Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - được và mất
Sau một học kỳ thực hiện chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới, rất nhiều ý kiến khen chê đến từ đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả những người ngoài ngành giáo dục.
Cái được, cái mất của Chương trình giáo dục phổ thông mới - nhìn từ môn Ngữ văn
Thầy giáo Dương Khánh Toàn - giáo viên Ngữ văn ở tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ về được và mất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn như sau:
Từ góc nhìn cá nhân, tôi thấy cái "được" đầu tiên và quan trọng nhất của môn Ngữ văn chương trình mới là học sinh được tự mình tìm hiểu tác phẩm dưới sự hướng dẫn của giáo viên và những yêu của khá cụ thể của sách giáo khoa (cái này hơn hẳn Chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn cũ vì sách giáo khoa cũ chỉ có độc mỗi văn bản và vài câu hỏi cuối mỗi bài, trong khi sách mới thiết kế để học sinh có thể tự học).
Điều này phù hợp với triết lý giáo dục của Socrates. Ông là một triết gia nhưng không bao giờ "dạy". Socrates đặt ra cho học trò những câu hỏi. Và họ tìm được những giá trị từ việc tự mình trả lời chúng. Socrates truyền cảm hứng cho giáo dục theo cách đó. Tôi tin khái niệm dạy (teaching) không có giá trị. Điều duy nhất có ý nghĩa là học (learning).
Cái "mất" của môn Ngữ văn Chương trình mới, theo nhiều người là mất thời gian soạn bài theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Vì giáo viên không có cả một kho thời gian để soạn bài một cách công phu và kĩ lưỡng nên đành lấy giáo án trên mạng, đem về xào xáo lại cho hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học của mình rồi triển khai trên lớp.
Cái "mất" thứ hai là mất thời gian của học sinh khi khối lượng công việc phải chuẩn bị bài ở nhà là quá nhiều: làm việc nhóm, thiết kế slide (trang trình bày), sân khấu hoá, nghiên cứu văn học, thuyết trình…
Có phụ huynh (cũng là đồng nghiệp) chia sẻ với tôi là con mất nhiều thời gian chuẩn bị cho bài tập nhóm và thuyết trình đến nỗi không hôm nào được ăn đúng bữa.
Ai đó có thể nói rằng, môn Ngữ văn Chương trình mới không làm mất vai trò của người thầy và giáo viên vẫn có thể bình giảng những chỗ hay, sâu sắc, tinh tế của tác phẩm theo những gì mà mình tâm đắc.
Nhưng xin thưa, một khi giáo viên còn xoay tít mù với các hoạt động, tổ chức thảo luận, thuyết trình nhóm, trình chiếu sản phẩm, cùng học sinh xây dựng thang đo bảng kiểm… để đánh giá sản phẩm của học sinh thì còn đâu tâm thế của cả thầy và trò để đưa học sinh vào thế giới kì diệu của văn chương chữ nghĩa?
Một trong những điều kì vọng nhất của giáo viên dạy văn là Chương trình mới với việc kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực và ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ loại bỏ hoàn toàn vấn nạn văn mẫu bấy lâu nay vẫn nhức nhối trong lòng.
Vẫn còn ngổn ngang những bất cập với Chương trình giáo dục phổ thông mới
Nhưng đến khi đi vào thực hiện trên thực tế của học sinh đại trà mới thấy môn Ngữ văn Chương trình mới ngổn ngang những bất cập. Thứ nhất, chương trình vừa đi vào thực hiện thì trên mạng đã tràn ngập văn mẫu với ngữ liệu cả trong và ngoài 3 bộ sách.
Học sinh chuẩn bị bài ở nhà, thuyết trình nhóm, nghiên cứu văn học, sân khấu hoá… đều có thể lên mạng chép mà không cần đọc tác phẩm. Với đa số học sinh thì đây là lựa chọn dễ dàng nhất.
Thứ hai, đề kiểm tra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa chỉ phù hợp với thể loại văn bản ngoài văn chương như văn bản thông tin.
Với tác phẩm văn học, yêu cầu học sinh cảm thụ những giá trị nghệ thuật độc đáo, những giá trị tư tưởng sâu sắc, những giá trị nhân văn lay động lòng người, thế giới kì diệu của cái đẹp mà tác phẩm đem lại cho người đọc trong khi các em chỉ được trang bị một ít kiến thức về nhân vật, cốt truyện, thể loại, vần, đối, chủ thể trữ tình, biện pháp tu từ… là điều bất khả thi.
Nỗ lực thích ứng của đội ngũ giáo viên Ngữ văn
Để cảm thụ được tác phẩm văn chương cần hiểu rõ về cuộc đời và phong cách nghệ thuật của tác giả, thời đại mà tác giả sống, quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ của nhà văn,…
Ví dụ, để hiểu được truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu thì phải biết quan điểm mĩ học "khoảng cách tạo nên cái đẹp" của Hê-ghen; để cảm thụ một bài thơ mới cần hiểu quan niệm "Đẹp buồn" của thơ lãng mạn…
Do vậy mà đề kiểm tra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa quanh quẩn chỉ hỏi mấy điều đơn giản mà học sinh chỉ luyện vài lần là làm được. Bản thân tôi chưa biết ra đề nghị luận văn học với tác phẩm ngoài sách giáo khoa như thế nào!
Cái mới ra đời bao giờ cũng đầy gian nan. Nên không vì khó khăn bất cập mà nản lòng lùi bước. Tin rằng với trách nhiệm, tâm huyết và tài năng của đội ngũ đông đảo những người thầy đang trực tiếp đứng trên bục giảng, chúng ta sẽ không ngừng sáng tạo để "đường cày thẳng hơn". Vì mục đích cuối cùng là lợi ích của học sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google