Làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu thế hệ mới?
Công dân toàn cầu mới là những người thực sự làm nên một thế giới hòa bình, một thế giới phẳng, thật sự dân chủ và tự do. Vì thế, chăm lo cho thế hệ Z và thế hệ Alpha thật chu đáo, thật khoa học thì sẽ mau chóng xây dựng được số lượng công dân toàn cầu đông đảo.
Khái niệm "Công dân toàn cầu" (Global Citizen) gắn liền với sự phát triển của các Công ty đa quốc gia (Multinational Corpration - MNC, Multinational Enterprises - MNE). Đó là những công ty sản xuất hay cung cấp dịch vụ ở ít nhất 2 quốc gia. Những công ty này có thể có ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế và các nền kinh tế ở nhiều quốc gia. Công ty đa quốc gia có vai trò quan trọng đối với quá trình toàn cầu hóa. Hiện nay, một số công ty đa quốc gia đang có xu thế trở thành xí nghiệp liên hợp toàn cầu.
Quá trình toàn cầu hóa trong thế kỷ 21 đã phát sinh ra những thế hệ công dân toàn cầu mới khi các công ty đa quốc gia phát triển chính sách thu hút các tài năng để tăng nhân lực chất lực cao. Giữa các công ty này đã diễn ra cuộc chiến về chất xám. Biện pháp cơ bản là họ ưu tiên cho việc nhập cư những nhà khoa học, những tiến sĩ, những giáo sư... và tạo điều kiện sống thuận lợi cho họ.
Trong điều kiện đó, nhu cầu trở thành những công dân toàn cầu của giới trẻ tăng nhanh và đương nhiên, số lượng đại học có chương trình đào tạo công dân toàn cầu cũng ngày càng nhiều hơn.
Mặc dù thuật ngữ "Công dân toàn cầu" hiện đã khá phổ biến trên các trang sách báo và trên các mạng xã hội, song cũng còn không ít người chưa thật hiểu rõ Công dân toàn cầu là loại hình công dân như thế nào, họ cần có những năng lực gì, những kỹ năng gì và cần được đào tạo ra sao.
3 tiêu chí quan trọng nhất của công dân toàn cầu
Công dân toàn cầu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Những người này bao gồm người có một quốc tịch và cả những người mang nhiều quốc tịch.
Sở dĩ họ trở thành công dân toàn cầu là do họ đạt được 3 tiêu chí quan trọng dưới đây:
Có tri thức toàn cầu (Global Knowledge)
Đó là những tri thức mới nhất trong lĩnh vực hoạt động mà họ tham gia. Sự truy cập những tri thức mới này phải là thường xuyên. Khi tri thức bị lão hóa thì cơ hội làm việc sẽ không còn.
Mặt khác, họ phải nắm chắc và làm chủ được những công nghệ mới cần áp dụng vào chuyên môn của họ. Đây là đòi hỏi rất cao về trình độ khoa học và công nghệ.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, không ít trường đại học ở Việt Nam chưa cung cấp cho người học những tri thức toàn cầu mang tính thực tế cao và cập nhật kịp thời bởi chương trình đào tạo chưa đạt yêu cầu quốc tế.
Những kỹ năng toàn cầu (Global Skills)
Đó là khả năng ứng dụng những tri thức vào thực hành trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học của nước ngoài, nơi mà công dân toàn cầu sinh sống. Những kỹ năng này gồm 2 loại: kỹ năng cứng trong chuyên môn - nghiệp vụ, kỹ năng mềm về cách sống, cách làm việc và cách học tập trong môi trường toàn cầu.
Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) đánh giá thấp kỹ năng này của sinh viên Việt Nam, họ xếp hạng trên 110, thua cả Lào và Campuchia.
Kỹ năng toàn cầu có ý nghĩa quan trọng khi đi tìm việc làm ở nước ngoài. Người ta đòi hỏi cao năng lực thực hành, nhất là thực hành trong nền sản xuất hiện đại, có trang bị những robot thông minh và các dây chuyền tự động hóa cao độ.
Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá rằng, thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng.
Việc làm toàn cầu (Global Employment)
Có tri thức toàn cầu và kỹ năng toàn cầu thì mới tìm kiếm được việc làm toàn cầu. Khi làm việc trong môi trường toàn cầu, mô thức tư duy toàn cầu (Global Mindset), là cần thiết - đó là sự suy nghĩ theo thái độ và niềm tin của của cá nhân về những vấn đề đang phát sinh mà cả thế giới quan tâm trên cơ sở những tri thức và kỹ năng đã được hình thành. Nói khác đi, đó là khả năng vận dụng kinh nghiệm toàn cầu để giải quyết vấn đề đang nảy sinh.
Điều kiện cần và đủ để trở thành công dân toàn cầu
Tri thức toàn cầu, kỹ năng toàn cầu và việc làm toàn cầu là điều kiện cần của người muốn trở thành công dân toàn cầu. Gọi là điều kiện cần vì nó đáp ứng sự đòi hỏi đối với năng lực của công dân toàn cầu. Các điều kiện này hoàn toàn do sự nỗ lực cá nhân làm nên qua học tập, tự học, tự tu dưỡng, đồng thời cần đến sự đào tạo của một trường học có chất lượng cao.
Điều kiện đủ để trở thành công dân toàn cầu là con người phải có được khả năng đi tới những quốc gia khác mà không còn bị ràng buộc vào nơi chốn sinh ra mình: Tấm hộ chiếu đi tới nhiều quốc gia.
Trong điều kiện các quốc gia liên kết và cởi mở với nhau thì cơ hội có được quốc tịch thứ hai hay thứ ba... sẽ mở ra. Đây cũng là một vấn đề đầu tư theo những quy định của Nhà nước.
Khi một công ty xuyên quốc gia lập một văn phòng đại diện hoặc một cơ sở sản xuất hay dịch vụ tại một quốc gia khác thì những cán bộ, công chức trong công ty đó đã cần đến những tri thức toàn cầu, kỹ năng toàn cầu. Còn khi trở thành người có nhiều quốc tịch để thực sự là một công dân toàn cầu thì những điều kiện bắt buộc sẽ cao hơn nhiều với một người làm việc ở nước ngoài nhưng không phải là công dân toàn cầu.
Đặc quyền của công dân toàn cầu
Một người châu Á hay châu Phi có một hoặc nhiều quốc tịch châu Âu và họ đạt được những tiêu chí về tri thức toàn cầu, kỹ năng toàn cầu và việc làm toàn cầu, họ sẽ là công dân liên minh châu Âu, từ đó họ có những đặc quyền sau đây:
Họ có quyền tự do sinh sống, làm việc và du lịch tại bất cứ quốc gia nào thuộc khối liên minh châu Âu.
Họ có quyền được hưởng chế độ chăm sóc y tế hàng đầu từ khối liên minh châu Âu.
Họ có quyền được giảm học phí tại các trường thuộc Liên minh châu Âu.
Họ có các quyền lợi về mặt chính trị của một công dân EU hợp pháp. Họ có thể du lịch tại 158 quốc gia trên thế giới mà không cần visa; sở hữu song tịch (ngoại trừ Đức) và bình đẳng tuyệt đối.
Có 5 kỹ năng cơ bản mà bất cứ công dân toàn cầu nào cũng phải có
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Đây là kỹ năng mà những người tuyển lao động chú ý nhiều nhất. Đứng trước vấn đề nảy sinh, người lao động phải đặt ra nhiều câu hỏi để từ đó tìm ra giải pháp hợp lý nhất.
Những vấn đề thường nảy sinh vào bất cứ không gian và thời gian nào. Vì thế, những tri thức đã học phải được vận dụng mọi lúc, mọi nơi một cách hiệu quả và chất lượng.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu coi trọng kiến thức toán học trong giải quyết vấn đề bởi tư duy toán học thường mang lại giải pháp tối ưu trước các bài toán thực tế của sản xuất và kinh doanh cũng như dịch vụ.
Kỹ năng làm việc nhóm
Làm việc nhóm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi mỗi cá nhân trong nhóm phát huy hết thế mạnh của họ. Công việc của nhóm rất cần đến sự chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm. Trong công việc, nhóm những người cùng chuyên môn là một sức mạnh tổng hợp, song, có không ít công việc, những người khác chuyên môn cũng có thể giúp vào việc tạo chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp, ứng xử là kỹ năng hết sức quan trọng trong công việc cũng như trong các quan hệ xã hội. Sự khéo léo trong ứng xử thường làm cho đối tác sẽ thân thiện hơn, thông cảm hơn và từ đó họ thiện chí hơn trong công việc.
Thái độ cơ bản trong giao tiếp là sự tôn trọng. Nhiều khi, một thái độ thiếu tế nhị cũng có thể làm cho đối tác cảm thấy mình không được tôn trọng như mong muốn, từ đó việc giao dịch, hợp tác sẽ có những khó khăn.
Kỹ năng tư duy phản biện
Kỹ năng tư duy phản biện còn gọi là tư duy phê phán (Critical thinking) là quá trình tư duy phân tích, đánh giá một thông tin, một vấn đề đã có theo cách nhìn khác nhằm làm sáng tạo và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.
Với tư duy phản biện, con người phải có lập luận rõ ràng, logic, có đủ minh chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Tư duy phản biện là một loại hình tư duy độc lập (Independent thinking) giúp con người tránh rơi vào tình trạng giáo điều, thủ cựu và cứng nhắc. Từ đó, người ta có cách nhìn toàn diện hơn và sẽ tìm được giải pháp tối ưu.
Kỹ năng tư duy sáng tạo
Lẽ sống còn trong đời sống là tìm ra cái mới. Cái mới được làm ra không phải từ tri thức đã có, mà từ tri thức chưa có. Thông qua quá trình tư duy, người ta xử lý các thông tin, các tri thức đã có để tạo ra một tri thức mới như một ý tưởng không giống ai, một khái niệm mới, một cách làm khác, từ đó làm ra một sản phẩm không lặp lại những sản phẩm hiện đã có trong đời sống trong nước và trên thế giới.
Những điều cần quan tâm khi muốn trở thành công dân toàn cầu
Trước hết là phải thông thạo một số ngoại ngữ, chí ít thì cũng phải là một ngoại ngữ thông dụng. Số người dùng ngoại ngữ để giao tiếp cũng như số quốc gia chọn ngoại ngữ chính để giao tiếp là tiếng Anh. Cho nên, ta nên cân nhắc điều này.
Cần lưu ý là, tiếng Việt ít được người nước ngoài dùng, vì thế, đi ra nước ngoài mà chỉ biết tiếng Việt thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Chọn quốc gia ta sẽ đến sống và làm việc thì bắt buộc phải nắm ngôn ngữ của quốc gia đó.
Tôn trọng sự đa dạng văn hóa là điều kiện hết sức quan trọng để chung sống với người nước ngoài, trước hết là chung sống với dân chúng của quốc gia mà mình đến làm việc và sinh sống.
Trước đây, trong giao tiếp, người phương Tây hay nói đến sự khoan dung, nay thì họ nói đến sự tôn trọng: Tôn trọng sự khác biệt trong lối sống, tôn trọng văn hóa của người khác, tôn trọng cá nhân người mà ta có quan hệ làm ăn, sinh sống là một nguyên tắc phải tuân thủ.
Đứng trước một sự việc, một vấn đề, cần có quan điểm riêng của mình. Tất nhiên, để có quan điểm đúng, phải tích lũy nhiều tri thức, nắm vững những xu thế phát triển. Một khi xác định rõ quan điểm rồi thì niềm tin và thái độ tích cực thực hiện quan điểm là cần thiết.
Sự kiên trì theo đuổi mục đích là một phẩm chất rất cơ bản. Kiên trì không có nghĩa là bảo thủ, cố chấp, sơ cứng. Kiên trì là thực thi mục đích một cách bền bỉ và khi có những yếu tố mới nảy sinh, cần có phương pháp mềm dẻo để bảo đảm mục đích đưa ra được duy trì.
Học tập và tự học suốt đời là một nguyên tắc bất di bất dịch. Học tập để luôn làm mới tri thức được coi là chìa khóa của phát triển.
Tuy nhiên, học suốt đời phải gắn với hành. Học mà không áp dụng điều đã học vào cuộc sống, vào sản xuất - kinh doanh thì không bao giờ tạo ra cái mới, mà chỉ là trở thành cái bóng của người khác. Công dân toàn cầu là người hành động chứ không phải là người chỉ nói mà không có kỹ năng làm việc.
Trong kỷ nguyên số, mỗi người phải phấn đấu để có kỹ năng số (Digital Skills) đáp ứng công việc. Trở thành công dân số (Digital Citizen) trước khi trở thành công dân toàn cầu là con đường phát triển của mỗi cá nhân khi định hướng bản thân sẽ có đủ năng lực để sống chung trong ngôi nhà toàn cầu.
Để có những công dân toàn cầu, các quốc gia phải có chương trình đào tạo loại hình công dân này ngay từ trường tiểu học, càng sớm càng tốt. Chương trình đó sẽ theo đứa trẻ cho đến khi chúng học tới bậc đại học và sau đại học.
Một nền giáo dục khép kín, lạc hậu và lỗi thời không thể đào tạo nên các thế hệ công dân toàn cầu. Vì thế, Nhà nước cần phải đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo. Các thiết chế giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy (không chính thức) đều phải mang tính "Mở" để mọi cơ hội học tập của bất cứ công dân nào cũng không bị rào cản phi lý làm khó dễ cho việc tiếp cận với giáo dục.
Hãy bắt đầu từ khái niệm "sinh viên toàn cầu"
Khi còn là những sinh viên toàn cầu (Global students), các bạn trẻ thuộc thế hệ Z bây giờ và vài năm nữa là thế hệ Alpha, cần phải "đổi mới bản thân" để có được diện mạo với những nét điển hình sau đây:
Cởi mở, tự tin và hòa đồng;
Linh hoạt, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh;
Thích khám phá, tò mò khoa học.
Đắm mình vào những luồng văn hóa khác nhau;
Luôn nhìn ra những cơ hội tốt cho mình và dám đối đầu với khó khăn.
Công dân toàn cầu mới là những người thực sự làm nên một thế giới hòa bình, một thế giới rất phẳng, thật sự dân chủ và tự do. Vì thế, chăm lo cho thế hệ Z và thế hệ Alpha thật chu đáo, thật khoa học thì sẽ mau chóng xây dựng được số lượng công dân toàn cầu đông đảo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google