Hà Nội: Nhiều người mắc sốt xuất huyết sau khi trở về từ các tỉnh phía Nam

Nhật Minh
18:13 - 30/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh chóng tại các địa phương phía Bắc. Vừa qua, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp sốt xuất huyết nặng sau khi đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra, một số ca nguy kịch…

Theo nguồn tin từ bệnh viện Bạch Mai, tính từ đầu tháng 6 đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Dự báo ở khu vực phía Bắc sẽ tiếp tục tăng các ca mắc trong thời gian tới.

Các ca bệnh ngày càng có những biến chứng nặng

Ngày 30/6, Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin về một bệnh nhân nam 38 tuổi quê Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy tuyến Nam Bắc, vừa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì sốt xuất huyết biến chứng hiếm gặp.

Hà Nội: Nhiều người mắc sốt xuất huyết sau khi trở về từ các tỉnh phía Nam - Ảnh 1.

Hình ảnh xuất huyết trên chân của bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân đã có biểu hiện sốt từ nhà. Khi đến Lạng Sơn, triệu chứng sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật nên bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn rồi chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.

Sau khi được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ 70G/L. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não-màng não.

Trường hợp tiếp theo là một nam sinh 17 tuổi, quê Hải Dương, đi du lịch ở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi di chuyển về nhà được 6 ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, đau người, da và mắt đỏ xung huyết và có biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết. Sau đó đã được người nhà đưa vào viện và làm xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.

Tuy nhiên bệnh nhân cũng đến viện muộn với các dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu hạ chỉ còn 20G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đã được xuất viện về nhà.

Một trường hợp nữa, của một nữ bệnh nhân 66 tuổi, quê Hà Nam, đi du lịch ở Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai. Sau đó 5 ngày thì bà bắt đầu có biểu hiện sốt. Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại nên sau khi đưa vào điều trị tại địa phương tình trạng bệnh xấu đi.

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ chỉ còn 6G/L, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng tăng cao. Bệnh nhân đã được điều trị kịp thời, truyền dịch theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Tự chủ động hơn nữa trong phòng và tránh bệnh sốt xuất huyết

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện viêm màng não là biến chứng nặng, ít gặp. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.

Với những bệnh nhân này, sau khi vào viện đã được hồi sức kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ bệnh nhân đã hết sốt, tiểu cầu đã tăng dần trở lại. Hy vọng những bệnh nhân này cũng có thể hồi phục hoàn toàn và xuất viện trong những ngày tới.

Đặc biệt, miền Bắc đang thời tiết giữa hè, thay đổi thất thường, lúc nắng nóng, lúc mưa nhiều, đây là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.

Qua một vài trường hợp trên, chúng ta cần nêu cao tinh thần phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hơn nữa, nhất là khi hiện nay đang vào cao điểm của mùa dịch bệnh và cao điểm của mùa du lịch. Người dân có yếu tố dịch tễ đi đến các vùng đang có điểm dịch cần lưu ý và thận trọng để bảo vệ sức khỏe của mình.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

Ngoài ra, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên người dân cần lưu ý chủ động phòng bệnh sớm.

Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như COVID-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.