng kỳ 2021), theo Cơ quan Kiểm soát bệnh tật thành phố.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ tính riên từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6, đã tiếp nhận và khám cho hơn 800 trẻ mắc bệnh. Trong đó, gần 200 trẻ phải nhập viện.

Bệnh tay chân miệng dù không mới nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ và biến chứng khó lường. Năm 2011, Việt Nam đã ghi nhận 113.121 ca bệnh ở cả 63 tỉnh, thành phố; 169 ca tử vong. Năm 2014, 80.685 ca bệnh được ghi nhận, trong đó có 8 ca tử vong. 

Những con số trên cho thấy chúng ta không nên lơ là, chủ quan trước căn bệnh này. Đặc biệt là khi năm 2022 được nhận định là năm lập đỉnh dịch. 

Năm 2022, bệnh tay chân miệng có thể lập đỉnh - Ảnh 1.

Các nốt phát ban ở tay, chân, miệng khi bệnh toàn phát.

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Nhưng có đến 95% số ca mắc là trẻ khoảng 5 tuổi.
Nguồn gốc bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được phát hiện từ năm 1957 tại Toronto, Canada. Khi đó, các nhà khoa học đã phân lập được “thủ phạm” là Coxsackie chủng A16, một loại virus đường ruột. Vụ bùng phát dịch nhỏ năm 1959 ở Birmingham, Anh cũng do virus này. 

Tuy nhiên, năm 1969, bệnh tay chân miệng bùng phát ở New Yok, Mỹ lại do một loại virus đường ruột khác tên Enterovirus type 71 (EV71).

Mãi đến năm 1997, cả thế giới mới chú ý đến bệnh khi nó bùng phát thành dịch lớn ở Malaysia, rồi lan sang Đài Loan (Trung Quốc) năm 1998. 1.500.000 trẻ đã được xác định mắc tay chân miệng trong giai đoạn này. 

Trong hơn 10 năm gần đây, cứ vài năm một lần, tay chân miệng lại bùng phát. Tây Thái Bình Dương là khu vực ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch nhất, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Tại Việt Nam, hầu hết 63 tỉnh, thành đều lưu hành bệnh tay chân miệng quanh năm. Hai khoảng thời gian tăng mạnh số ca bệnh là tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Trong đó, các tỉnh thành phía nam chiế khoảng 60% số ca mắc.

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Nhưng có đến 95% số ca mắc là trẻ khoảng 5 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi nếu mắc bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng nhiều hơn.

Biểu hiện và triệu chứng của bệnh tay chân miệng 

Hầu hết khi mắc tay chân miệng, trẻ thường bị sốt nhẹ; nổi ban đỏ, mụn nước ở khoang miệng, họng, da quanh miệng, lòng bàn tay, chân,… Một số trẻ chỉ nổi ban trong miệng, mông hay bẹn, nên gia đình không để ý. 

Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị tiêu chảy. 

Thông thương, sau khoảng 3 - 5 ngày phát ban, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn.

Năm 2022, bệnh tay chân miệng có thể lập đỉnh - Ảnh 2.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường xuất hiện những vết ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng, da quanh miệng...

Điều đáng lo là khoảng 20 năm trở lại đây, chủng Enterovirus 71, tác nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đông Nam Á, lại thường gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não nước trong (dịch não tủy không đục như viêm màng não mủ do vi khuẩn), phù phổi cấp, chảy máu phổi, liệt các chi giống bại liệt, viêm cơ tim và viêm phổi. 

Còn chủng Coxsackie không gây những biến chứng này. 

Tại Việt Nam, trước đây, chủng Enterovirus 71 chỉ lưu hành ở phía Nam, nhưng nay đã xuất hiện ở phía Bắc. 

Có ba dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh có thể diễn biến nặng. Thứ nhất là sốt cao trên 38,5 độ C liên tục trong hơn 48 tiếng, không hạ khi dùng thuốc. 

Thứ hai là giật mình khi ngủ, thậm chí cả khi chơi, tần suất giật mình tăng dần do tổn thương não (có thể li bì, ngủ gà; hốt hoảng, chới với; ngồi không vững, đi loạng choạng; run tay, chân hoặc yếu tay, chân; vã mồ hôi; nôn ói nhiều). Nếu có 2 lần giật mình trong 30 phút phải đến bệnh viện thăm khám ngay. 

Thứ ba là quấy khóc nhiều, dai dẳng. Thậm chí, trẻ có thể quấy khóc cả đêm, ngủ 15 - 20 phút lại quấy khóc khoảng 15 - 20 phút, rồi lại ngủ... Ngoài ra, trẻ bỏ ăn, bỏ bú cũng là dấu hiệu cần lưu ý.  

Cách điều trị

Hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chỉ điều trị triệu chứng như  hạ sốt, giảm đau do các vết loét, điều trị các biến chứng.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên tự ý chữa trị vì dễ phạm sai lầm. Như trường hợp của bé L.H.A (2 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên). Bé nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương khi chân tay xuất hiện nhiều vết loét, mưng mủ, do thầy lang đắp lá lên mụn nước gây nhiễm trùng. 

Những sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng như: Không đi khám, tái khám do coi là bệnh nhẹ; kiêng nước, gió; cho rằng trẻ ở nhà không thể mắc bệnh. Nhiều người còn cho rằng bệnh sẽ không diến biến nặng ở trẻ lớn. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy không ít trẻ lớn suy tuần hoàn, hô hấp do biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Bé T.T.D (6 tuổi, ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt cao, khó thở. Qua tham khám, bác sĩ chẩn đoán bé đã viêm phổi nặng.

Cách phòng tránh

Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vaccine, nên cách tốt nhất để phòng ngừa là rửa tay kỹ, thường xuyên bằng xà phòng.

Cha mẹ cho trẻ ăn chín, uống sôi; ngâm, tráng đồ dùng ăn uống của trẻ bằng nước sôi. 

Tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không dùng chung vật dụng. 

Đồ dụng của bé như đồ chơi, bàn, ghế… phải được vệ sinh, sát trùng thường xuyên. Xử lý chất thải hợp vệ sinh. 

Không để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mức bệnh. 

Cần đưa trẻ đến bệnh viện khám, nếu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.