Vì sao điểm thi môn Tiếng Anh vẫn thường đội sổ?

Ngọc Trân
15:00 - 20/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vì đâu điểm thi môn Tiếng Anh có số lượng điểm dưới trung bình nhiều nhất, số điểm liệt cũng nhiều nhất so với các môn thi còn lại.

Gần như những năm gần đây, môn Tiếng Anh vẫn thường là môn thi "đội sổ" về điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và năm 2023 tình trạng vẫn vậy. 

Vì sao điểm thi môn tiếng Anh vẫn thường đội sổ? - Ảnh 1.

Học Tiếng Anh là thách thức của nhiều học sinh. Ảnh: FreeIT

Nhiều học sinh vẫn ngán, sợ môn Tiếng Anh - nhất là học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi - những nơi mà điều kiện học tập không tốt và được đầu tư nhiều như khu vực đô thị. Vì thế, mặt bằng chung môn Tiếng Anh hiện nay thường rất thấp, dẫn đến điểm tiếng Anh trên lớp và các kỳ thi chung hiện nay có điểm số không cao.

Khắc phục việc dạy và học môn Tiếng Anh hiện nay không chỉ ngày một, ngày hai mà cần phải có một giải pháp dài hơi để nâng cao chất lượng môn học này tương xứng với vị thế cũng như sự đầu tư của phụ huynh, học sinh, nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Điểm thi môn Tiếng Anh vẫn là nỗi băn khoăn từ nhiều năm nay

Ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi đã công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. 

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 876.102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392.784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

Nhìn và so sánh số liệu này với những năm gần đây thì số liệu điểm trên trung bình, điểm trung bình môn cũng khá khả quan hơn. Thế nhưng, trong 9 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, môn Tiếng Anh vẫn là môn có điểm dưới trung bình nhiều nhất, với 392.784 bài thi (chiếm tỷ lệ 44.83%) và điểm liệt cũng nhiều nhất.

Điểm Tiếng Anh năm nay thấp so với các môn khác không phải là năm đầu tiên vì sự việc này liên tục lặp lại. 

Nếu thống kê số liệu những năm gần đây, chúng ta thấy chưa có năm nào môn Tiếng Anh có điểm trung bình môn đạt 6,0 điểm. Năm 2021 cao nhất cũng đạt điểm trung bình môn là 5.84 điểm và có những năm rất thấp như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 thì điểm trung bình chỉ đạt 3.22 điểm.

Việc điểm thi trung bình môn Tiếng Anh vẫn thường thấp hơn các môn thi khác có lẽ không bất ngờ với mọi người vì đây vẫn là môn học được xem là khó đối với nhiều học sinh ngay cả với những sinh viên đại học. Những học sinh có ưu điểm về môn học này thường là các thành phố lớn, những khu vực phát triển.

Chẳng hạn như kỳ thi năm nay, 5 địa phương có điểm Tiếng Anh cao nhất, lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (6,756 điểm); Bình Dương (6,715 điểm); Hà Nội (6,195 điểm); Bà Rịa Vũng Tàu (6,19 điểm); Đà Nẵng (6,105). Trong số các tỉnh có điểm tiếng Anh cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 7 năm liên tục đứng ở vị trí số 1. Điều này cho thấy những thành phố lớn thuận lợi hơn trong việc dạy và học môn Tiếng Anh so với các địa phương còn lại.

Vì sao điểm Tiếng Anh thường thấp hơn các môn thi khác?

Những kỳ thi vừa qua, 10 địa phương có điểm Tiếng Anh thấp nhất cả nước vẫn các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn, Đắk Nông, Lai Châu, Hòa Bình, Trà Vinh, Hậu Giang. Phần lớn các tỉnh này khó khăn về địa hình, về điều kiện kinh tế, sự phân bố dân cư…

Nhưng, ngay cả các tỉnh có điểm thi trung bình môn Tiếng Anh thấp thì những học sinh thuộc khu vực thành thị vẫn luôn có nhiều ưu thế hơn và chất lượng, điểm số môn này cũng thường cao hơn.

Suy cho cùng, môn Tiếng Anh không như những môn học khác bởi ngoài chất lượng đội ngũ nhà giáo thì các yêu cầu môn học như: nghe; nói; đọc; viết phải luôn được kết hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, môn học này cũng đòi hỏi việc đầu tư lớn hơn khi phần nhiều học sinh có điểm thi môn Tiếng Anh thường phải đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ, nhà thầy cô giáo hoặc những nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống, lui tới. Việc học sinh được đầu từ sớm và điều kiện học tập tốt sẽ giúp cho các em lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng cơ bản của môn học.

Ngay như Thanh Hóa, kỳ thi năm nay có số lượng thí sinh dự thi ít hơn nhiều lần Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số điểm 10. Trong đó, có nhiều môn thi đứng ở tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, môn Tiếng Anh chỉ đứng ở vị trí 44/63 với điểm trung bình là 4,878 điểm.

Trong báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức cho biết: "Nhìn chung, chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước. Phong trào học tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi phát triển chậm so với huyện miền xuôi của tỉnh. Nguyên nhân của việc dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu, đó là hầu hết người dạy, người học nhìn nhận ngoại ngữ là một môn kiến thức, không phải môn học ngôn ngữ cần quá trình thực hành, tập luyện để đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ…

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh thiếu về số lượng (hơn 350 giáo viên ở 3 cấp học). Riêng các trường trung học phổ thông khu vực miền núi cơ bản đều thiếu giáo viên Tiếng Anh. Năng lực của đội ngũ cũng hạn chế. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu trong Quyết định 3475 của Ủy ban nhân dân tỉnh, mới ở mức 26,27%. Ngoài ra, khả năng nghe, nói, giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ của giáo viên trong quá trình giảng dạy không đạt hiệu quả…". 

Điều này cho thấy chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng đối với những tỉnh có điều kiện khó khăn còn nhiều bất cập. Bất cập không chỉ đến từ điều kiện kinh tế của phụ huynh, chất lượng học tập của học sinh mà ngay cả giáo viên cũng còn những hạn chế nhất định so với các tỉnh, thành, hoặc những khu vực có điều kiện.

Vì thế, muốn cải thiện môn Tiếng Anh hiện nay ngoài yếu tố khách quan đem lại thì việc cần làm của ngành giáo dục của một số địa phương hiện nay là cần có sự đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt là cải thiện chất lượng đội ngũ nhà giáo cùng những chính sách đãi ngộ đối với những giáo viên đang công tác ở những nơi khó khăn. Thực tế cho thấy, những giáo viên Tiếng Anh thường muốn công tác và phát triển sự nghiệp ở những vùng có điều kiện. Nơi đây, không chỉ họ có thu nhập cao hơn mà điều kiện để trau dồi, phát triển chuyên môn cũng tốt hơn. Vì thế, nhiều địa bàn giáo viên Tiếng Anh không chỉ thiếu mà còn yếu so với yêu cầu thực tế.