Bài thơ "Cỏ hoa cần gặp" của Đỗ Trung Quân vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11

Phan Anh
14:03 - 17/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về vấn đề được gợi ra trong đoạn thơ "Cỏ hoa cần gặp" của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Bài thơ "Cỏ hoa cần gặp" của Đỗ Trung Quân vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 - Ảnh 1.

Bài thơ "Cỏ hoa cần gặp" của Đỗ Trung Quân vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11.

Ngày 15/7/2023, các trường trung học phổ thông chuyên vùng duyên hải và đồng bằng bắc bộ tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lần thứ XIV năm 2023. Trong đó, câu nghị luận xã hội môn Ngữ văn 11 có độ mở cao, thí sinh có nhiều "đất" sáng tạo trong khi làm bài.

Theo đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về vấn đề được gợi ra trong đoạn thơ: "Anh sợ vật leo thang nhưng cũng lo vầng trăng không mọc nữa đêm rằm/Hay sợ trăng đã mọc rồi mà đầu anh vẫn cúi/Bởi trái tim mình đã thành đá tảng rêu phong" (Trích "Cỏ hoa cần gặp", Đỗ Trung Quân).

Gợi ý câu nghị luận xã hội

Giải thích: "Vật giá leo thang" là đời sống vật chất ngày càng khó khăn, cuộc sống trở nên chật vật. "Vầng trăng không mọc nữa đêm rằm" là sự biến mất của cái đẹp, sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần. "Trăng đã mọc rồi mà đầu anh vẫn cúi/Bởi trái tim mình đã thành đá tảng rêu phong" là cái đẹp hiển hiện nhưng con người không nhận ra, không xúc động; sự thờ ơ vô cảm của con người trước cái đẹp, trước những giá trị cao quý trong đời sống.

Bài thơ "Cỏ hoa cần gặp" của Đỗ Trung Quân vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 - Ảnh 2.

Như vậy, con người đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo và sợ: sợ đời sống vật chất ngày càng khó khăn; lo sợ trước sự biến mất của cái đẹp, sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần; sợ trái tim con người ngày càng trở nên lạnh lùng và vô cảm.

Bàn luận: "Sợ vật giá leo thang" nhưng cũng lo "vầng trăng không mọc nữa đêm rằm": Cơm, áo, gạo, tiền là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống con người và sự tồn tại của xã hội. Nhưng chiều kích con người sẽ được mở rộng khi có sự tồn tại và nhận thức về giá trị của cái đẹp. Đời sống sẽ trở nên cằn cỗi nếu thiếu vắng đi những giá trị tinh thần.

Vì vậy, con người cần cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa thực tại lo toan và những mộng mơ, phút giây lắng lòng trước những vẻ đẹp của cuộc đời. 

Sợ đầu vẫn cúi, sợ trái tim thành đá rêu phong khi trăng đã mọc – đó là lúc con người trở nên thờ ơ, không còn quan tâm đến mọi thứ xung quanh mình, không còn biết rung động trước cái đẹp, trước những giá trị tinh thần.

"Đá tảng rêu phong" gợi độ dài về thời gian khi con người quá mải mê với những lo toan vật chất, những lo toan thực dụng mà đánh mất mọi rung cảm trong đời sống. Đó không còn là vấn đề cá nhân mà là sự nhức nhối đáng báo động của cả cộng đồng xã hội.

Cho nên, mỗi người cần có ý thức bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng những rung cảm thẩm mỹ, biết yêu thương, chia sẻ.

Biết rung động trước những vầng trăng đêm rằm nhưng cũng đừng đắm chìm vào những mộng mơ, những điều hư ảo xa xôi mà lãng quên những ngổn ngang, bộn bề, gai góc của cuộc sống. Con người cần biết vươn lên nỗi sợ để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện bản thân.

Bài học: Nhận thức rõ ý nghĩa của việc theo đuổi những giá trị vật chất và quan tâm đến những giá trị tinh thần trong đời sống. Định hướng để bản thân hướng đến một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa, có sự cân bằng hài hòa giữa các giá trị.

Bình luận của bạn

Bình luận