Nhiều bệnh nhân ngộ độc sau khi “nhậu đặc sản” nhộng ve sầu
Sau khi ăn nhậu và thưởng thức món nhộng ve sầu, một nhóm người đã có dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc phải nhập viện khẩn.
Ngày 3/7, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu những bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu đào trong đất.
Theo thông tin từ bệnh viện, một nhóm thanh niên khoảng 5 người đã đi nhậu tại một nhà hàng trên đường Cao Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột) và có ăn món "đặc sản" nhộng ve sầu trong vườn nhà rồi chế biến mang đến quán.
Sau khi ăn xong, tất cả nhóm người đã có triệu chứng nôn ói, chóng mặt ở mức độ khác nhau, trong đó 3 người đã phải đi cấp cứu vì bệnh chuyển nặng.
Bác sĩ Bùi Hoàng Luân, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết, khi nhập viện cả 3 bệnh nhân C.K.L. (sinh năm 1974, ở phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột), V.T.S. (sinh năm 1985, ở phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột), P.V.T. (sinh năm 1976, ở huyện Cư M’gar, thành phố Buôn Ma Thuột) đều ở trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, trong đó có 1 bệnh nhân hôn mê và co giật.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị sốc phản vệ, nghi do ăn nhộng ve sầu nên đã tiến hành các phác đồ điều trị.
Hiện tại, sức khỏe của cả 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn lơ mơ, chưa tỉnh. Một bệnh nhân đã chuyển viện ở Thành phố Hồ Chí Minh theo nguyện vọng của gia đình.
Bác sĩ Luân cho hay, ngộ độc ve sầu có nhiều mức độ, nhẹ thì nổi mề đay, mẩn ngứa, nặng hơn thì khó thở, tụt huyết áp. Do đó, sau khi ăn ấu trùng ve sầu nếu có triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và cấp cứu kịp thời.
Được biết, vào đầu mùa mưa, ấu trùng ve sầu từ dưới lòng đất chui lên khỏi mặt đất, lột xác trở thành ve sầu trưởng thành. Thời điểm này một số người dân thường đi bắt ấu trùng ve sầu hoặc ve sầu vừa lột xác về chế biến thành các món ăn "đặc sản".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do sống trong lòng đất nên ấu trùng ve sầu bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng.
Những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng ve sầu vẫn có khả năng gây ngộ độc. Đặc biệt, nấm gyromitrin sống ký sinh trên thân ve sầu rất độc.
Từ đầu hè tới nay, đã có rất nhiều trường hợp ăn các loại côn trùng khi chưa tìm hiểu kỹ và được chế biến đúng cách, đúng quy trình tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong do ăn côn trùng tại một số địa phương.
Các chuyên gia khuyến cáo:
Mọi người tuyệt đối không ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên; không nên dùng các loại côn trùng lạ theo đồn thổi, chế biến thành các món ăn tái, sống, hoặc ngâm rượu…
Với những món ăn "độc lạ" cần cẩn trọng, không nghe kinh nghiệm "đồn thổi" để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn này. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google