Tranh luận về bài thơ "bắt nạt" trong sách giáo khoa, các giáo viên Ngữ văn nói gì?
Không phải bây giờ, bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh in trong sách giáo khoa mới khiến dư luận xôn xao. Từ năm 2021 đến nay, việc tuyển chọn bài thơ này vào sách giáo khoa không ngớt bị chỉ trích.
"Bắt nạt rất… dễ lây"
Một phụ huynh ở Hà Nội đã đăng tải một video trên mạng bày tỏ sự không đồng tình khi phát hiện ra sách giáo khoa Ngữ văn 6 của con có bài thơ "Bắt nạt". Phụ huynh này đọc lại bài thơ và phân tích những ngây ngô, khó hiểu của ngôn ngữ thơ và cho rằng bài thơ không hợp lý để mang vào sách giáo khoa dạy trẻ 12 tuổi.
Theo phụ huynh này, bài thơ khó hiểu khi tác giả gieo vần "bắt nạt" với "trêu mù nạt", "dễ lây", "dễ hôi"… Đáng nói, 2 khổ thơ cuối bài rất khó hiểu khi tác giả viết: "Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi".
"Vậy cuối cùng sau một loạt lời răn đe thì cái kết vẫn là cứ đến bắt nạt bạn à? Tôi thực sự không hiểu được hết ý tứ từ bài thơ này. Cách ví von khá trẻ con kiểu bắt nạt bị "hôi", bắt nạt "dễ lây" hợp với trẻ mầm non chứ không phù hợp với lứa tuổi lớp 6 đã nhận thức rõ ràng hơn về việc lây nhiễm bệnh, cơ chế tạo mùi hôi...", vị phụ huynh nêu băn khoăn.
Đừng chỉ trích tác giả, hãy đánh giá khách quan bài thơ trong sách giáo khoa
Chia sẻ về nội dung, nghệ thuật bài thơ "Bắt nạt", thầy giáo L.T.T. (Thanh Hóa) – giáo viên dạy Ngữ văn, cũng là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, cho biết: "Chuyện hay dở của một bài thơ hay tác phẩm nghệ thuật nói chung là không dễ kết luận, có những thứ từng hay, có những thứ sẽ hay, và có cả những bài đang hay nhưng rồi sẽ sớm bị lãng quên.
Và ngay cả những tác phẩm hay một cách lâu dài thì cái hay đó cũng cần phải xem nó hay về khía cạnh nào, ngôn ngữ, văn hóa, sự mới mẻ độc đáo hay ý thức xã hội - chính trị... Cho nên, tranh cãi về chuyện hay dở này rất khó để đi đến hồi kết.
Tôi không đánh giá cao bài thơ "Bắt nạt" về khía cạnh nghệ thuật, nhưng cũng không đến nỗi thấy nó như một "thảm họa" mà nhiều người đang nhận xét. Hơn nữa, ở một khía cạnh nào đó, như việc cảnh báo và giáo dục ý thức cho trẻ em trong mỗi quan hệ học đường, nó có tác dụng và ý nghĩa nhất định.
Tuy nhiên, sách giáo khoa 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), có 8 tác phẩm thơ được đưa vào giảng dạy, trong đó có 2 tác giả mới chưa từng xuất hiện trong các bộ sách giáo khoa Ngữ văn trước đây, là Nguyễn Thế Hoàng Linh và Mai Văn Phấn. Các tác giả, tác phẩm quen thuộc từ xưa như Nguyên Hồng, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ta-go, Ca dao..., dường như không nhận phải sự phản đối nào, nhưng cả 2 người mới đều ít nhiều đang "hứng gạch đá" từ dư luận. Đây cũng là một điều đáng suy nghĩ.
Cái mới, chưa xét hay dở, thường thì khó tiếp nhận/ chấp nhận. Chính vì tâm lý rất đặc thù này mà tôi nghĩ, đối với những gì mới/ lạ, cần sự bình tĩnh và cẩn trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn tác phẩm để đưa vào sách giáo khoa.
Việc đưa một tác phẩm vào sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho việc đọc văn tất nhiên phải đáp ứng những tiêu chí nhiều mặt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không nên mặc định nó là kinh điển/ kinh thánh để học thuộc lòng nhằm coi đó như là mục đích tối hậu của việc học môn Ngữ văn trong nhà trường; và càng không nên quên rằng nó chỉ là văn liệu để giúp học sinh biết đọc văn và rèn luyện những năng lực quan trọng khác như viết, nói, nghe...
Với tinh thần ấy, thậm chí có thể đưa một văn bản dở vào sách. Đọc để nhận biết cái hay là cần nhất nhưng biết nhận diện cái dở cũng quan trọng không kém. Văn thơ trong sách giáo khoa, theo tôi không phải chỉ để thưởng thức, mục đích quan trọng hơn của nó là giúp người học hình thành được các kỹ năng khi đối trước văn bản và sau đó là tạo lập văn bản.
Vài ba chục năm nữa, có thể giáo viên Việt Nam cũng giống giáo viên ở nhiều nước tiên tiến, là có thể tự soạn lấy tài liệu mà dạy, và lúc ấy họ hoàn toàn có thể chọn lấy những tác phẩm mà mình cho là phù hợp với mục đích giáo dục các năng lực cho người học để đưa vào giảng dạy. Trong một hoàn cảnh như thế, thật khó để soi hết mọi tài liệu của hàng vạn giáo viên trên cả nước.
Xuất phát từ đặc trưng môn học là môn Ngữ văn, các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa vốn là văn liệu cho việc giúp học sinh hình thành và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt như đã nói, cộng với mục đích giáo dục mang tính tích hợp, tôi nghĩ thay vì quá coi trọng giá trị nghệ thuật của mỗi tác phẩm thì nên chú ý nhiều hơn nữa đến vấn đề giáo dục mà bài thơ này đặt ra: nạn bắt nạt học đường.
Với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách, không nên quá nặng nề về chuyện hay dở của một tác phẩm hoặc một vài hạt sạn trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên mới quyết định chất lượng giáo dục.
Với một thầy thuốc giỏi, nọc rắn có thể cứu người; nhưng với một thầy thuốc tồi, sâm quý cũng có thể giết người. Dùng một văn liệu như thế nào, việc ấy quan trọng hơn bản thân cái văn liệu ấy. Tôi đã từng đưa những bài văn dở cho học sinh đọc và từ đó cùng nhau mổ xẻ, tìm ra các bài học...".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google