Lừa đảo bán tài khoản ngân hàng để hưởng lợi lan rộng
Công an thành phố Hà Nội cho hay thủ đoạn mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động hiện nay. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng.
Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm.
Nhiều thủ đoạn tinh vi để mua bán trái phép tài khoản ngân hàng
Hiện nay có nhiều ngân hàng có những chính sách để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân dễ dàng trong việc mở tài khoản. Chính vì vậy, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán trái phép các thông tin tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng.
Với số tiền vài trăm nghìn đồng, chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và SIM điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking.
Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm những người có cùng tên với tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có thể xâm nhập thẳng vào các tài khoản Facebook, hoặc gửi các đường link ở trên mạng xã hội để cài cắm các mã độc. Thậm chí gửi các mail chứa các đường link dẫn đến các web nhằm mục đích cướp tài khoản.
5 thủ đoạn mua bán tài khoản ngân hàng
Thứ nhất, mua bán trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo thường tìm các tài khoản ngân hàng có sẵn trên các diễn đàn hoặc thông qua các mạng xã hội trên các web chúng đăng tải trực tiếp, hoặc tìm kiếm những người sẵn sàng bán, hoặc cho thuê tài khoản của mình thực hiện giao dịch.
Thứ hai, thuê các tài khoản ngân hàng từ những người sở hữu với mục đích tạm thời thực hiện các giao dịch trên không gian mạng. Người sở hữu tài khoản có thể không biết mục đích sử dụng thực sự tài khoản của mình.
Thứ 3, tạo các tài khoản giả, lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân bị đánh cắp để mở các tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này sau đó được sử dụng với các mục đích là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ 4, lợi dụng các tài khoản của người thân, bạn bè, lợi dụng sự quen biết hoặc giả danh nhân viên ngân hàng đang thực hiện chỉ tiêu mở tài khoản thẻ, cần số lượng lớn, đạt thành tích tốt.
Thứ 5, sử dụng công nghệ cao, đánh cắp danh tính của một số người dùng. Mục đích của hành động này là thu thập các video quay trực tiếp lên khuôn mặt của các nạn nhân để phục vụ cho xác thực điện tử nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng.
Bằng những thủ đoạn này, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người cụ thể. Qua đó, nạn nhân có thể không hay biết về việc tạo tài khoản. Những tài khoản ngân hàng giả-mà-thật này sau đó được cung cấp cho phía người đã đặt mua để thực hiện theo đúng yêu cầu của bọn chúng.
Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Rủi ro của các hoạt động bán, cho thuê tài khoản ngân hàng
Khi người dân cho thuê, hoặc bán tài khoản ngân hàng thì họ có thể gặp phải một loạt các rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín và an ninh cá nhân.
Người dùng có thể gặp rủi ro pháp lý. Cụ thể, theo Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐCP, phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.
Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này đã được quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, nói không với đề nghị "cho thuê" hoặc "bán" tài khoản
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
Lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình. Cần có những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với bất kỳ ai, đặc biệt là người lạ trên không gian mạng.
Nói không với mọi lời đề nghị "cho thuê" hoặc "bán" tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.
Tìm hiểu về các rủi ro và hậu quả pháp lý liên quan đến việc "cho thuê" và "bán" tài khoản ngân hàng để tránh tiếp tay cho tội phạm, liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu người dân phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của mình hoặc hành vi mua, bán tài khoản ngân hàng, cần báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google