Mưa lớn ở Bắc Bộ còn kéo dài, sạt lở đất diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên

Hồng Ngọc
12:11 - 05/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8, nhiều nơi mưa to đến rất to. Tại Tây Nguyên, hiện tượng sạt lở đất đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại Tây Nguyên.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 7 giờ ngày 4/8 đến 7 giờ ngày 5/8) tại khu vực các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Thị trấn Mường Tè 134.6mm (Lai Châu), Phú Lộc 134.6mm (Phú Thọ), Thiện Kế 119.4mm (Tuyên Quang), Huổi Lèng 116mm (Điện Biên), Bon Phặng 103.4mm (Sơn La), Tu Lý 97mm (Hòa Bình),…

Trong 6 giờ tới, tại khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Mưa lớn ở nhiều nơi còn kéo dài, Thủ tướng ra Công điện ứng phó sạt lở đất tại Tây Nguyên - Ảnh 1.

Mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8. Trong mưa lớn đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Ảnh: Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trong ngày và đêm 5/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 120mm. Khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong ngày và đêm 6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; những nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Từ ngày 7-8/8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8.

Trong mưa lớn đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Cảnh báo sạt lở, lũ quét, vỡ đập do mưa kéo dài ở Tây Nguyên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 11/8, tại Tây Nguyên, đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua sẽ giảm dần, chỉ còn mưa dông rải rác vào chiều và tối. Trong mưa giông đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tuy nhiên, đây là khu vực núi cao, nền đất yếu nên mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, đặc biệt là sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc.

Tại tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn những ngày qua đã gây ra sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và hơn 50.000m2 đất sản xuất của người dân. 

Mưa lớn ở nhiều nơi còn kéo dài, Thủ tướng ra Công điện ứng phó sạt lở đất tại Tây Nguyên - Ảnh 3.

Sụt lún nghiêm trọng trên đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc qua phường Lộc Sơn ngày 4/8/2023. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Ngày 4/8, nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xảy ra ngập lụt, lũ quét cục bộ và sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tại thành phố Bảo Lộc, mưa lớn liên tục đã khiến nước suối Đại Lào dâng cao, gây ngập cục bộ tại xã Đại Lào và xã Lộc Châu, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân.

Mưa lớn cũng khiến đường tránh thành phố Bảo Lộc sụt lún, đứt gãy và hư hỏng nặng, giao thông trên tuyến đường này bị chia cắt; sạt lở nghiêm trọng tại nhiều phường, xã trên địa bàn.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong tháng 6 và 7/2023, tỉnh Lâm Đồng đã có 17 điểm sạt lở, làm 9 người thiệt mạng. Địa hình tại Lâm Đồng chủ yếu là đồi núi, có độ cao 200-1.500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa..., đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập nặng khi xảy ra mưa lớn. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đất đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.

Công điện nêu rõ, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và một số phương tiện thông tin đại chúng, trong những ngày qua tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt trượt đất, ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình giao thông, đặc biệt là tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và hồ chứa nước Đắk N'Ting (huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.

Để tiếp tục tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 và số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 và văn bản số 302/TB-VPCP ngày 2/8/2023, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) phân công 1 Thứ trưởng chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của các hồ Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng), Đắk N'Ting (tỉnh Đắk Nông) để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và an toàn dân cư.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành khác có liên quan tiếp tục theo dõi, chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ ngày 1 - 4/8, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, mưa lớn kéo dài đã làm một người tử vong tại xã Ea Rốk huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (nghi do điện giật khi nhà bị ngập trong mưa lũ); 183 nhà bị sập, hư hỏng, ngập (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk); 5.208.25ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk; 3.259m kênh, mương bị sạt lở, hư hỏng (Điện Biên); 313m đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở. Riêng tỉnh Điện Biên, thiên tai xảy ra gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Để ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất. Trong đó, các địa phương tập trung xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó lưu ý việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa lũ, gió mạnh trên biển để triển khai các biện pháp ứng phó.


Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận