Hà Nội: Số ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Nhật Minh
11:39 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Số ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tăng nhanh chóng trong những ngày qua. Đặc biệt, Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết về từ vùng dịch.

92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 4/7, cả nước đã ghi nhận khoảng 92.000 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này đã tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó.

Hà Nội: Nhiều ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tăng nhanh sau khi trở về từ vùng dịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Ảnh: Bộ Y tế

Hiện nay đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc đã liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh thành trong những tuần gần đây, tập trung hầu hết tại các tỉnh miền Nam và một số thành phố khu vực miền Trung.

Theo Bộ Y tế dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng và có thể sẽ bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Do tính chất của dịch sốt xuất huyết có tính chu kỳ, thời tiết hiện nay đang vào đúng thời điểm thời tiết nóng ẩm, mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, lăng quăng, bọ gậy phát triển. 

Hơn nữa, đây cũng là mùa du lịch, người dân di chuyển, giao lưu đi lại nhiều nên dịch bệnh cũng trở nên lan rộng và dễ mắc hơn.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Sốt xuất huyết có vật chủ trung gian truyền bệnh, muốn cắt đứt không để dịch bùng phát thì chúng ta cần phải diệt muỗi, người dân phải nằm màn và đặc biệt là phải diệt lăng quăng bọ gậy. Không có lăng quăng bọ gậy thì không có sốt xuất huyết.

Hà Nội tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trở về từ vùng dịch

Tại các tỉnh miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin vừa tiếp nhận thêm một vài bệnh nhi sốt xuất huyết có yếu tố dịch tễ từ miền Nam trở về.

Trường hợp thứ nhất là bé T.M.T (4 tuổi), từ miền Nam ra Hà Nội được 1 ngày thì sốt cao liên tục, đau họng, đau mỏi người. Sau 3 ngày điều trị kháng sinh không khỏi, bệnh nhi được người nhà đưa đi thăm khám tại một phòng khám tư.

Kết quả xét nghiệm tế bào máu thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, nghi bệnh nhi nhiễm bệnh máu nào đó, phòng khám chuyển bệnh nhi lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm thì phát hiện bé T. mắc sốt xuất huyết nên ngay lập tức chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trường hợp thứ hai là bé T.B.N (7 tuổi) từ Bình Dương ra Nam Định được 4 ngày, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Gia đình đưa bệnh nhi lên bệnh viện địa phương thăm khám, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết dengue và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Có rất nhiều trường hợp các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sau khi di chuyển từ các địa phương có dịch về. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân sau khi trở về từ các vùng có dịch, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... cần phải được đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.

Đặc biệt, hiện nay dịch COVID-19 với những biến chủng mới của Omicron BA.4, BA.5 đã bắt đầu trở lại tại nhiều địa phương, người dân cần lưu ý không nên chủ quan với sức khỏe bản thân, nâng cao thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh để tránh mắc "kép" 2 loại bệnh, dẫn tới hậu quả không mong muốn.

Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám.