Lớp học linh hoạt của bà giáo hơn 30 năm "gieo chữ" cho trẻ em thiểu năng trí tuệ

Hiền Lương
14:26 - 12/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

8 giờ 30 sáng, từ thứ 2 đến thứ 6, căn phòng nhỏ cuối hành lang Nhà văn hóa Khu dân cư số 2, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai là nơi tổ chức "lớp học linh hoạt" của cô Nguyễn Thị Côi - lớp học miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.

Lớp học linh hoạt của bà giáo hơn 30 năm "gieo chữ" cho trẻ em thiểu năng trí tuệ - Ảnh 1.

Bà giáo Nguyễn Thị Côi và học trò trong lớp học hằng ngày. Ảnh: Hiền Lương

Dạy học - một cách quên đi tuổi tác

Hơn 30 qua, bất kể trời nắng hay mưa, bà giáo Nguyễn Thị Côi gần 80 tuổi đều bắt xe ôm đến nhà văn hóa để dạy học trong lớp học linh hoạt. Được cầm phấn đứng trên bục giảng giúp bà Côi có nhiều niềm vui, quên đi tuổi già.

Lớp học miễn phí của bà giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chậm phát triển có cơ hội không chỉ được học chữ, học toán mà các em còn được học kỹ năng sống.

Từ những năm học lớp 4, bà giáo Côi đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành một cô giáo dạy chữ, để giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó. 

Năm 1994, bà Côi từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau đó, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ có chủ trương xóa mù chữ, mở lớp cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, cô giáo Côi liền xung phong tham gia. Tranh thủ sau giờ làm, từ 7 giờ đến 9 rưỡi tối, cô chạy qua dãy trọ khu Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) để dạy học cho các em.

Nhớ lại những ngày đầu, bà Côi phải đi khắp các xóm trọ, gặp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, những em đi bán báo, đánh giày để vận động các em đi học. Lúc đấy, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, bàn học được tận dụng từ những hộp gỗ... Có những ngày, thời tiết không thuận lợi nhưng vì yêu nghề, thương các em nên cô và trò lúc nào cũng có mặt đông đủ.

Lớp học linh hoạt của bà giáo hơn 30 năm "gieo chữ" cho trẻ em thiểu năng trí tuệ - Ảnh 2.

Lớp học linh hoạt của bà giáo hơn 30 năm "gieo chữ" cho trẻ em thiểu năng trí tuệ.

"Lớp học linh hoạt" của bà giáo Nguyễn Thị Côi

Khi hỏi về ý nghĩa tên của "lớp học linh hoạt", bà Côi chỉ cười và nói "Đây là lớp học do ở trên họ đặt, còn linh hoạt có nghĩa là mình học mọi chỗ, mọi nơi. Ở đâu mình cũng có thể học được".

Hiện tại, lớp học linh hoạt của bà giáo Nguyễn Thị Côi có 20 học sinh, chủ yếu là các em bị thiểu năng trí tuệ, trong đó có học sinh 33 tuổi vẫn theo học.

Để dạy được các em, cô giáo Côi phải kiên trì dạy từng em một, có những em phải mất cả năm trời để nhớ được mặt chữ "a, ă, â…" nhưng chỉ cần kiên trì cố gắng từng chút một thì các em sẽ nhớ được mặt chữ.

Đang chấm bài, học sinh làm sai cô giáo Côi liền gọi lên hướng dẫn lại và cho học sinh mang về sửa lại. Cứ liên tục như thế, cứ kiểm tra xong 1 em thì cô lại kiểm tra những em khác. Có những em trong lớp không chú ý, mở sách vở ra bà Côi liền dừng lại và nhắc nhở. "Khi dạy học tôi khá nghiêm khắc, dù các em không được nhanh nhẹn, thông minh nhưng khi cô nhắc các em đều rất nghe lời, các em giở sách và tập trung lại ngay", bà Côi chia sẻ.

Xung quanh phòng học, nơi đâu cũng là bảng chữ cái, các vần đơn, vần ghép để cho các em có thể nhìn lên và nhớ mặt chữ. Đặc biệt, trên bàn học của cô giáo Côi luôn luôn có tủ ý tế để đựng các loại thuốc phòng khi các em ốm đau. Để dạy các em rất khó, có những em đang trong giờ học xé sách vở, đi ra khỏi lớp học, không tập trung…

Tuy nhiên, cô Côi chưa bao giờ mắng học sinh vì cô biết chúng không thể kiểm soát được hành động của mình.

Chia sẻ về chuyện dạy học, bà Côi nói "Để dạy được các em rất khó, mình phải hiểu tính cách và nắm bắt được bệnh tật của các em thì mới có phương pháp dạy phù hợp. Nhiều lúc cũng buồn, nhưng mình luôn phải dạy bằng cái tâm, và vui khi được nhìn những nụ cười của học trò".

Dạy học bằng cái tâm

Bà Lê Thị Liên (76 tuổi), đứng ngoài cửa dõi theo cháu gái mình nắn nót viết từng nét chữ nhỏ xíu. Khánh Linh - cháu gái của bà, năm nay đã theo học lớp cô giáo Côi được 9 năm.

Dù đã cho cháu học ở nhiều nơi khác nhưng cháu không tiến bộ. Bà Liên đành "gõ cửa" lớp học của cô giáo Côi. Bất kể ngày mưa hay nắng bà Liên vẫn dắt đứa cháu ngoại của mình đến lớp đều đặn với mong mỏi cháu biết mặt chữ.

"Từ khi xin cho cháu vào học ở đây, cháu cũng tiến bộ vài phần. Cô Côi luôn tận tình chăm sóc và dạy dỗ các cháu, hàng ngày đều gọi cháu lên kiểm tra bảng chữ cái", người bà vui vẻ, hân hoan khi chia sẻ với tôi, bà nói dù đi học có xa tý nhưng thấy cháu nó tiến bộ còn hơn là ở nhà nghịch điện thoại.

Đứng ngoài cửa, theo dõi cháu hàng ngày. Điều mà bà Liên biết ơn là "bà giáo" tuy đã già nhưng hàng ngày vẫn miệt mài đến lớp, tận tình dạy và chỉ bảo từng em tập đọc, đánh vần, cộng trừ nhân chia, cách cầm chổi… 

Những ngày lễ, để tỏ lòng biết ơn cô, bà và một số phụ huynh khác người 5 chục, người 1 trăm. Bà giáo tuy có nhận nhưng số tiền đấy lại được bà bỏ ra để mua đồ dùng và sách vở cho các em.

Những trang vở toàn những điểm 9, điểm 10 của lớp phó học tập Phạm Đức Hiếu. Hiếu đã học được ở lớp cô được 5 năm, "Thấy lớp học của cô trên tivi nên nhà mình xin cho mình đến học. Lúc đầu thì bố dẫn đi, còn bây giờ mình tự đi xe bus. Cô Côi rất tốt, cô tận tình dạy mình viết chữ, học toán. Được học cô, mình vui lắm", Hiếu chia sẻ.

Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng hàng ngày cô giáo Côi vẫn tận tình, chăm sóc các em học sinh "tàn nhưng không phế". Đối với nhiều người, các em có thể là những đứa trẻ "khuyết tật", còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Côi thì những đứa trẻ này cần được bao bọc, được xã hội che chở. "Đến độ tuổi này, tôi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe, mắt còn tỉnh táo để đến lớp dạy các em, duy trì lớp học. Tôi mong xã hội biết đến lớp học nhiều hơn để yêu thương, dìu dắt các em", bà Côi tâm sự.

Với những phương pháp dạy học kiên trì, nhiều học trò của cô giáo Nguyễn Thị Côi đã trưởng thành. Nhiều em đã học xong đại học, kiếm được việc làm và có gia đình ổn định. Cũng nhờ lớp học của cô giáo Côi mà các em có thể biết được mặt chữ và tính toán để kiếm được các công việc khác nhau như sửa xe, làm đầu bếp hay mở quán ăn để kiếm tiền. 

Giờ phút này cô cũng không thể nhớ nổi mình đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò nữa.

Bình luận của bạn

Bình luận