"Lục địa già" lao đao vì thiếu... năng lượng

Trần Quân
21:43 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng nghiêm trọng đã đẩy châu Âu vào thế khó khi giá nhiên liệu tăng cao kéo theo lạm phát. Các chuyên gia đều đưa ra dự báo không mấy lạc quan cho "lục địa già".

Cái khó của châu Âu

Do căng thẳng địa chính trị và nhất là vì cuộc xung đột ở Ukraine, Châu Âu đang thực sự phải đối mặt với nhiều khó khăn trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng làm tê liệt cỗ máy sản xuất. 

Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực đồng Euro, bởi vì khu vực này lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Chuyên gia kinh tế Henri Sterdyniak

Không quá khi nói, "lục địa già" đang phải vật lộn trong “cơn khát” năng lượng khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt, bởi từ trước đến nay, khu vực này vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng từ Nga. 

Để hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, châu Âu đang loay hoay tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Ngoài ra, tiết kiệm đang được xác định là công cụ quan trọng trong các chính sách trước mắt nhằm tái thiết nền kinh tế năng lượng EU.

Tuy nhiên, những nỗ lực hiện tại của EU dường như là chưa đủ khi cuộc khủng hoảng năng lượng đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế khiến chi phí nhà máy tăng cao và đe dọa đẩy một số nền kinh tế Châu Âu rơi vào suy thoái.

Theo thẩm định của Viện Thống kê châu Âu, giá năng lượng đã tăng gần 40% trong tháng 7/2022 so với một năm trước đây, giá thực phẩm tăng gần 10% trong một năm. Điều này đã góp phần làm tỉ lệ lạm phát tại châu Âu chạm mức 9,6% trong tháng 6, trong đó các nước Estonia và Lithuania ghi nhận mức lạm phát cao nhất, lên đến hơn 20%.

Nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm % hồi tháng 7. Đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde lưu ý đây chỉ là bước mới nhất trong số các biện pháp đặc biệt mà ngân hàng này có thể sẽ áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng.

"Lục địa già" lao đao vì thiếu... năng lượng - Ảnh 2.

Việc đồng Euro ngang giá USD khiến truyền thông châu Âu nhận định Euro mất giá, cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế khu vực.
Ảnh: AFP

Bên cạnh vấn đề thiếu hụt năng lượng và lạm phát tăng cao, khu vực đồng tiền chung Euro vừa qua còn chứng kiến hiện tượng đồng Euro ngang giá USD. Khi đó, truyền thông nhận định, Euro mất giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này không chính xác bởi vì đơn vị tiền tệ chung châu Âu không mất giá so với các đơn vị tiền tệ khác trên thế giới. Vì vậy, nên nói là USD tăng giá thì đúng hơn.

Các thị trường tài chính trên thế giới chuộng USD hơn Euro. Đương nhiên, đồng tiền Mỹ tăng giá.
Chuyên gia kinh tế Henri Sterdyniak

Việc Euro về ngang giá USD khiến các hóa đơn hàng nhập khẩu phải thanh toán bằng USD sẽ thêm nặng gánh.

Ngoài ra, đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) - Đức cũng đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Lần đầu tiên từ năm 1991, cán cân thương mại của Đức ghi nhận thâm hụt. Xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Trung Quốc và Nga giảm mạnh. Hóa đơn năng lượng của Đức tăng thêm 12% giữa lúc dầu khí nhập vào Đức giảm 2%. Đó là chưa kể đe dọa Nga cắt khí đốt, làm tê liệt ngành sản xuất của Đức.

Khi cuộc khủng hoảng năng lượng còn tiếp diễn trên thế giới, các nền kinh tế lớn với tỉ trọng công nghiệp cao như Đức rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau.

Viễn cảnh u ám

"Lục địa già" lao đao vì thiếu... năng lượng - Ảnh 4.

Các chuyên gia đều đưa ra nhận định không mấy khả quan cho kinh tế châu Âu. Trong ảnh, người dân đang đi siêu thị tại Pháp.
Ảnh: AFP

Châu Âu đang đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng là điều không khó nhận thấy. Các viện nghiên cứu đều bày tỏ quan ngại rằng trong 6 tháng cuối năm, Eurozone sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và Đức có thể là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Chuyên gia kinh tế Henri Sterdyniak phân tích: “Căng thẳng trên thị trường năng lượng có nguy cơ đẩy toàn khối vào suy thoái. Điều đó có nghĩa là lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thể nhiều và tăng nhanh như ở Mỹ. Các nhà đầu tư và đầu cơ sẽ tiếp tục chuyển các luồng vốn sang thị trường Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phản ứng nhanh hơn châu Âu và mạnh tay hơn ECB trong việc tăng lãi suất ngân hàng”.

Việc phải cạnh tranh với Mỹ khiến bài toán nan giải để thoát khỏi lạm phát và tình trạng đình đốn kinh tế của châu Âu càng thêm khó.

Tất cả các dấu hiệu này cho thấy Eurozone sẽ bước vào một chu kỳ đình lạm (stagflation), tức là vừa suy thoái kinh tế, vừa bị lạm phát hoành hành.
Sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính ACDEFI Marc Touati

Ngoài ra rất khó để nội bộ 19 nước sử dụng đồng Euro có một chính sách chung nhằm vực dậy kinh tế, tiếng nói chung trước nhà cung cấp dầu khí chính của toàn khối là Nga và chủ trương chung tiết kiệm năng lượng.

Thêm vào đó còn phải tính đến yếu tố xã hội. Tại Italy, đảng cực hữu dân túy được cho là có nhiều triển vọng điều hành đất nước sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới đây. Pháp cũng đang lo một làn sóng bất mãn khác sẽ bùng lên tương tự như Phong trào Áo vàng hồi năm 2018. Trong khi đó, tương lai kinh tế của Đức khá mập mờ tạo điều kiện cho phong trào cực hữu bùng lên trở lại.

Nguồn: Tổng hợp