Cô giáo "nhà thơ" Nguyễn Thị Nguyệt và ước muốn sống đẹp trong trường học
Tại buổi sinh hoạt dưới cờ, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt đã đọc một bài thơ tặng cho những học sinh chưa thật ngoan, những học sinh còn mắc lỗi. Nhiều học sinh đỏ hoe đôi mắt, những đồng nghiệp khác cũng ngồi lặng đi trong dòng suy ngẫm…
Đến với Trường Trung học cơ sở Trới (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt sẽ được học sinh giới thiệu về cô giáo của mình một cách thân thương: "cô giáo nhà thơ", "cô giáo bóng đá", "cô giáo của những giải thưởng", "nhiếp ảnh gia của trường"… Còn chúng tôi, những đồng nghiệp luôn ngưỡng mộ và cảm phục bởi Nguyệt là một giáo viên ngoài công tác chuyên môn, mỗi ngày lại cố gắng khám phá, học hỏi nhiều kỹ năng giúp công tác dạy và học tại trường được thuận lợi hơn.
Tôi biết cô giáo Nguyệt khi còn là một học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Bố mẹ mất sớm, Nguyệt đã rất nỗ lực để trở thành một cô giáo dạy Văn như mong ước. Với 9 năm công tác vùng cao tại huyện Hoành Bồ cũ (nay là thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Nguyệt là giáo viên trẻ 2 năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2010, Nguyễn Thị Nguyệt là cá nhân duy nhất của tỉnh Quảng Ninh đoạt Giải thưởng Kova lần thứ 8 - tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội (giải thưởng được trao cho 3 tập thể và 5 cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học và là những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội). Cô cũng đã bồi dưỡng được học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh đầu tiên của xã vùng cao với bộ môn Văn.
Năm 2010, chuyển công tác về Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoành Bồ, cô luôn tiên phong và tỉ mỉ trong mọi nhiệm vụ được giao, cô còn luôn sẵn sàng "tiếp lửa" cho các đội tuyển học sinh giỏi huyện, tỉnh ở các bộ môn do mình phụ trách. Một cô giáo giản đơn với áo sơ mi trắng, quần đen - mỗi khi xuất hiện trước học trò lại có sức hút rất đặc biệt.
Với năng khiếu cá nhân, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, cô giáo Nguyệt cùng với các đồng nghiệp sản xuất những phóng sự mang hình ảnh về trường học, về ngành giáo dục, về địa phương - tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần tạo động lực trong công tác thi đua "Dạy tốt – Học tốt". Những đóng góp của cô được ghi nhận bằng "bộ sưu tập" giấy khen của các cấp, bằng khen của tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguyễn Thị Nguyệt 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh Quảng Ninh. Đó là nỗ lực không ngừng của cô Nguyệt, cùng sự ghi nhận của đồng nghiệp, tập thể.
Không chỉ thế, với sự đam mê viết lách, cô giáo Nguyệt tham gia nhiều cuộc thi viết, thi tìm hiểu và đạt nhiều giải cao từ cấp huyện, thành phố đến cấp tỉnh, cấp trung ương. Cô đoạt giải Ba của Bộ Tư pháp trong cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, giải Ba cuộc thi tìm hiểu 70 năm lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh, giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi tìm hiểu 90 năm - Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam, giải Nhì thành phố cuộc thi viết Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển…
Cô giáo răn học trò bằng những vần thơ yêu thương
Sau 11 năm cống hiến cho ngành khi công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoành Bồ và Hạ Long từ cuối năm 2019, năm 2021, cô xin về trường để thuận tiện chăm lo gia đình và các con. Cô lại trở thành một cô giáo chủ nhiệm đầy nhiệt huyết – là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 năm liền lớp chủ nhiệm đạt xuất sắc.
Giản dị và khiêm nhường, cô dạy học sinh từ những kĩ năng trong cuộc sống, sự sáng tạo trong lao động, chăm sóc công trình măng non của lớp, đến những bài giảng đầy yêu thương – cùng trò khắc phục khó khăn và thích nghi trước sự tiên phong tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô sẵn sàng học hỏi, chia sẻ cùng đồng nghiệp trong chuyên môn, trong kinh nghiệm công tác. Tích cực trong các hoạt động tập thể, xung phong tham gia xây dựng chuyên đề của trường, xây dựng trang thông tin của trường tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Bên cạnh đó, cô rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, thành phố: Tham gia thuyết trình "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cấp tỉnh, tham gia thi sân khấu hóa tìm hiểu Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển cấp thành phố, tham gia Giải báo chí về xây dựng Đảng...
Dưới buổi sinh hoạt chào cờ, cô đọc những vần thơ yêu thương, rưng rưng xúc động, răn dạy bảo ban các học sinh mắc lỗi, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng đầy yêu thương:
Con mắc lỗi gì trong buổi học sáng nay
Cô giáo gọi về mẹ thấy buồn lắm đấy
Mẹ vẫn tin khi con vâng lời đến vậy
Ông bà luôn bảo rằng con là đứa trẻ ngoan
Ngày mai, con vẫn là chiếc chồi non
Con sẽ vươn mình ra ánh sáng
Mẹ - vẫn muốn là bầu trời đầy nắng
Ôm con đầy một vòng tay…
Khi được hỏi về cô Nguyệt, em Ngô Lê Ánh Duyên – học sinh lớp 8A2, trường Trung học cơ sở Trới trả lời đầy hào hứng: "Em rất tự hào khi được là học trò của cô Nguyệt – một cô giáo dạy Ngữ văn rất đáng yêu, gần gũi và tận tình với chúng em ạ. Cô đã giúp em đến gần hơn với môn học này, biết yêu và cố gắng hơn dù thực lòng em vốn không thích nó cho lắm."
Cô giáo Nguyệt thích làm thơ. Thơ của cô luôn ấm áp và đầy yêu thương. Cô đã có rất nhiều những bài thơ hay, xúc động có sức ảnh hưởng tích cực đến đồng nghiệp và học trò.
Cô cũng rất mê bóng đá, cô đã từng xuất bản tập thơ về bóng đã và tặng tận tay ông Park Hang Seo khi ông còn là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam. Một tập thơ hoàn thiện thật đặc biệt vì có những phần dịch tiếng Hàn do một vị đại sứ tốt bụng giúp đỡ, trong đó có những bức vẽ cực kì dễ thương do cô tự vẽ minh họa. Tháng 2/2023, cô được mời giao lưu cùng Huấn luyện viên Park và dàn sao Hàn do kênh truyền hình SBS của Hàn Quốc thực hiện. Cô đã có một giờ dạy chuyên đề ở trường với văn bản "Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng?" (Ngữ văn 6) tạo được sự thích thú, hấp dẫn từ học trò đến đồng nghiệp trong việc vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học cũng như cách truyền tải nội dung.
Cô giáo Nguyệt đã giúp bao tâm hồn thêm giàu có, ước muốn sống đẹp, dám ước mơ và quyết tâm thực hiện. Học sinh được gặp cô, được học cô sẽ có thêm niềm tin và động lực, biết cố gắng và vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trới, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Cô Nguyệt là một giáo viên trách nhiệm, gương mẫu trong đảm nhiệm và thực hiện nhiệm vụ, tận tâm và hết lòng vì học trò. Tập thể nhà trường chúng tôi luôn tự tin và tự hào khi có những giáo viên như vậy".
Trong tập thơ "Mùa xuân yêu thương" mà cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt tặng cho thư viện nhà trường và các đồng nghiệp mà tôi từng đọc có câu: "Chỉ muốn mình là chiếc lá/Vui buồn vẫn giữ màu xanh/Níu được một khoảng trong lành/Để tặng mầm cây làm vốn".
Bằng tâm huyết nghề giáo, tấm lòng yêu thương học trò, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt là biểu tượng của trường học đầy năng lượng. Vâng chiếc lá ấy mãi xanh...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google