Một đề kiểm tra đánh giá Ngữ văn lớp 11 hay, giáo viên cần tham khảo

Ly Hương
10:58 - 26/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kì 1, trong đó đề môn Ngữ văn 11 được nhiều giáo viên đánh giá hay, có giá trị tham khảo cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một đề kiểm tra đánh giá Ngữ văn lớp 11 hay, giáo viên cần tham khảo - Ảnh 1.

Tuổi thơ ở đồng quê. Ảnh: Thượng Nguyễn

I. ĐỌC HIỂU (6 điểm)

Đọc bài thơ sau:

(1) Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

(2) Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích choè đánh thức buổi ban mai...

(3) Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười.

(4) Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dầu chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè

(Tuổi thơ – Nguyễn Duy, Ánh trăng, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh gắn liền với tuổi thơ trong đoạn thơ sau:

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Câu 3. Chỉ ra một biện pháp tu từ có trong đoạn (2) và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.

Câu4. Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Câu 5. Những câu thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của quê hương, nguồn cội đối với cuộc sống con người:

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười.

Câu 6. Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của kí ức tuổi thơ sau khi đọc văn bản "Tuổi thơ".

II. VIẾT (4,0 điểm)

Trong phần kết truyện "Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya" của tác giả người Nhật Higashino Keigo, để hồi âm lá thư là một tờ giấy trắng gửi đến tiệm, ông Namiya có viết: "Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là tờ giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kì bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời".

Bằng sự trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 500 chữ) nêu suy nghĩ về niềm tin vào bản thân của mỗi con người trong cuộc sống.

Gợi ý làm bài kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn 

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Chủ thể trữ tình: "tôi".

Câu 2. Các từ ngữ, hình ảnh gắn liền với tuổi thơ: cánh đồng, cỏ, lúa, hoa hoang quả dại, vỏ ốc trắng, luống cày phơi ải, bờ ruộng.

Câu 3. Biện pháp tu từ liệt kê: cánh cò, con sáo, con chào mào, con chim trả, con chích choè. Tác dụng của biện pháp tu từ: Tạo nhịp điệu, tăng tính sinh động. Gợi ra sự phong phú của thế giới tuổi thơ và qua đó thể hiện nỗi nhớ, sự hoài niệm của tác giả.

Câu 4. Cảm hứng chủ đạo: Nỗi nhớ, tình yêu, sự trân trọng đối với tuổi thơ, với quê hương.

Câu 5. Học sinh trả lời được đại ý: Cái hồn của quê hương luôn tồn tại bên trong mỗi con người, dù trải qua thời gian như thế nào cũng không thể biến mất. (Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, đảm bảo tính hợp lí, thuyết phục).

Câu 6. Ý nghĩa của kí ức tuổi thơ sau khi đọc văn bản "Tuổi thơ": Giúp chúng ta biết trân trọng quá khứ. Những ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ có tác dụng động viên, khích lệ, tiếp sức cho con người để chúng ta vững bước trong hiện tại và tương lai.

II. VIẾT

Giải thích: Niềm tin vào bản thân là tin vào chính mình, tin vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống. Đó còn là mình hiểu mình và tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống.

Phân tích: Niềm tin vào bản thân là niềm tin cần thiết nhất trong mọi niềm tin. Nó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp mà còn là nền tảng của mọi thành công. Để đạt được điều đó, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công.

Đánh mất niềm tin hoặc không tin vào chính khả năng của mình thì con người sẽ không có ý chí, nghị lực để vươn lên.

Chứng minh: Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng vững vàng. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả. (HS lấy dẫn chứng cụ thể )

Bình luận: Khẳng định: Đừng quá tự tin vào bản thân mình mà dẫn đến chủ quan, đừng quá tự tin mà bước sang ranh giới của tự kiêu, tự phụ sẽ thất bại. Tự tin, khiêm tốn, cẩn trọng là những đức tính đáng quý của con người. Nó dẫn con người ta đến bến bờ thành công và được mọi người quý trọng.

Bài học nhận thức, hành động: Phải cố gắng học tập và rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Việc học phải đi đôi với hành, dám nghĩ, dám làm, tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống. Phải biết tránh xa các tệ nạn xã hội, phải luôn làm chủ bản thân.