Một góc nhìn hướng nghiệp cho các bạn trẻ

Tuyết Trinh
10:20 - 21/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc sống luôn tồn tại vô vàn những khó khăn và thách thức. Câu chuyện hướng nghiệp luôn là một vấn đề thu hút sự quan tâm của không chỉ các bạn trẻ, mà còn rất nhiều bậc phụ huynh. Một góc nhìn chia sẻ sẽ giúp các bạn có được những quyết định đúng đắn.

Bạn trẻ trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2023. Ảnh: FPT.

Bạn trẻ trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2023. Ảnh: FPT.

Việc làm ổn định - ước mơ không nhỏ đối với nhiều người

Là một người trẻ, ai cũng mong có được một việc làm tốt, ổn định, có điều kiện đi lại, phát triển bản thân, giao tiếp với nhiều đồng nghiệp giỏi, có thể thăng tiến... là những nhu cầu cơ bản của các bạn khi bước vào đời. Là các bậc phụ huynh cũng mong muốn cho con em mình có được một đáp án tương tự, khi ra trường có "công ăn việc làm ổn định". Tuy nhiên, thực tế càng cho thấy, kết quả mong muốn ấy không là điều dễ dàng cho tất cả mọi người. 

Trong câu chuyện trao đổi với các chuyên gia giáo dục và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, chúng tôi đã có được những chia sẻ thực tế về hiện trạng đang có rất nhiều người trẻ mất định hướng nghề nghiệp, không biết bản thân mình cần gì, có thể phù hợp với công việc gì, từ đó, họ có thể lựa chọn đúng cho mình một con đường phát triển bản thân hiệu quả, thành công. 

Một chuyên gia tư vấn giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn - hướng nghiệp cho biết: "Có lẽ nhiều bậc phụ huynh hiện nay đều cho rằng, cứ đi học đại học xong là có thể nhẹ gánh. Khi được hỏi về định hướng cho con làm gì, thì nhiều bậc phụ huynh đều dễ dàng trả lời 'làm gì cũng được' hoặc 'thích làm gì thì làm việc đó'. Có lẽ, đây là một sai lầm phổ biến của nhiều bậc phụ huynh khi không có được định hướng rõ ràng dựa trên khả năng, sự quan sát và đồng hành với con từ tấm bé". 

Phụ huynh với vai trò quan trọng trong hướng nghiệp cho con em mình

Để có được một con đường dẫn tới thành công không chỉ dựa vào khả năng và việc học hành kiểu "khoán gọn" cho các bạn trẻ và nhà trường. Các bậc phụ huynh cũng cần phải có được những gợi ý, định hướng đúng đắn hơn dựa trên kinh nghiệm, sự quan sát và đồng hành, thấu hiểu con em mình. 

Nếu như các bậc cha mẹ đã từng gặp khó khăn như thế nào ở bước đầu lập nghiệp thì tại sao chúng ta không cùng con chia sẻ những khó khăn ấy ngay từ những ngày đầu. Nếu như gia đình nào đã xác định được những công việc phù hợp theo kiểu "cha truyền con nối" thì đã là một khởi đầu dễ dàng. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình, con cái không muốn đi theo nghề của cha mẹ mình. Có thể cũng có những lý do khách quan như sự cũ kỹ của cách làm, ngành nghề đã không còn được ưa chuộng, công việc đó không dễ dàng... Tuy nhiên, phần lớn nhiều bạn trẻ đều thích tự quyết định con đường đi của mình. 

Tuy nhiên, với một xã hội luôn phát triển với sự cạnh tranh khốc liệt của các ngành nghề khác nhau, và sự cạnh tranh trong đội ngũ các bạn trẻ mới ra trường cùng những người có được những cách khởi nghiệp khác nhau, nhưng cùng một đích đến là mục tiêu tài chính và sự thành danh, thì sự loại bỏ đang diễn ra một cách mạnh mẽ.

Trước bối cảnh đó, mỗi bạn trẻ ngoài việc cần trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cơ bản để bước vào đời, thì bản thân phải có những "bứt phá" riêng; vượt qua những rào cản lớn của bản thân, tự phát hiện ra sở trường, thế mạnh của mình để trau dồi, mài dũa thành những vũ khí lợi hại và độc quyền giúp bạn chiến thắng trong cuộc đua về đích thành công. 

Khó khăn không bao giờ dừng lại, nhưng hãy kiên trì

Có thể nói, nhịp tăng tốc là thước đo sự hoàn thiện trong cách nghĩ, cách làm, cách lựa chọn và phát triển sự nghiệp của mỗi người trẻ nói chung. Khi bạn làm việc cho bất cứ một tổ chức, một doanh nghiệp nào, bạn đều phải vượt qua những chỉ tiêu khá gắt gao, chưa kể bạn phải đặt ra cho mình những chỉ tiêu riêng để có thể nhanh chóng hoàn thành được nhiệm vụ, đồng thời phát triển sự nghiệp của bản thân nhanh hơn trong con đường thăng tiến. 

Công việc chưa bao giờ là dễ dàng, đối với mỗi người cán bộ nhân viên trong bất cứ một tổ chức nào. Những khó khăn không chỉ dừng lại ở những thử thách, đôi khi, vì những điều kiện khách quan tác động, bạn tuy đã có được một số thành công nhất định nhưng thế giới xoay vần có thể dẫn tới bạn phải quay trở về vạch xuất phát khi bị mất việc làm, mất cơ hội được đi tiếp trên con đường mình đã chọn. 

Khi đã bước đi được một đoạn dù ngắn hay dài trên con đường sự nghiệp, nhiều bạn trẻ chắc chắn đã học được một số kinh nghiệm, có được trải nghiệm nhất định khi bắt đầu được làm quen với các triết lý quản trị, sự vận hành của công việc, những lý thuyết phối hợp làm việc, những đòi hỏi gắt gao của những ông chủ... Bạn sẽ phải tự tích lũy kinh nghiệm làm bài học để tiếp tục bước đi. 

Khi tự ngồi lại đánh giá những bước đường thăng tiến của mình, bạn sẽ có được những quyết định tiếp theo trong việc phát triển bản thân và tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp của mình ra sao. Dừng lại, đôi khi cũng là cách bạn "review" kết quả mình đã làm được, cách mình làm đã thực sự hiệu quả? thậm chí công việc mình lựa chọn đã phù hợp và phát triển được bản thân một cách tốt nhất? Nếu những suy tư này đủ "chín", bạn sẽ có được những bước tiến lớn hơn trong sự nghiệp của mình. 

"PR" nhân sự rẻ không còn là câu chuyện của tương lai 

Một lần nữa, chúng ta lại thấy giá trị của những bài học, những nỗ lực nghiêm túc sẽ được đền đáp bằng những kết quả sau tốt hơn thành quả trước. Bên cạnh đó, một thực tế là khi đã làm việc và gắn bó với công việc, giữa những người đồng nghiệp cũng luôn cố gắng, cạnh tranh lành mạnh, chúng ta sẽ học hỏi được ở chính họ những phẩm chất, kinh nghiệm rất đáng quý. Đôi khi, "học bạn" còn quý hơn gấp trăm lần những lý thuyết sách vở khi đi học. Không những thế, khi đi làm, bên cạnh công việc luôn có những tình cảm, tình bạn, tình đồng nghiệp tồn tại song song và lĩnh vực này thì không thể lượng hóa hoặc hệ thống hóa để đo lường giá trị của nó nhưng nó có được một sức mạnh vô hình giúp bạn hoàn thiện tư cách, tự tin, biết yêu thương và chia sẻ để tạo ra thành công cho chính mình và cho tổ chức.

Đặc biệt, trong khác với môi trường kiểu Tây như Mỹ, Pháp, Nhật...môi trường làm việc trong văn hóa Á Đông, yếu tố quan hệ con người với con người mạnh hơn rất nhiều. Có thể một số độc giả sẽ tranh luận ngay rằng yếu tố con người tồn tại mạnh hơn ở môi trường phương Đông vì hệ thống quản trị yếu hơn và thiếu khoa học hơn phương Tây. Nhưng nhận định này chỉ đúng trên khía cạnh so sánh dựa vào các tiêu chí khoa học quản trị phương Tây nhưng chưa đủ vì người phương Đông thực sự "phương Đông" và một người phương Đông tiêu biểu có khá nhiều điểm khác về mặt tính cách và hành vi so với một người phương Tây tiêu biểu.

Ngày nay, chúng ta đã và đang xây dựng một xã hội văn minh, sở hữu một đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có trình độ, tay nghề vượt trội. Có thể nói, PR nhân sự rẻ không còn hợp thời, chỉ có thể là một hệ thống nhân sự có trình độ cao, có tay nghề chuyên nghiệp mới có thể cạnh tranh với những quốc gia giàu có trên thế giới. Chúng ta rất cần tư duy đó thấm sâu vào mỗi người trẻ hôm nay, để chính các bạn sẽ tự lựa chọn, tự phát triển trở thành tương lai của một đất nước văn minh, giàu mạnh.