Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, điểm chuẩn ngành Kế toán tăng mạnh

Quỳnh Giang
13:50 - 01/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong nhiều năm qua, ngành Kế toán luôn được đông đảo sinh viên lựa chọn theo học bởi mức thu nhập trong nghề khá ổn định và cao hơn nhiều ngành nghề khác từ 20 đến 30%. Điều này dẫn đến điểm trúng tuyển vào ngành Kế toán có xu hướng tăng mạnh.

Nhiều cơ hội nghề nghiệp

Kế toán là ngành nghề rất phổ biến và nhu cầu nhân lực có tính ổn định cao, do có vai trò quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ một tổ chức hay doanh nghiệp nào. Đồng thời, mức thu nhập trong nghề khá ổn định và cao hơn nhiều ngành nghề khác.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020 cả nước có 810.000 doanh nghiệp hoạt động. Ngay cả trong tình hình khó khăn bởi đại dịch COVID-19, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 là 134.941, mặc dù số dừng hoạt động 37.663 đơn vị, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.096 (tăng so với năm 2019 là 11,9%). Qua đó cho thấy, cơ hội việc làm cho nghề kế toán là rất lớn.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, điểm chuẩn ngành Kế toán tăng mạnh những năm gần đây  - Ảnh 1.

Mức thu nhập trong nghề Kế toán khá ổn định và cao hơn nhiều ngành nghề khác
từ 20 đến 30%. Ảnh: bentley.edu

Thực tế cho thấy nhu cầu lao động kế toán tăng mạnh qua mỗi năm, mở ra nhiều cơ hội cho người học. Theo Luật kế toán Việt Nam, bất kỳ một tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp nào cũng phải thành lập bộ máy kế toán, trung bình mỗi doanh nghiệp cần từ 2 đến 4 kế toán.

Theo định hướng chuyển đổi số trong đào tạo, kế toán sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Nghề kế toán mang lại nhiều cơ hội cho người lao động, đòi hỏi không những sự nỗ lực từ đơn vị đào tạo nhằm đạt được mục tiêu và chuẩn đầu ra mà người học phải rèn luyện khả năng tư duy, nhận thức để đáp ứng yêu cầu và vị trí tốt tại đơn vị tuyển dụng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định chỉ khi nào không còn doanh nghiệp, doanh nhân thì kế toán mới thất nghiệp. Ngay cả khi COVID-19 ảnh hưởng, nhiều ngành cắt giảm lao động thì ngành kế toán càng nhiều việc.

Khi kinh tế xáo trộn, kế toán càng nhiều việc như xin giảm thuế, tính toán thuế, tính toán hỗ trợ người lao động bị sa thải, tính toán công nợ, xử lý vi phạm hợp đồng, lên phương án thu hồi công nợ…

Theo ông Trần Anh Tuấn, kế toán tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường kiêm nhiệm thêm các công việc khác ở văn phòng. Ngoài ra, họ còn phải chuẩn bị tài liệu để tiếp các đoàn thanh tra, thuế, phòng cháy chữa cháy, lao động… nên cần có kiến thức ở các lĩnh vực này.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán

Kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Theo đó, thực hành kế toán tại doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được khái quát lại thông qua 5 công nghệ: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Chuỗi khối (Blockchain).

Đây đều là những công nghệ giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán có thể hiểu đơn giản là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Một số công nghệ hiện được nhiều doanh nghiệp áp dụng vào trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, như: Phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán điện tử, phần mềm bán hàng điện tử, phần mềm văn phòng điện tử... Công nghệ số tác động đến quy trình, phương pháp, chức năng của hoạt động kế toán, kiểm toán để phù hợp Báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Điều đó hình thành nên xu hướng và tương lai của kế toán, kiểm toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kế toán - kiểm toán là một lĩnh vực kinh tế vốn mang tính nguyên tắc và ít có sự thay đổi. Có thể nói, chuyển đổi số là một bước ngoặt lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi phải chuyển đổi mô hình từ làm việc thủ công, giấy tờ sang làm việc với hệ thống máy móc và các giải pháp công nghệ.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, điểm chuẩn ngành Kế toán tăng mạnh những năm gần đây  - Ảnh 2.

Chuyển đổi số là một bước ngoặt lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kế toán. Ảnh: CNN

Điểm chuẩn ngành Kế toán tăng mạnh

Trong nhiều năm qua, ngành kế toán luôn được đông đảo sinh viên lựa chọn theo học.

Hàng năm, điểm trúng tuyển vào ngành Kế toán trong nhóm Kinh tế tại các trường đại học cũng đều nằm ở mức khá cao và có xu hướng tăng mạnh.

Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội

Đại học Ngoại thương Hà Nội là một trong những ngôi trường "có tiếng" đào tạo khối ngành Kinh tế. Điểm chuẩn ngành Kế toán của trường này luôn ở mức cao nhất cả nước và tăng một cách "đột biến" trong 4 năm vừa qua, từ 23,6 điểm (năm 2018) đến 28,25 điểm (năm 2021).

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Điểm chuẩn ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cao thứ 2 cả nước trong 4 năm vừa qua. Từ năm 2018 đến năm 2020, mức điểm chuẩn của ngành này tăng đều và dao động từ 23,6 đến 27,15 điểm.

Năm ngoái, mức điểm trúng tuyển của ngành Kế toán tại Đại học Kinh tế Quốc dân là 27,65 điểm. Như vậy, thí sinh phải đạt trên 9,2 trên mỗi môn mới có thể đỗ vào ngành này của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Học viện Tài chính

Năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành Kế toán của Học viện Tài chính là 26,55 điểm, cao hơn năm 2020 là 0,35 điểm và hơn năm 2018 là 5,3 điểm.

Trường Đại học Thương mại

Điểm chuẩn ngành Kế toán của Đại học Thương mại cũng tăng khá mạnh trong 4 năm gần đây. Năm 2018, trường lấy 20,9 điểm, chênh 5,1 điểm so với năm 2020. Năm 2022, mức điểm chuẩn ngành Kế toán của trường cao thứ 3 cả nước, 26,6 điểm.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Mặc dù thế mạnh không phải các ngành kinh tế nhưng điểm chuẩn ngành Kế toán của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tăng mạnh từ năm 2018 đến năm 2020, từ 20,5 đến 25,3 điểm. Trong 2 năm gần đây, điểm chuẩn của ngành này không có nhiều thay đổi, luôn nằm trong ngưỡng 25.

Trường Đại học Giao thông Vận tải

Trường Đại học Giao thông Vận tải ghi nhận sự tăng mạnh trong mức điểm chuẩn của ngành Kế toán trong 4 năm vừa qua. Cụ thể, điểm chuẩn của ngành này năm ngoái là 25,5 điểm, tăng đến 6,55 điểm so với năm 2018. Trung bình mỗi năm, điểm chuẩn ngành này tăng 2-3 điểm.

Trường Đại học Mở Hà Nội

Mức điểm chuẩn ngành Kế toán của Đại học Mở Hà Nội năm 2018 và năm 2019 lần lượt là 19,5 và 20,85. Năm 2021, điểm chuẩn của ngành này là 24,9 điểm, cao hơn năm 2020 là 1,7 điểm.

Trường Đại học Công Đoàn

Năm 2018 và năm 2019, điểm chuẩn ngành Kế toán của Đại học Công Đoàn đều nằm dưới mức 20 điểm. Hai năm gần đây, mức điểm chuẩn ngành này tăng nhanh, với mức điểm chuẩn năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 22,85 và 24,85.

Trường Đại học Thăng Long

Mức điểm chuẩn ngành Kế toán của Đại học Thăng long tăng mạnh trong 4 năm gần đây. Điểm chuẩn ngành này năm ngoái cao hơn 8 điểm so với năm 2018 và mỗi năm, mức điểm chuẩn của ngành tăng từ 2-4 điểm.